Chuyển biến trong nhận thức
Việc ngăn chặn quyết liệt tình trạng KTTS có tính huỷ diệt sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của không ít hộ dân, nhất là bà con có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ đầu tiên và vô cùng quan trọng nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức. Việc tuyên truyền đã được triển khai bằng nhiều hình thức, nhiều nội dung và đạt được kết quả khả quan.
Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/2/2024, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến nay, các đơn vị, địa phương có liên quan đã tổ chức tuyên truyền được 12.826 cuộc với hơn 354.961 lượt người tham dự. Ðặc biệt, hình thức tuyên truyền được lồng ghép thông qua các cuộc họp, hội thảo, tập huấn, qua nhóm Zalo, Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, qua cấp phát tờ rơi, lắp đặt áp phích, pano... từ đó đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (NLTS).
Sự chuyển biến về nhận thức có thể dễ dàng minh chứng thông qua việc người dân tự giác giao nộp các thiết bị, vật liệu, dụng cụ, ngư cụ khai thác NLTS có tính huỷ diệt, tận diệt. Ðến nay, đã có hơn 1.618 bộ dụng cụ kích điện khai thác mang tính huỷ diệt NLTS được người dân tự giác, tự nguyện giao nộp.
Không chỉ vậy, nhiều địa phương đã có những cách làm hay trong bảo vệ NLTS. Tiêu biểu như tại huyện Ðầm Dơi, các cơ quan chức năng đã phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ NLTS thông qua việc thành lập tổ quản lý cộng đồng. Theo ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, huyện đã tổ chức xây dựng được 71 tổ cộng đồng quản lý chống khai thác NLTS mang tính tận diệt, huỷ diệt, với 653 thành viên tham gia. Qua đó, nhiều vụ việc được người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý.
Khai thác cá lớn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân mà còn góp phần quan trọng để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản lâu dài. (Trong ảnh: Người dân trên địa bàn xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, khai thác cá trong vuông tôm).
Mô hình này hiện đang được nhân rộng tại huyện U Minh khi địa phương đã xây dựng được 2 tổ cộng đồng quản lý chống khai thác NLTS mang tính tận diệt, huỷ diệt, với 85 thành viên tham gia. Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, huyện đang quyết tâm khôi phục lại nguồn lợi cá đồng. Trước mắt, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn chọn địa điểm xây dựng 3 mô hình nuôi cá đồng gắn với bảo vệ nguồn lợi để khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng với quy mô 33 hộ và 1 mô hình bảo vệ nguồn lợi cá đồng với quy mô 76 hộ, khoảng 40 ha.
Sự chuyển biến trong nhận thức của người dân trong bảo vệ NLTS còn thể hiện qua hoạt động tái tạo, phục hồi. Theo đó, Sở NN&PTNT phối hợp vận động các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, tăng ni, phật tử, người dân... tham gia tổ chức thả giống tái tạo NLTS tại khu vực ven biển hòn Ðá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây; khu vực nội đồng, thuộc xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, với số lượng trên 3 triệu con giống thuỷ sản. Hiện tại, Trung tâm Giống nông nghiệp đang hoàn chỉnh hồ sơ dự án thành lập Khu bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng tại huyện U Minh.
Việc khai thác cần đi đôi với bảo tồn vì thế hệ tương lai.
Vẫn còn không ít khó khăn
Tuy nhiên, do đặc thù một số địa phương có địa bàn rộng, hệ thống sông, kênh, rạch nhiều, trong khi lực lượng làm nhiệm vụ quá ít và phương tiện phục vụ trong công tác này chưa được trang bị kịp thời, nhiều nơi phải thuê phương tiện để tuần tra, kiểm soát nên việc tuần tra, kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác NLTS chưa mang lại hiệu quả và triệt để. Ông Hiền cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện Ðầm Dơi là phương tiện của các đối tượng vi phạm có công suất lớn hơn phương tiện của các đơn vị tuần tra nên rất khó để có thể vây bắt khi phát hiện.
Ngoài ra, một số đối tượng rất tinh vi, lợi dụng một số điểm yếu như tuyến sông, kênh, rạch vắng người, tuyến không có lộ giao thông nông thôn, lợi dụng ban đêm khi lực lượng làm nhiệm vụ và người dân nghỉ ngơi để khai thác bất hợp pháp. Các trường hợp sử dụng xung điện để KTTS là người dân địa phương khác, nên khó khăn trong công tác tuyên truyền.
Là huyện có địa bàn giáp ranh với 3 huyện của 2 tỉnh bạn, Thới Bình khó tránh khỏi tình trạng người dân địa phương khác đến khai thác vi phạm. Theo ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, huyện thì quyết tâm, quyết liệt nhưng các địa phương bạn không được như vậy. Huyện có định kỳ họp giao ban của công an với các huyện giáp ranh và có đưa nội dung chống KTTS mang tính huỷ diệt, tận diệt vào sinh hoạt chuyên đề tại hội nghị. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa đủ mạnh, cần tỉnh tiếp sức thêm để đạt kết quả cao nhất.
Một số bộ phận dân cư thuộc diện hộ nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, trình độ học vấn còn thấp, coi đây là kế mưu sinh. Trong khi đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề KTTS có tính huỷ diệt, tận diệt nguồn lợi sang nghề phù hợp, thân thiện với môi trường còn chậm, còn hạn chế về kinh phí nên quá trình vận động không ít khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay, tình trạng mua bán cá non tại một số điểm chợ, điểm mua bán của người dân trên địa bàn tỉnh dù đã giảm nhiều nhưng vẫn còn diễn ra.
Trước những khó khăn các địa phương đang gặp phải, ông Phan Hoàng Vũ cho biết, việc trang bị cho các địa phương phương tiện là cần thiết nhưng còn liên quan đến kinh phí. "Riêng đối với tình trạng người địa phương khác đến khai thác, trước tiên các địa phương cần tiến hành lập biên bản vài vụ việc vi phạm để làm cơ sở trình UBND tỉnh có văn bản kiến nghị các tỉnh lân cận cùng phối hợp thực hiện", ông Vũ đề nghị./.
Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)