Theo Huyện uỷ Thới Bình, đối với khâu đột phá về khai thác tiềm năng, lợi thế tuyến đường hành lang ven biển phía Nam Việt Nam, trục đường thuỷ phía Nam (tuyến kênh Chắc Băng, Sông Trẹm) để phát triển dịch vụ vận tải, du lịch; xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực thị trấn Thới Bình - xã Thới Bình, xã Hồ Thị Kỷ, xã Trí Phải, đến nay, địa phương đã tổ chức lập quy hoạch vùng huyện Thới Bình giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được phê duyệt.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025, huyện định hướng phát triển 1 bến xe khách quy mô loại 3 để phục vụ dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá và du lịch. Thời gian qua, huyện có tổ chức nhưng chưa mời gọi được nhà đầu tư; đồng thời, xét khả năng thực tế chưa thể thực hiện được trong giai đoạn 2021-2025, sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, chuyển sang thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Ðường hành lang ven biển phía Nam đi qua địa phận huyện Thới Bình kết nối với các tỉnh bạn là lợi thế quan trọng thúc đẩy tiềm năng du lịch tại địa phương.
Theo quy hoạch vùng huyện Thới Bình, định hướng phát triển 3 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đến thời điểm này, cụm công nghiệp xã Hồ Thị Kỷ đã được UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch vùng tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ðối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện NTM và thực hiện tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhìn chung, từ khi triển khai thực hiện khâu đột phá này, công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường hơn. Từ đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện nâng lên. Có một số cơ quan, đơn vị đã xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng sát với nhiệm vụ được giao. Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đúng đề án vị trí việc làm.
Riêng đối với khâu đột phá về sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là điểm nhấn, hướng đi mang tính bền vững và liên quan trực tiếp đến sự phát triển của người dân, phát triển của địa phương trong tương lai. Thực tế cho thấy, sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ của huyện có bước phát triển quan trọng. Hiện nay, diện tích sản xuất lúa sạch/hướng sản xuất lúa sạch chiếm khoảng 93%, diện tích sản xuất lúa hữu cơ/hướng hữu cơ chiếm khoảng 2% tổng diện tích lúa - tôm toàn huyện; diện tích nuôi tôm theo quy trình nuôi sạch chiếm khoảng 11,5%, diện tích nuôi tôm liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế chiếm khoảng 3,6% tổng diện tích nuôi tôm của huyện.
Hiện nay, diện tích sản xuất lúa sạch/hướng sản xuất lúa sạch chiếm khoảng 93%, diện tích sản xuất lúa hữu cơ/hướng hữu cơ chiếm khoảng 2% tổng diện tích lúa - tôm toàn huyện
Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện uỷ Thới Bình, cho biết: "Ðối với khâu đột phá này, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo; đồng thời, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức nghiên cứu, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù của huyện, làm cơ sở xây dựng, hình thành các tour du lịch. Lượng du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, thăm viếng, tìm hiểu và sử dụng dịch vụ tại các điểm vui chơi giải trí, các khu di tích lịch sử - văn hoá, di tích cách mạng... trên địa bàn huyện tăng qua từng năm".
Sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu được huyện Thới Bình xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Ðể thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian còn lại của nhiệm kỳ, huyện sẽ tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện để mời gọi, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển 3 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã xác định trong Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 16/12/2020 và các cụm khác ở những nơi có điều kiện thích hợp. Sớm đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt, phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đã được quy hoạch.
"Ðịa phương sẽ quan tâm phát triển các vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực tôm, lúa sạch, hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Cùng với đó, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung", ông Huỳnh Quốc Hoàng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục mời gọi, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hợp pháp đầu tư thực hiện các mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với sản xuất lúa, tôm sạch, hữu cơ. Ðồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh để huyện hình thành và phát triển các mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng...
Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)