An Giang: Tiềm năng du lịch nông nghiệp Núi Tô

04/04/2021 - 20:27

 - Với thói quen canh tác thuận tự nhiên của nông dân Khmer, xã Núi Tô (Tri Tôn, An Giang) có nhiều lợi thế trong cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch. Khi thế mạnh du lịch được khai thác, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ là điểm nhấn quan trọng cho địa phương vùng núi này.

Lợi thế du lịch

Trong số những hồ cặp chân núi nổi tiếng ở huyện Tri Tôn hiện nay, trên địa bàn xã Núi Tô có 3 hồ tuyệt đẹp là Soài So (có Suối Vàng đổ xuống), hồ Soài Chek và hồ Tà Pạ. Cùng với những công trình như: sân đua bò Bảy Núi, nhà truyền thống Khmer, công viên Soài Chek… thì những tuyến đường kết nối 3 hồ này đã được tỉnh, huyện đầu tư thông suốt, thuận tiện.

Xung quanh các hồ dưới chân núi và ven triền núi Cô Tô, đồi Tà Pạ, nhiều thửa ruộng trên của nông dân Khmer nối liền nhau tạo nên những điểm nhấn đặc biệt. Ở địa phương mà đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chiếm đến 76% dân số, diện tích đất ruộng trên có ý nghĩa quan trọng với nông dân xã Núi Tô. Địa phương xác định nông nghiệp là nền tảng kinh tế. Do vậy, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được xã Núi Tô chú trọng, nhằm làm tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm giá thành sản phẩm.

Nông dân Khmer cấy lúa, canh tác sạch theo tự nhiên

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Núi Tô Trần Trường Hải cho biết, đến nay, tổng diện tích sản xuất toàn xã đạt 24.190ha, trong đó 95% diện tích đất sản xuất áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch; chuyển bơm dầu sang bơm điện 973ha, đạt 54,9% diện tích. Xã Núi Tô đang thực hiện 1 mô hình quán cà phê khuyến nông, 1 mô hình sản xuất đường thốt nốt, 7 mô hình ứng dụng công nghệ cao, thành lập được 1 tổ hợp tác sản xuất lúa. Qua đó, giúp nông dân nắm vững kiến thức, áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Xã chuyển dịch cơ cấu cây trồng với tổng diện tích 12,1ha gồm: mít siêu sớm (7,3ha); cam (1ha); mãng cầu (1,8ha), dừa (1ha), xoài (1ha).

Những loại lúa ruộng trên, cây ăn trái, ngoài mang lại thu nhập cho nông dân còn là những sản phẩm phục vụ du lịch (DL) sau này. “Thời gian qua, Đảng bộ xã luôn quan tâm và khuyến khích mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại, DL và dịch vụ. Trên địa bàn xã có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, đã được đầu tư nhiều khu vui chơi thu hút đông đảo khách DL đến tham quan.

Trên Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), UBND huyện Tri Tôn đầu tư chữ “TRI TÔN” trên núi, tạo điểm nhấn cho du khách. Tại khu DL Soài So, hồ Soài Chek, hồ Tà Pạ, đã được đầu tư sân đua bò, đang cải tạo và đầu tư nhiều hạng mục công trình mới, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn và thu hút nhiều khách đến tham quan, tạo lợi thế cho xã phát triển không chỉ du lịch mà còn thương mại, dịch vụ, tăng thu nhập cho người dân” - ông Hải đánh giá.

Khai thác lợi thế

Đến nay, xã Núi Tô đã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Trong đó, tuyến đường nối hồ Soài Check đến xã An Tức được mở mới, tạo thuận lợi phát triển DL. “Để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, ứng dụng tốt khoa học - công nghệ vào sản xuất, xã tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đặc điểm sinh thái và tập quán sản xuất từng khu vực; mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng các loại rau màu và cây dược liệu tại khu vực Soài Chek, khu vực triền núi; xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản hàng hóa có thế mạnh của địa phương” - ông Trần Trường Hải chia sẻ.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Núi Tô, sắp tới, địa phương sẽ xây dựng chợ tại khu vực ấp Tô Trung phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và phục vụ khách DL. Song song đó, đầu tư xây dựng, sắp xếp các hộ mua bán, kinh doanh trật tự, văn minh tại khu DL Soài So; khuyến khích mở rộng quy mô các loại hình dịch vụ hiện có để phục vụ du khách.

“Địa phương sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của huyện, tỉnh trong mời gọi đầu tư, phát triển khu DL Soài So, kết hợp DL tâm linh với DL văn hóa lịch sử. Đồng thời, phát triển thương mại, dịch vụ từ việc khai thác sân đua bò gắn với khu DL - thể thao địa hình Soài Chek; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu DL sinh thái tại đồi Tà Pạ” - ông Hải nhấn mạnh.

Trong phát triển DL ở xã Núi Tô, những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sẽ tham gia phục vụ du khách tại chỗ cũng như làm quà tặng mang về.

 

NGÔ CHUẨN