Cà Mau: Bấp bênh đời ngư phủ

07/11/2023 - 09:55

"Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 9/2023 ước đạt 32 ngàn tấn, tăng 1,59% so cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng năm 2023 là 300.624 tấn, tăng 5,18% so cùng kỳ. Khai thác thuỷ sản ổn định và sản lượng gia tăng có sự đóng góp không nhỏ của những người lao động trên biển, hay còn gọi là ngư phủ.

A A

Ngư phủ là nghề đặc thù, chưa có trường lớp đào tạo, chủ yếu làm nghề theo kinh nghiệm truyền nhau và cần có sức khoẻ dẻo dai để đáp ứng điều kiện lao động vất vả, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì mưu sinh, các ngư phủ không chỉ đối mặt với hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió, mà đời ngư phủ còn lắm nỗi bi thương trước các vấn nạn xã hội.

Những hệ luỵ

Hầu hết ngư phủ được trả công theo sản lượng khai thác của từng chuyến đi biển. Khi sản lượng thấp, giá hải sản sụt giảm..., thu nhập của ngư phủ cũng bọt bèo, vậy nên nhiều ngư phủ người địa phương không mặn mà bám biển. Thực trạng ngư phủ ngày càng ít dần, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động trên biển luôn cao nên phát sinh dịch vụ “cò”.

“Cò” ngư phủ không chỉ hưởng hoa hồng của người thuê mà còn nhận được sự “tri ân” của người lao động. Hưởng lợi nhuận 2 đầu nên các đối tượng “cò” thường sử dụng nhiều thủ đoạn để chiêu dụ lao động từ những nơi khác về địa phương. Khi đã sập bẫy, lao động bị buộc phải ký hợp đồng với các điều khoản do “cò” đặt ra, rồi bắt đầu đời ngư phủ gian nan. Ðã có không ít nhóm “cò” ngư phủ bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc nhưng hoạt động này vẫn âm ỉ diễn ra.

Ðiển hình như vụ giữ người trái pháp luật của Biện Văn Tý và các đồng phạm, bị Toà án Nhân dân huyện Trần Văn Thời xét xử vào cuối năm 2022. Năm 2020, Tý liên hệ với nhiều đầu mối ở các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang... để tìm lao động. Khi đã tìm được 8 người và tạm ứng tiền để họ lo cho gia đình, các lao động được người của Tý đưa về thị trấn Sông Ðốc. Họ bị giam lỏng ở một căn phòng trong khu nhà trọ tại thị trấn, chờ ngày đi làm ngư phủ để trả nợ cho Tý. Tiền thuê ngư phủ thì Tý và chủ tàu thoả thuận với nhau, các lao động không được biết. Hằng ngày họ được đưa đến nhà Tý ăn cơm, sau đó về phòng bị khoá bên ngoài, có người thay phiên canh giữ, lao động nào có hành động phản đối sẽ bị đánh dằn mặt.

Vụ việc được Công an thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) phát hiện qua kiểm tra đột xuất các nhà trọ trên địa bàn và đã giải cứu các lao động, triệt phá đường dây “cò” ngư phủ. Tuy Biện Văn Tý cùng các đồng phạm đã bị pháp luật trừng trị, nhưng hệ quả tâm lý của các lao động nói trên khó nguôi ngoai.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Ðá Bạc tuyên truyền ngư dân chấp hành các quy định hoạt động trên biển. Ảnh: LÊ KHOA

Vấn nạn bạo hành

Ngư phủ trên các chuyến tàu ra khơi đánh bắt thuỷ sản cùng sinh hoạt trong môi trường tập thể. Các ngư phủ từ nhiều địa phương khác nhau và mỗi người một tánh nết, hàng tháng trời lênh đênh trên biển, làm việc vất vả trong môi trường sóng gió khắc nghiệt nên họ dễ phát sinh tâm trạng bất thường. Vì thế, chỉ một cử chỉ khó coi, lời nói khó nghe là có thể phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả, có khi hậu quả khó lường.

Từ đầu năm đến nay, toà án đã đưa ra xét xử nhiều vụ liên quan đến nạn bạo hành ngư phủ với những hành vi bất nhẫn, khiến những người tham dự phiên toà không khỏi chạnh lòng. Như tình cảnh của nạn nhân Trương Văn Trung, ngư phủ trên tàu cá BT-97993-TS do Trần Công Toàn làm thuyền trưởng, xuất bến tại cửa biển Sông Ðốc vào tháng 1/2022.

