Bến Tre: Duy trì và tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19

20/12/2021 - 09:06

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đánh giá của ngành y tế, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch vẫn phải tăng cường, duy trì liên tục, nhằm kiểm soát dịch đạt hiệu quả cao nhất, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.

Cán bộ y tế làm nhiệm vụ xét nghiệm sàng lọc cho người dân TP. Bến Tre.

Tăng cường các biện pháp

Trong 1 tuần gần đây, tình hình ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh, có ngày vượt mốc 1 ngàn ca mắc. Hiện nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện ca F0 và có xu hướng ngày càng tăng. Tính từ ngày 13-10 đến 15-12-2021, tỉnh ghi nhận 171 công ty, DN có người mắc COVID-19, tập trung nhiều nhất là Khu công nghiệp (KCN) Giao Long. Trong đó, có 6 công ty có 2.861 F0, chiếm 65,84% công nhân.

Ngành y tế đã triển khai các hoạt động hướng dẫn các công ty, DN thực hiện điều tra truy vết, bóc tách F1; tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho công nhân; triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cũng đã thành lập đội phòng chống COVID-19 tại KCN và DN để xử lý kịp thời các ổ dịch tại KCN.

Giám đốc CDC Nguyễn Hữu Định cho biết: “Trong quá trình thực hiện, một số DN chưa thực hiện tốt việc tầm soát định kỳ cho công nhân theo quy định. Công nhân nhiều công ty ở chung nhau trong khu nhà trọ. Do đó, có 1 công nhân của công ty này mắc COVID-19 thì công nhân các công ty khác cũng bị nhiễm. Một số công ty không chuẩn bị tốt nơi cách ly tạm cho công nhân khi test sàng lọc dương tính, khu cách ly F1. Khi thực hiện test sàng lọc dương hoặc xét nghiệm giải mẫu gộp PCR cho về địa phương chờ kết quả, dễ lây lan cho cộng đồng và người thân trong gia đình nếu không thực hiện việc tuân thủ “5K”.

Tại huyện Giồng Trôm, nhiều trường hợp công nhân về không khai báo gây khó khăn công tác truy vết, phòng chống dịch của huyện. “Số lượng công nhân test nhanh dương tính tự về địa phương còn chủ quan không khai báo trạm y tế. Sau mấy ngày khi có dấu hiệu của bệnh mới phối hợp với lực lượng y tế. Việc khai báo trễ nên lây lan cho gia đình và cộng đồng rất lớn. DN tại các KCN nên có phòng đệm cách ly. Khi có F0, đội điều phối tại KCN nên có thông tin về địa phương để chủ động truy vết nhanh cũng như bố trí cơ sở thu dung phù hợp”, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm Phạm Công Luận đề xuất.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Số ca mắc trong cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương. Trong khi đó, người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng chống dịch, các biện pháp “5K”, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Giám đốc CDC Nguyễn Hữu Định đề xuất, cần dừng các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân, không lơ là, chủ quan sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch. Đặc biệt, việc thực hiện các biện pháp “5K”, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng chống dịch. Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị.

Chủ động phòng dịch

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Định, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân công tổ y tế của đơn vị hoặc hợp đồng với đơn vị y tế công lập, tư nhân để tổ chức thực hiện và giám sát sự tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động tại cơ sở. Công tác này sẽ chủ động phòng chống dịch tại DN, cơ sở sản xuất theo nguyên tắc “kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan”.

Đối với người lao động đảm bảo một trong các điều kiện: đã tiêm vắc-xin đủ liều, tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 và phải có kế hoạch tiêm chủng tiếp mũi thứ 2 khi đủ thời gian tối thiểu; người lao động nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, giám sát y tế theo quy định. Phương tiện vận chuyển công nhân phải được khử khuẩn sau mỗi lần đưa đón người lao động. Lái xe và phụ xe phải tiêm đủ liều vắc-xin và phải ghi nhật ký tiếp xúc hàng ngày. Trường hợp người lao động tự di chuyển phải cam kết nghiêm túc tuân thủ “5K” theo quy định.

 Đối với nơi làm việc, kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài xâm nhập. Trong đó, tổ chức khai báo y tế, bắt buộc thực hiện đối với người lao động, đối tác, nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho DN trước khi vào trong làm việc. Đo thân nhiệt trước khi vào làm việc. Đối với người đến liên hệ công việc quy định rõ ràng phạm vi di chuyển bên trong trụ sở làm việc. Thực hiện vệ sinh khử khuẩn định kỳ 1 lần/ngày tại khu vực công cộng. Khu vực sản xuất sau mỗi ca làm việc. Khu vực nhà vệ sinh 3 - 4 lần/ngày, sau giờ nghỉ giải lao của công nhân. Trang bị camera giám sát việc chấp hành quy định phòng chống dịch tại các khu vực công cộng, khu vực sản xuất. Bố trí quy trình làm việc theo hướng giảm giao lưu tiếp xúc giữa các bộ phận trong DN.

Khi phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 hoặc có yếu tố dịch tễ, bộ phận sàng lọc thông tin ngay cho tổ y tế hoặc báo cáo lãnh đạo cơ sở, DN liên hệ với đơn vị y tế để tổ chức xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 theo quy định. Khi phát hiện người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại cơ sở, DN, tổ y tế triển khai quy trình xử lý F0 theo hướng dẫn của ngành y tế. DN phối hợp với chính quyền địa phương bố trí, tạo điều kiện cho người lao động có nơi lưu trú an toàn. Khuyến khích sắp xếp những người làm việc cùng bộ phận thì cùng ở một nơi để hạn chế lây nhiễm.

“Người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính được xem là người nhiễm COVID-19, DN thực hiện tách nhanh và cách ly tạm các trường hợp nghi ngờ hoặc F0 tại khu cách ly dành cho đối tượng này tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan y tế của địa phương theo phân công quản lý để được hỗ trợ. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được tin báo có phát sinh ca nghi ngờ hoặc ca F0 của DN, cơ quan y tế địa phương đến trực tiếp DN để phối hợp với bộ phận y tế đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 và lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn để khẳng định. DN phối hợp với y tế tiến hành điều tra truy vết, xử lý ổ dịch theo quy định”, bác sĩ Nguyễn Hữu Định đặc biệt lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân, kết hợp với kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm các quy định phòng chống dịch. Vận động người dân tiêm vắc-xin, quan tâm ưu tiên tiêm mũi 3 cho nhóm đối tượng theo quy định. Cần cấp thuốc điều trị cho người dân điều trị tại nhà kịp thời, tránh để người dân lo lắng. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp tăng cường phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo trước đó của UBND tỉnh.

Theo PHAN HÂN (Báo Đồng Khởi)