Nhiều năm qua, việc vận động, xây dựng nhà Ðại đoàn kết đã thành hoạt động thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc xã Lý Văn Lâm. Những căn nhà kiên cố, khang trang được thi công, thay thế những căn nhà dột nát, đã tạo cơ hội cho nhiều gia đình có thu nhập thấp an tâm lao động, vươn lên.
Gia đình bà Hà Kim Nhu, 68 tuổi, ấp Bà Ðiều, không đất sản xuất, nguồn thu nhập chính từ người chồng 80 tuổi làm bảo vệ. Bà cũng đang chăm sóc người con trai 39 tuổi, là nạn nhân chất độc da cam. Căn nhà tạm bợ cất từ 14 năm trước đã xuống cấp, nền nhà thấp, thường xuyên ngập khi có mưa lớn.
Thấu hiểu và sẻ chia, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Lý Văn Lâm đến khảo sát và hỗ trợ nhà cho gia đình bà Nhu. Bà Nhu bộc bạch: “Nhờ có các ngành, các cấp quan tâm mà nay gia đình tôi có điều kiện xây lại nhà mới. Mỗi ngày hoàn thiện chi tiết nhà là lòng tôi lại mừng. Từ nay thoát cảnh thấp thỏm vì nhà dột, cột xiêu, không an toàn khi mưa bão”.
Căn nhà đại đoàn kết của hộ bà Hà Kim Nhu ( người thứ 2 từ phải sang) dần hoàn thiện cũng là lúc giấc mơ được ở trong ngôi nhà vững trãi tiến gần với hiện thực.
Ngoài phần kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng của Mặt trận Tổ quốc xã, gia đình cũng nhận được sự giúp đỡ để nâng nền, xây dựng nhà vệ sinh, nhà bếp từ nhiều nguồn lực khác. Ðây cũng là 1 trong 4 căn nhà Ðại đoàn kết do Mặt trận Tổ quốc xã Lý Văn Lâm vận động hỗ trợ trong năm nay (dự kiến năm 2024 sẽ xây dựng 5 căn nhà Ðại đoàn kết, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng).
Không chỉ hướng đến xoá nhà tạm trên địa bàn xã, điểm nhấn cho các phần việc chung của Mặt trận Tổ quốc xã Lý Văn Lâm là tạo được sự đoàn kết, đồng thuận cao từ phía người dân, nhất là những công trình lợi ích cho cộng đồng, vì sự phát triển của địa phương.
Tại ấp Thạnh Ðiền, giờ đây khi màn đêm buông xuống, 70 trụ đèn năng lượng mặt trời phát huy công dụng, chiếu sáng từ nhà ra đường. Ðây là công trình chào mừng Ðại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố, được thực hiện và đưa vào sử dụng từ tết Nguyên đán 2024. Theo đó, công trình trải dài trên tuyến đê sông Gành Hào, thuộc ấp Thạnh Ðiền, với 280 hộ dân sinh sống, tổng kinh phí lắp đặt 105 triệu đồng, mỗi hộ đóng 350 ngàn đồng, còn lại vận động nguồn xã hội hoá.
Ông Chung Văn Hồng, ấp Thạnh Ðiền, phấn khởi: “Những phần việc địa phương phát động, người dân hết sức ủng hộ. Mỗi hộ đều có ý thức đóng góp vì công trình mang lại lợi ích về an ninh trật tự lẫn an toàn giao thông. Trên tuyến này, anh chị em công nhân đi làm tăng ca ban đêm rất nhiều, do đó khi có trụ đèn thắp sáng thì việc đi lại thuận tiện hơn; cùng với đó, các tệ nạn xã hội cũng giảm. Mặt khác, gắn với lợi ích thì mỗi hộ cũng có trách nhiệm bảo quản, trông coi các trụ đèn, xem các bóng đèn có hư hoặc mờ phản ánh kịp thời, góp phần làm cho tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Gần dân và hiểu dân, chính vì vậy mỗi công trình, phần việc mà Mặt trận xã Lý Văn Lâm đề xuất đều nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao từ phía người dân trên địa bàn.
Ông Huỳnh Văn Bằng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thạnh Ðiền, cho biết: “Công trình thắp sáng đường quê khi phát động trong quần chúng, nhận được sự ủng hộ rất cao, chỉ trong vài ngày đầu ra quân đã nhận được sự đóng góp kinh phí hơn phân nửa hộ dân sống trên tuyến. Còn lại các hộ khó khăn, địa phương cũng hết sức tạo điều kiện, chia làm nhiều lần thu. Mô hình sau khi đi vào hoạt động đã giúp vùng nông thôn thêm thông thoáng và sạch, đẹp; về đêm thì an toàn cho người và phương tiện di chuyển”.
Bà Trương Thu Ðiều, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã, cho biết: “Trong công tác Mặt trận, việc sát dân, gần dân, quan tâm tuyên truyền để mọi người đều hiểu và đồng thuận là rất quan trọng. Ngoài ra, khi chọn các mô hình, công trình điểm, cần thiết thực và phù hợp với địa phương, như vậy mới phát huy hiệu quả. Qua đó, cũng để từng hộ thấy được lợi ích, từ đó hăng hái đóng góp và tham gia các phần việc về sau; tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân”./.
Theo NGÔ NHI (Báo Cà Mau)