Quá trình đánh bắt trên biển, cho rằng ông Trung không biết làm việc, Toàn nhắc nhở nhiều lần mà ông không khắc phục, nên Toàn ra lệnh cho các ngư phủ trên tàu tự do hành hạ ông Trung. Theo đó, 4 ngư phủ cùng đi trên tàu nhiều lần đánh đập ông Trung bằng đuôi cá đuối, cây xúc nước đá, vỏ xe... Chưa dừng lại, nhóm người này còn tra tấn ông Trung bằng cách dùng kìm bấm bẻ gãy 4 chiếc răng hàm dưới của ông Trung... Sau nhiều tháng bị hành hạ, thân thể có nhiều thương tích, đầu tháng 5/2022, ông Trung được Toàn cho quá giang ghe khác vào đất liền và ông Trung trình báo chính quyền địa phương. Vụ việc được chuyển giao cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời. Kết luận của Trung tâm Pháp y (thuộc Sở Y tế tỉnh Cà Mau), tỷ lệ thương tích của ông Trung là 48%. Hậu quả, Toàn và 4 ngư phủ chia nhau lãnh án 26 năm tù.

Ðau lòng hơn là cái chết tức tưởi của ngư phủ Nguyễn Văn Tuấn, do sự bạo hành của chính những người bạn ngư phủ cùng lao động trên biển. Bị cho lười biếng và ngang bướng nên Tuấn thường bị các ngư phủ khác cùng làm việc chung trên tàu số hiệu BT-96534-TS ức hiếp.

Cuối tháng 11/2022, tàu cá đang hoạt động trên vùng biển Cà Mau, thấy Tuấn làm việc chậm chạp, Trần Hoài Phong cầm đoạn dây xích ném vào người Tuấn. Tuy Tuấn không phản ứng gì nhưng Phong lại chửi bới rồi ôm xốc quăng Tuấn xuống biển và nhảy theo để dìm Tuấn dưới nước. Thấy vậy, 3 ngư phủ khác cũng đến tiếp sức với Phong trấn nước Tuấn. Ðến khi thấy Tuấn đã kiệt sức, một người trong nhóm này mới đưa dây cho Tuấn nắm rồi kéo lên tàu. Lúc này, mặt của Tuấn đã tím tái, sặc ói, cơ thể gần như bất động, các ngư phủ khiêng Tuấn ra sau lái sơ cứu. Một lúc sau thì Tuấn tắt thở.

Phiên toà xét xử Trần Hoài Phong và các đồng phạm.

Sau đó, nhóm người của Phong bàn bạc với tài công tìm cách chạy tội, là trong lúc lấy cào thấy ông Tuấn ở dưới biển, mọi người vớt lên tàu thì ông Tuấn ói cơm chết. Cách khai gian này được phổ biến cho tất các ngư phủ trên tàu kèm theo lời hăm doạ của nhóm Phong. Tuy nhiên, khi thi thể của Tuấn được đưa vào cửa biển Sông Ðốc, trong lúc cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục pháp lý ban đầu thì một ngư phủ đi cùng tàu BT-96534-TS đã tố giác hành vi phạm tội của Phong và 3 đồng phạm. Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau phối hợp với Công an huyện Trần Văn Thời, tiến hành điều tra, xác minh. Những kẻ gây án đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và chia nhau nhận lãnh 53 năm tù.

Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng với nhiều vụ việc được phát hiện và toà án đưa ra xét xử những tháng đầu đầu năm nay cho thấy, an ninh trật tự đối với hoạt động trên biển đang diễn ra rất phức tạp.

Nên chăng cần thành lập nghiệp đoàn ngư phủ để tạo sự kết nối giữa người lao động trên biển với các chủ tàu chặt chẽ hơn và có sự ràng buộc về pháp lý? Mặt khác, nghiệp đoàn cũng là nơi giao lưu, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm làm việc giữa các ngư phủ. Ðồng thời, tạo mối liên kết với cơ quan chức năng quản lý Nhà nước phối hợp tuyên truyền các quy định Nhà nước về khai thác thuỷ sản, phổ biến pháp luật về an ninh trật tự...

Theo MỸ PHA (Báo Cà Mau)