Cống Cái Bông, xã An Hiệp, huyện Ba Tri phát huy tác dụng ngăn mặn.
Đảm bảo đủ nước sinh hoạt và sản xuất
Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, huyện đã triển khai đồng loạt các nhiệm vụ và giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023. Trong đó, đã chỉ đạo các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo trữ nước ngọt và ngăn nước mặn xâm nhập. Tổ chức dự báo và chủ động giám sát xâm nhập mặn tại các cống điều tiết, nội đồng để hỗ trợ nhân dân lấy nước, trữ nước vào những lúc độ mặn ở mức cho phép. Thường xuyên kiểm tra kênh mương nội đồng, các cống và bờ bao; kịp thời sửa chữa nếu có xảy ra hư hỏng đột xuất. Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước tưới cho cây trồng chủ lực khi có hạn hán xảy ra.
Tranh thủ mọi nguồn lực để nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; duy tu, sửa chữa các cống lấy nước... đảm bảo thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi. Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, tăng cường khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; thông báo lịch đóng mở cống để nhân dân biết và chủ động phòng tránh. Đồng thời, có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ nước mưa, nước ngọt trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước ngọt trong ao, mương vườn, đập cục bộ từng khu vực; các biện pháp truyền thống khác... đảm bảo đủ nước uống, sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô năm 2022-2023.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Chi nhánh 1 của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thường xuyên theo dõi độ mặn hàng tuần tại các công trình đầu mối quan trọng để vận hành đóng mở cửa cống, đảm bảo lấy nước tưới vào đồng ruộng có độ mặn trong mức cho phép (< 1%o). Đồng thời, theo dõi tình hình vận hành cống đập Ba Lai theo lịch vận hành xổ cống định kỳ và đột xuất để thông báo cho nhân dân chủ động nguồn nước. Vận hành tích trữ nước ngọt tại Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp.
Hệ thống Châu Bình - Vàm Hồ: Lấy nguồn nước từ sông Ba Lai phục vụ cho các xã phía Bắc đường huyện lộ 10 thuộc 2 huyện Giồng Trôm và Ba Tri, tiêu nước theo hướng sông Châu Bình - kênh Đồng Khởi - kênh Giải Phóng ra sông Bình Chánh. Cống điều tiết Trung Nhuận, xã Châu Bình ngăn nước mặn xâm nhập từ hướng sông Bình Chánh.
Hệ thống trục dẫn Cây Da: Nguồn nước cung cấp chủ yếu lấy từ sông Giồng Trôm qua cống đầu mối Cây Da. Các cống đầu nguồn: cống Cây Da, thị trấn, Bình Thành, qua lộ K20. Vận hành các công trình trong thời gian hạn mặn như sau: Trong thời gian hạn mặn tiếp tục thực hiện vận hành các cống trong hệ thống theo lịch đã thống nhất, các cống đóng để ngăn mặn, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng. Thường xuyên đo mặn phía ngoài cống Cây Da và đóng cửa cống ngăn mặn khi độ mặn vượt quá mức cho phép (> 1%o). Theo dõi diễn biến mặn phía ngoài cống Trung Nhuận, nếu độ mặn > 1%o, công ty sẽ đóng cống, tăng cường lấy nước từ các cống phía sông Ba Lai vào ít nhiễm mặn hơn (độ mặn < 1%o).
Hệ thống thủy lợi cầu Sập: Nguồn nước tưới duy nhất trong mùa khô được lấy từ sông Hương Điểm. Các cống Cái Mít, Sơn Đốc, Xẻo Sâu, Cái Bông, Mương Đào, Trại Già, có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt, cống Giồng Gạch điều tiết nước tưới tiêu nội đồng từ hệ thống Cây Da qua hệ thống cầu Sập. Vận hành các công trình trong thời gian hạn mặn như sau: Trong thời gian hạn mặn tiếp tục thực hiện vận hành các cống trong hệ thống theo lịch đã thống nhất, các cống đóng để ngăn mặn, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng.
Chăm sóc cây trồng, vật nuôi
Cây lúa tập trung sản xuất tại các vùng có đủ nguồn nước, tranh thủ nguồn nước phục vụ sản xuất lúa vụ Thu Đông là một trong những yêu cầu sản xuất cần được quan tâm để hạn chế thiệt hại do hạn mặn cuối vụ. Vận động người dân không sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch. Chuyển đổi cây trồng, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nhằm tiết kiệm nước. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân ứng dụng ngay từ đầu vụ biện pháp kỹ thuật tiến bộ, tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, ngắn ngày. Tăng cường công tác giám sát dịch hại, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương thường xuyên thông tin, phổ biến để nông dân biết khả năng bộc phát sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Đối với cây ăn trái, cây dừa, khuyến cáo nông dân trữ nước ngọt trong mương vườn. Khi mặn xâm nhập, không nên sử dụng nước mặn tưới cho cây. Nên dùng cỏ tủ gốc nhằm hạn chế bốc thoát hơi nước. Tăng cường bón phân Kali nhằm gia tăng khả năng chịu hạn của cây. Chủ động kiểm tra độ mặn nguồn nước trước khi tưới nước cho vườn cây ăn trái, vườn dừa.
Cây rau màu, khuyến cáo nông dân sử dụng nước tiết kiệm, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, áp dụng các biện pháp giảm cường độ ánh sáng (như nhà lưới), nhằm giảm thất thoát nước. Lựa chọn các giống có khả năng chống chịu tốt với hạn mặn.
Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân các khuyến cáo, kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn để người dân ứng phó, chủ động trong việc thả giống, tuân thủ lịch thời vụ.
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc dự trữ nước ngọt bằng các biện pháp đắp đập tạm ngăn mặn cục bộ, xây thêm ống hồ chứa nước hoặc dùng túi nylon chứa nước ngọt trong mương vườn... để phục vụ trong chăn nuôi. Đồng thời, có biện pháp đảm bảo cấp nước ngọt để phục vụ sinh hoạt.
Để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt vào mùa khô năm 2022-2023 trên địa bàn huyện Ba Tri, huyện kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn, kịp thời vận hành dự trữ nước ngọt trong các hồ chứa và nội đồng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân vào mùa khô khi có dấu hiệu xâm nhập mặn (độ mặn > 1%o) từ thượng nguồn Bến Tre.
Theo Báo Đồng Khởi