Bến Tre: Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao theo hướng bền vững

17/01/2024 - 09:05

Chuyển đổi số (CĐS) có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), góp phần chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả quản lý, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh hiểu rõ nhu cầu thị trường, thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao và phát triển theo hướng bền vững.

Dùng điện thoại quét mã QR để truy xuất nguồn gốc rau quả. Ảnh: C. Trúc

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện. Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc CĐS ngành NN&PTNT để triển khai thực hiện những nhiệm vụ này.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trẻ có vai trò chủ chốt trong thực hiện nhiệm vụ CĐS của ngành NN&PTNT. CBCCVC trẻ của ngành tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, nắm bắt xu hướng, chủ động nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới, đa dạng sản phẩm có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo động lực mới cho nông nghiệp, nông thôn phát triển hiệu quả, bền vững.

Từ mục tiêu đó, công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức và phong trào học tập thường xuyên đã được tổ chức và phát động mạnh mẽ trong toàn ngành. Các đơn vị trực thuộc sở đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số trong đời sống và sản xuất. Thông qua hình thức đào tạo cho cán bộ nguồn (ToT) hay hội thảo đầu bờ, nông dân có thể nhanh chóng tiếp cận kiến thức về công nghệ số cũng như cách sử dụng các thiết bị hiện đại trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn cho ra mắt fanpage Nông nghiệp Bến Tre và Không gian tri thức xanh để tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, vận động nhân dân quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ các chương trình, hoạt động của ngành nông nghiệp. Đồng thời, sở kết nối, lan tỏa mạnh mẽ kết quả cũng như hình ảnh hoạt động của ngành nông nghiệp trong toàn hệ thống và đến với nhân dân.

“Chìa khóa” cho ngành nông nghiệp

Ngành NN&PTNT xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, gắn với nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo Quốc gia về CĐS giao cho tỉnh năm 2023 là triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp và nền tảng truy xuất nguồn gốc.

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã và đang ứng dụng một số phần mềm để quản lý tàu cá; ứng dụng xử lý số liệu thống kê sản lượng thủy sản khai thác; sử dụng Hệ thống giám sát hành trình tàu cá trên biển, chống đánh bắt bất hợp pháp; ứng dụng kiểm soát tàu cá cập/rời cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng. Trên cơ sở nguồn vốn của dự án WB9, Chi cục Thủy sản đã được đầu tư lắp đặt 6 trạm quan trắc tự động, giám sát 9 thông số môi trường nước cho vùng nuôi tôm, nghêu trên địa bàn huyện Ba Tri. Tiếp tục triển khai 8 trạm quan trắc tự động, giám sát 13 thông số môi trường nước cho vùng nuôi tôm nghêu trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Tất cả các dữ liệu quan trắc được chia sẻ cho các đơn vị, nông dân trên địa bàn huyện để tiếp cận theo dõi, chủ động trong công tác phòng ngừa, dự báo trong sản xuất.

Trung tâm Giống và Hoa kiểng đã tiến hành gắn mã QR code đối với các sản phẩm của trung tâm sản xuất, đã ứng dụng hệ thống điều khiển tự động từ xa vào việc sản xuất dưa lưới, nhằm giúp giảm thiểu công lao động và tăng năng suất vụ trồng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang quản lý cơ sở dữ liệu về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Quản lý tình hình sinh vật gây hại, công tác thanh tra, kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Tiếp nhận và thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường nội địa trên nền tảng trực tuyến của Cục Trồng trọt csdlcuctrongtrot.mard.gov.vn.

“CĐS là “chìa khóa” cho nông nghiệp hiện đại. Đó cũng là yêu cầu bắt buộc để nông nghiệp hội nhập thị trường thế giới. CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân và bước đầu đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số do nông dân làm chủ được hình thành, mang lại hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội”, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh nhấn mạnh.

Đến nay, có 184.830 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử. 3.886 hộ sản xuất nông nghiệp, 100% sản phẩm OCOP tham gia triển khai sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre có gần 73 gian hàng và 240 sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh kinh doanh, quảng bá sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trên 15% các sản phẩm OCOP đã được kinh doanh qua kênh thương mại điện tử (Zalo, Facebook, Postmart, Shopee, Lazada,Sendo...).

Theo Báo Đồng Khởi