20 năm Cần Thơ từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

26/12/2023 - 15:19

Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội là định hướng được đề ra trong nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ. Trong đó xác định đưa du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Suốt 20 năm qua, du lịch Cần Thơ từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Dấu ấn 20 năm

“Cần Thơ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giao thông của ĐBSCL. Đó là một đô thị náo nhiệt với sông nước bao quanh, những vườn cây xanh mướt, giao thương tấp nập và có lẽ là nơi tập trung nhiều người nước ngoài nhất ở ĐBSCL. Đây cũng là điểm dừng chân hoàn hảo với nhiều du khách, nhất là khám phá chợ nổi, trải nghiệm đi ghe dọc theo các kênh rạch” - đó là những lời giới thiệu của tạp chí du lịch Lonely Planet (Úc) về Cần Thơ, cùng hàng loạt điểm đến: chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chùa Ông, nhà cổ Bình Thủy… Trước đó, tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, hay Mysteriousworld cũng chọn Cần Thơ vào top 10 thành phố có đường kênh rạch đẹp nhất thế giới. Những điều này cho thấy du lịch Cần Thơ đang được định vị trên bản đồ du lịch quốc tế, là dấu ấn đậm nét trong gần 20 năm phát triển du lịch thành phố.

Khách quốc tế trải nghiệm làm hủ tiếu tại cơ sở pizza hủ tiếu Sáu Hoài.

Có thể thấy rõ sự phát triển vượt bậc trong xây dựng sản phẩm du lịch. Cần Thơ xác định thế mạnh du lịch đô thị sông nước (với điểm nhấn chợ nổi Cái Răng) và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) qua đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, du lịch sông nước và du lịch MICE được chú trọng đầu tư, hình thành những sản phẩm đặc trưng.

Từ đó, Cần Thơ hình thành cụm không gian du lịch trung tâm: Ninh Kiều - Cái Răng - Bình Thủy - Phong Điền. Quận Ninh Kiều với thế mạnh hạ tầng thương mại dịch vụ phát triển, nên đẩy mạnh du lịch đô thị, sản phẩm về đêm như các khu chợ đêm (Trần Phú, Bến Ninh Kiều…), phát triển các khu ẩm thực, phố đi bộ, du thuyền trên sông. Bình Thủy phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử. Phong Điền tạo điểm nhấn du lịch xanh, du lịch sinh thái. Cái Răng thu hút khách bằng văn hóa sông nước, làng nghề, homestay… Mỗi quận, huyện đã dần hình thành sản phẩm đặc thù, góp phần làm đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch Cần Thơ. 

Các doanh nghiệp cũng nỗ lực làm mới, nâng chất sản phẩm du lịch, dịch vụ. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Làng du lịch Mỹ Khánh hoạt động từ năm 1996, ban đầu chỉ có vài công đất vườn nhà và chỉ có tham quan vườn cây, ẩm thực. Theo thời gian, chúng tôi đã mở rộng diện tích và phát triển thêm các dịch vụ trải nghiệm đa dạng. Đến nay, Làng du lịch Mỹ Khánh đã có hơn 30ha và hơn 20 dịch vụ đậm chất miệt vườn Phong Điền và miền Tây, như các trải nghiệm một ngày làm điền chủ, một ngày làm nông dân. Chúng tôi thấy may mắn và tự hào vì đã đồng hành cùng du lịch Cần Thơ trong quá trình phát triển 20 năm qua. Dấu ấn đáng nhớ là vào tháng 12-2023, Làng du lịch Mỹ Khánh đón nhận Chứng nhận sản phẩm OCOP du lịch 4 sao đầu tiên ở ĐBSCL. Chúng tôi càng nâng cao ý thức về vai trò của mình trong việc gìn giữ, xây dựng sản phẩm có thương hiệu để thu hút du khách”.

Hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng từ sự kiện, lễ hội của Cần Thơ cũng tạo dấu ấn đậm nét: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (vào 10-3 âm lịch), Lễ hội vườn trái cây Tân Lộc (mùng 5-5 âm lịch), Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy (rằm tháng 4 âm lịch hằng năm), Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền, Ngày hội du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều… Cần Thơ là điểm được chọn tổ chức nhiều sự kiện khu vực, quốc tế, như Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ, Diễn đàn kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL, Hội nghị hợp tác du lịch Hành lang phía Nam... Đồng thời kết nối quảng bá du lịch với nhiều quốc gia: Nhật Bản, Campuchia, Indonesia…

Sự phát triển du lịch của Cần Thơ trong 20 năm qua thể hiện rõ qua đột phá về lượng khách và doanh thu. Năm 2004, du lịch Cần Thơ đón khoảng 407.300 lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 189.143 triệu đồng. Năm 2019, lượng khách đến Cần Thơ đạt hơn 8,8 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 4.435 tỉ đồng. Mức tăng trưởng về lượt khách trong 15 năm (2004-2019) là hơn 20 lần. Trong đó, 2019 là năm phát triển vượt bậc của du lịch Cần Thơ. Du khách đến Cần Thơ tăng mạnh và đều đặn từ năm 2010 cho đến nay, với mức bình quân 12% mỗi năm. Kết quả năm 2023, Cần Thơ đón 5,99 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 5.420 tỉ đồng

Hiện nay, toàn thành phố có 636 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 11.000 phòng, gấp 7 lần so với năm 2004. Trong đó, khách sạn từ 1-5 sao có đến 133 khách sạn (hơn 5.000 phòng). Trong giai đoạn 2004, Cần Thơ gần như không có khách sạn 4-5 sao, nhưng hiện nay tỷ lệ khách sạn cao cấp đang ngày càng tăng và được đầu tư đáp ứng phát triển du lịch MICE. Sự phát triển và phục hồi nhanh chóng của du lịch Cần Thơ sau đại dịch COVID-19 là nhờ những định hướng quy hoạch kịp thời, phù hợp, phát huy thế mạnh tiềm năng. Thành ủy - HĐND - UBND thành phố ban hành những nghị quyết, kế hoạch, đề án có tính quyết định, tạo tiền đề cho sự đột phá. Từ đó, tạo sự quan tâm đúng tầm, có trọng tâm, trọng điểm để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Những định hướng phù hợp

Năm 2016 đánh dấu một bước chuyển quan trọng của du lịch Cần Thơ khi lãnh đạo thành phố ban hành nhiều quyết sách thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1-8-2016 của Thành ủy Cần Thơ (Nghị quyết 03) và Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19-9-2016 của UBND thành phố (Kế hoạch 111) về đẩy mạnh phát triển du lịch, là tiền đề quan trọng để các sở, ngành, quận huyện xây dựng chương trình hành động, tạo sự chuyển biến cho ngành du lịch. Mục tiêu của Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 là phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Theo định hướng đó, du lịch Cần Thơ đã và đang trở thành “Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện - chất lượng”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”. Tiếp đó, Nghị quyết số 10-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới; Kế hoạch số 185/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo; một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh tranh cao, điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.

Trên cơ sở đó, những năm qua cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của TP Cần Thơ được đầu tư đồng bộ. TP Cần Thơ hiện là cửa ngõ then chốt với vai trò trung chuyển và điều phối khách cho vùng ĐBSCL. Sự phát triển đồng bộ về đường bộ, đường thủy và hàng không, đã tạo điều kiện để Cần Thơ kết nối, liên kết trực tiếp với các tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch cả nước. Du lịch Cần Thơ đã liên kết với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Ninh…; hay hình thành liên kết cụm Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang, Cần Thơ - Hậu Giang, Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau - Bạc Liêu…

Hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đang xây dựng, triển khai nhiều đề án, kế hoạch đầu tư và phát triển du lịch: Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia văn hóa chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển du lịch TP Cần Thơ theo hướng sinh thái gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương”, Đề án “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030”, Chương trình số 16/CTr-UBND, ngày 22-12-2017 về quảng bá, xúc tiến du lịch TP Cần Thơ, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, phát triển kinh tế ban đêm, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch thành phố giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi số gắn với phát triển hệ thống du lịch thông minh TP Cần Thơ… Đồng thời, tham mưu UBND phê duyệt và kêu gọi các dự án đầu tư về du lịch, kỳ vọng tạo thêm đột phá cho du lịch thành phố.

Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)