Với 7 ha trồng cam theo hướng hữu cơ, ông Ba Tình cho biết: “Ðể có phân hữu cơ bón cho cam, tôi đã tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có dồi dào ở địa phương như: chuối, cá biển, con ruốc, ốc bươu vàng để ủ phân. Các nguyên liệu này giá rất rẻ, bỏ ra vài chục triệu đồng mua về ủ là xài được cả năm”.
Cuối năm 2017, đầu năm 2018, vườn cam hữu cơ cho những vụ trái đầu tiên, mỗi vụ ông thu hoạch từ 200-250 tấn. Do cam đạt chứng nhận hữu cơ nên bán được vào các siêu thị lớn với giá khá cao, trung bình từ 20-25 ngàn đồng/kg, từ đó mang về cho ông Ba Tình lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng mỗi vụ.
Vườn cam của ông Ba Tình cho thu hoạch hàng tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ dừng lại ở việc cam đạt chứng nhận hữu cơ, ông Ba Tình còn nghiên cứu, đăng ký phát triển sản phẩm cam sành đạt chuẩn OCOP.
Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Qua thời gian xây dựng và phát triển, đến nay, cam Ba Tình đã đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, từ đó uy tín, chất lượng sản phẩm không ngừng nâng lên, thị trường tiêu thụ mở rộng. Ðiển hình như tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, sản phẩm cam Ba Tình được nhiều người quan tâm, tại sự kiện đã tiêu thụ được hàng tấn cam”.
Sau thành công từ mô hình trồng cam, ông Ba Tình phát triển thêm mô hình trồng xoài hữu cơ trên diện tích 3 ha, hiện mô hình cũng đang mang lại hiệu quả cao.
Làm kinh tế hiệu quả, ông Ba Tình tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội ở địa phương. Ngoài tặng quà cho người nghèo, ông Ba Tình còn hỗ trợ địa phương xây dựng 3 trụ sở sinh hoạt ấp và nhiều cây cầu trên địa bàn xã Khánh Thuận nói riêng, huyện U Minh nói chung.
Nhà Văn hoá Ấp 9 được ông Ba Tình đầu tư xây dựng khang trang.
Ông Ba Tình còn chăm lo cho nhân công, những người trực tiếp gắn bó với nông trại của mình, có một cuộc sống ổn định. Ngoài trả tiền lương hằng ngày hơn 200 ngàn đồng/người, ông còn quan tâm hỗ trợ nhà ở, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, dụng cụ, phương tiện cho con em công nhân đến trường học tập.
Chị Trần Thị Thuỷ, công nhân làm cho ông Ba Tình, chia sẻ: “Gia đình tôi từ bên huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang qua đây làm thuê, thấy gia đình khó khăn nên chú Ba cho mượn đất, rồi hỗ trợ cất nhà ở luôn, nhờ vậy mà cuộc sống của vợ chồng, con cái tôi mới dần ổn định, tôi cảm ơn chú Ba rất nhiều”.
Ông Phạm Quốc Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, nhận xét: “Ông Ba Tình là một người sống rất nhân hậu. Ngoài việc chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông còn quan tâm, chia sẻ với bà con nghèo. Thời gian qua, ông cũng hỗ trợ và vận động bạn bè hỗ trợ xã nhiều tuyến đường, cây cầu, trụ sở ấp, từ đó đã góp phần rất lớn vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Hiện nay, ông Ba Tình còn ấp ủ và từng bước triển khai thực hiện một dự án tại vùng đất U Minh, đó là phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, nhằm gắn bó lâu dài với vùng đất này./.
Theo TRẦN THỂ (Báo Cà Mau)