Bạc Liêu: Phát triển bền vững với du lịch xanh

17/12/2021 - 08:10

Thị hiếu của du khách, nhất là khách quốc tế ngày càng hướng sự yêu thích về loại hình du lịch (DL) xanh để được hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên và trải nghiệm các dịch vụ thân thiện với môi trường. Bạc Liêu sau đại dịch cũng không nằm ngoài xu hướng DL này để tạo thêm một cú hích cho sự phục hồi, cũng như khơi dậy mạnh mẽ những đóng góp của Nhân dân đối với sự phát triển bền vững của DL tỉnh nhà.

Du khách “check-in” tại vườn nho của anh Phương Thùy. Ảnh: H.T

MỘT KHU DU LỊCH SINH THÁI BIỂN TRONG TƯƠNG LAI

Suốt một năm dài chống chọi với dịch bệnh COVID-19, các điểm tham quan, cơ sở kinh doanh - dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh phải “cửa đóng then cài”. Hầu hết doanh nghiệp đều rơi vào trạng thái kiệt sức vì giảm sâu nguồn thu, chưa kể phải gồng gánh các khoản chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, lãi ngân hàng… Chính vì vậy, muốn nhanh chóng phục hồi DL sau đại dịch từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp là chưa đủ mà vai trò, nguồn lực của người dân cũng hết sức quan trọng. Trong khi đó, DL sinh thái, DL cộng đồng là loại hình rất được ưa chuộng hiện nay, nhất là dễ đầu tư do phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

Ông Huỳnh Mừng Em - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) không chỉ giúp hội viên nuôi ước mơ đổi đời với con nghêu mà còn có nhiều dự định làm DL trên bãi bồi ven biển. Nếu đợt dịch thứ 4 không bùng phát, có lẽ giờ đây khu DL sinh thái biển của HTX đã “trình làng” và đang tất bật chuẩn bị đón khách trong dịp tết Nguyên đán này.

Ông Mừng Em cho biết: “Tại cống Cái Cùng, chúng tôi sẽ đầu tư du thuyền để đưa khách đi tham quan rừng ngập mặn ven biển, thưởng lãm cánh đồng điện gió hùng vĩ trên biển. Ngay ở bãi nghêu hàng trăm héc-ta, HTX dành hơn 100ha cho du khách trải nghiệm cảm giác thu hoạch nghêu, sò huyết. Cũng trên bãi bồi lúc thủy triều rút, du khách có thể tham gia các môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền… Còn bên trong đất liền có chỗ dừng chân cho du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản “made in” HTX như: nghêu, ốc hương, cá thòi lòi, cá bống mú”.

Nghe ông giới thiệu về kế hoạch của HTX, chúng tôi đã mường tượng ra một điểm DL sinh thái dân dã hấp dẫn. Ông Mừng Em còn cho biết, Sở VH-TT-TT&DL rất ủng hộ kế hoạch làm DL trên bãi nghêu và sẽ tích cực làm cầu nối với các công ty lữ hành trong nước để mở tua tuyến mới về với điểm DL này.

HTX Đồng Tiến sẽ dành một phần diện tích để làm điểm du lịch trải nghiệm trên bãi nghêu cho du khách.

MẠNH DẠN ĐẦU TƯ DU LỊCH SINH THÁI VƯỜN

Vài năm gần đây, mô hình DL sinh thái vườn được nhiều nông dân mạnh dạn thử sức. Sau những vườn nho đầu tiên ở thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) và xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân), một điểm tham quan DL mới với điểm nhấn là những chùm nho sai trái tiếp tục có mặt tại xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi). Anh Nguyễn Phương Thùy - chủ vườn nho ngoài đam mê nghệ thuật hội họa thì còn có mong ước biến mảnh vườn gia đình thành điểm DL sinh thái. Do đó, anh quyết định khai phá vườn tạp và tìm giống nho thích hợp với thổ nhưỡng địa phương để xây dựng điểm DL. Sau vài tháng chăm sóc, hơn 180 gốc nho đầu tiên của anh đã đơm hoa kết trái và nhanh chóng thu hút sự chú ý du khách trong, ngoài tỉnh. 

Trong những ngày đóng cửa điểm tham quan vì dịch bệnh, anh Phương Thùy dành thời gian chăm sóc vườn nho, trồng thêm một số loài hoa kiểng để tăng thêm vẻ mỹ quan. Sắp tới nếu dịch bệnh được kiểm soát, vườn nho sẽ có thêm dịch vụ câu cá và phục vụ nhiều món ăn đặc sản của địa phương.

Anh Phương Thùy chia sẻ: “Quanh đi quẩn lại, du khách đến với huyện Vĩnh Lợi chỉ có tham quan Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiêm bái chùa Giác Hoa hay chùa Hưng Thiện, ngoài ra chưa có điểm đến nào thật sự hấp dẫn họ. Ngày nay, đa phần du khách đều có sở thích DL sinh thái, một mặt là có những trải nghiệm thú vị, mặt khác là tận hưởng không gian trong lành, khoáng đãng của thiên nhiên, thứ mà nhiều du khách sinh sống ở thành thị không có. Chính điều đó đã thôi thúc tôi quyết tâm xây dựng điểm DL sinh thái này”.

Những năm qua, Bạc Liêu luôn chú trọng thực hiện phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân đồng hành phát triển DL”. Do đó, khuyến khích sự tham gia của người dân đối với loại hình DL sinh thái, DL cộng đồng sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư lớn hơn cho DL, giảm sự tác động của DL đến môi trường và là hướng phát triển bền vững cho tương lai.

Theo TRỊNH HỮU (Báo Bạc Liêu)