Bến Tre: Chủ động phương án kiểm soát biến chủng Omicron

17/01/2022 - 14:57

Biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2 (biến chủng Omicron) đã lan rộng đến nhiều quốc gia. Việt Nam cũng đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên với biến chủng này. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 (BCĐ) tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

A A

Ngành y tế huy động nguồn nhân lực tham gia tổ y tế cộng đồng, tổ y tế lưu động phục vụ điều trị F0.

Phương án kiểm soát

Tổ chức Y tế thế giới đã xác định biến chủng Omicron là biến thể đáng lo ngại, tốc độ lây lan nhanh chóng và có khả năng lây lan ở mức toàn cầu. Hiện nay, các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu về khả năng lây truyền, sự đáp ứng của vắc-xin và tình trạng bệnh nếu có nhiễm Omicron. Tại Việt Nam đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron. Đặc biệt, tỉnh trong khu vực Nam Bộ là Long An đã ghi nhận trường hợp người nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, ngành y tế dự báo tỉnh khó tránh khỏi tác động của biến chủng Omicron.

Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, BCĐ tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, nhằm can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm - Omicron. Theo phương án kiểm soát, BCĐ tỉnh sẽ kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tùy thuộc cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra chủ động ứng phó linh hoạt.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nguyễn Hữu Định cho biết: Giải pháp chủ yếu là tăng cường giám sát tất cả những người về từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp. Giải pháp chuyên môn của ngành y tế vẫn đẩy mạnh tiêm vắc-xin để đạt bao phủ mũi 2 trong toàn dân, tổ chức giám sát bằng xét nghiệm, nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại tỉnh. Đối với các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái nhiễm COVID-19 sẽ được gửi Viện Pasteur để giải trình tự gen phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

Bên cạnh việc duy trì các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 nói chung, ngành y tế cập nhật liên tục các thông tin trên thế giới về biến chủng Omicron để có đánh giá đúng mức sự nguy hiểm. Từ đó, chủ động các biện pháp phòng ngừa, can thiệp sớm, phù hợp. Theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán, sở đã có thư kêu gọi và đề nghị hệ thống y tế tuyến huyện tiếp tục huy động nguồn lực tư nhân và những người từng công tác ngành y để cùng tham gia các tổ y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng cùng góp sức, đảm bảo lực lượng phục vụ điều trị F0 tại nhà trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu hơn.

Chuẩn bị điều kiện thu dung

 Toàn tỉnh hiện có 42 khu cách ly, điều trị, với 4.055 giường, khả năng thu dung còn 3.151 giường (77,7%). Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu được phân công điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tầng 3, gồm: bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân có bệnh nền có nguy cơ diễn biến. Bệnh viện có khả năng thu dung 100 giường. Hiện tại, bệnh nội trú tại viện có khoảng 65 bệnh và bệnh nhân chạy thận nhân tạo có nhiễm COVID-19.

Ngành y tế chuẩn bị biện pháp thu dung F0.

Ngành y tế chủ động biện pháp thu dung F0.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Võ Phạm Trọng Nhân, mô hình bệnh tật đợt dịch này đã khác với đợt trước. Đa số tập trung cho người già, lớn tuổi, có bệnh nền. So với số lượng bệnh đợt trước tăng lên đáng kể, trong đợt cao điểm tháng 7-2021, có khoảng 25 - 26 bệnh/ngày là tối đa. Hiện nay, tăng lên trên 40 bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nền chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin tăng mà Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu phải thu dung tất cả lượng bệnh từ các đơn vị chuyển về. Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu có khả năng thu dung 70 bệnh, trong đó có 20 giường đã được trang bị đầy đủ thiết bị theo như Quyết định số 2626 của Bộ Y tế về vật tư trang thiết bị, 50 giường còn lại đã được phê duyệt và đang lên kế hoạch mua sắm.

Trước diễn biến F0 tăng, bệnh viện huy động toàn bộ lực lượng và tận dụng khu điều trị theo yêu cầu để điều trị bệnh nhân tầng 3 với khả năng thu dung 30 giường. Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã và đang huy động hầu như tổng nhân lực của bệnh viện điều trị tại khu F0. Công tác điều phối bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Ngoài công tác chuyên môn tại bệnh viện, các bác sĩ còn làm nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn, điều trị COVID-19 và chịu trách nhiệm hội chẩn cho toàn thể F0 của tỉnh.

Mặc dù nguồn nhân lực còn hạn chế nhưng với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh và hạn chế ca bệnh nặng, tử vong, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã có kế hoạch điều đội ngũ bổ sung, với khoảng 50% bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa phòng về, tổ chức các lớp tập huấn cơ bản. Đồng thời, bệnh viện huy động thêm thiết bị từ tất cả các khoa phòng, khu vực khác của bệnh viện về phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, BCĐ tỉnh đã xây dựng Trung tâm điều hành điều trị F0 tại Sở Y tế để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống diễn biến dịch.

“BCĐ tỉnh đã chỉ đạo BCĐ cấp huyện, xã, phường, thị trấn hoàn thiện các đội phản ứng nhanh để kết nối đội phản ứng CDC tỉnh tạo thành mạng lưới đồng bộ trong tổ chức giám sát, cảnh báo và can thiệp kịp thời, hiệu quả với dịch trên địa bàn. Ngành y tế đang phối hợp với địa phương để lên kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến điều trị tầng 2 cũng như cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tầng 1 tại 9 huyện, thành phố, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu”-Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán

Theo Báo Đồng Khởi