Cà Mau: Phát triển du lịch từ ý thức người dân

09/11/2023 - 08:56

Theo ông Huỳnh Thanh Hận, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Thới Bình: “Mặc dù địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, song việc khai thác du lịch trên những nền tảng sẵn có còn nhiều hạn chế. Ðể kích cầu du lịch địa phương, bên cạnh yêu cầu quan trọng là quy hoạch, bố trí vùng hợp lý, còn cần tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức làm du lịch của người dân địa phương”.

Với điều kiện tự nhiên và bề dày truyền thống cách mạng, huyện Thới Bình có tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế du lịch, nhất là loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Trên địa bàn huyện hiện có 2 di tích quốc gia: Di tích lịch sử Các địa điểm thuộc Xứ uỷ Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955, tỉnh Cà Mau; Di tích lịch sử chùa Cao Dân.

Yên bình dòng Chắc Băng.

Bên cạnh đó, còn có 10 di tích cấp tỉnh, gồm: Ðình thần Thới Bình, Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Toà thánh Ngọc Sắc, Ðền thờ Vua Hùng, địa điểm trận thảm sát của thực dân Pháp tại kênh Cái Sắn, địa điểm trận thảm sát của Mỹ - nguỵ tại lung Máng Diệc, Ðình thần Tân Lộc, chùa Rạch Giồng, Ðình thần Tân Bằng, chùa Ðầu Nai; 1 di sản văn hoá phi vật thể là nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer huyện Thới Bình và hơn 20 di tích được kiểm kê, đề nghị bảo tồn.

Ðịa điểm trận thảm sát của Mỹ - nguỵ tại kênh Máng Diệc, thuộc Ấp 4, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh vào tháng 9/2015.

Huyện có 2 điểm du lịch sinh thái cộng đồng là Vườn chim Tư Sự (xã Biển Bạch Ðông) và Vườn nho Nguyễn Thanh Thơ (xã Hồ Thị Kỷ); cùng các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề (đan lục bình, đan năn tượng)... và nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương như: mắm lóc Thới Bình, các loại mắm khác (mắm cá sặt, cá trắm cỏ, cá phi...); khô trâu, rượu (nếp cẩm, ST), gạo sạch, tương ớt, chả cá... Huyện còn có một số lễ hội được tổ chức hằng năm thu hút nhiều người dân và du khách đến viếng và tham quan, như: lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Kỳ yên, các lễ của người Khmer (Ok Om Bok, Sene Dolta, Chôl Chnăm Thmây)...

Quang cảnh điểm Du lịch sinh thái cộng đồng Vườn chim Tư Sự, xã Biển Bạch Ðông.

Ông Hận cho biết thêm: "Huyện Thới Bình có điều kiện tự nhiên (đặc điểm sinh thái, đất đai, nguồn nước...) khá thuận lợi, với hệ thống sông, kênh, rạch tương đối dày đặc, phân bố trên toàn diện tích, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nuôi trồng thuỷ sản; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn cơ bản hoàn chỉnh và bao phủ, góp phần phát triển dịch vụ vận tải, du lịch trên địa bàn huyện. Hơn 20 năm thực hiện chuyển đổi sản xuất, nền nông nghiệp của huyện đã chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi trồng đa cây, đa con. Trong đó, nuôi tôm - cua và trồng lúa là 2 lĩnh vực sản xuất trọng điểm tạo ra các sản phẩm hàng hoá sạch, chất lượng và đặc trưng. Ðây là một trong những điều kiện thuận lợi để gắn kết phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện".

Ðể phát triển du lịch, ngày 14/9/2022, Huyện uỷ Thới Bình ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH) trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực là tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu là giải pháp mà huyện đang thực hiện để kích cầu du lịch.

Thực hiện nghị quyết này, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Ðồng thời, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật biển (MCD) tổ chức hoạt động “Tư vấn chiến lược xây dựng làng nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau’’; phối hợp với Tổ chức Mekong Organics (Úc) đào tạo, tập huấn “Kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ, phục vụ xây dựng Ðề án phát triển làng hữu cơ Trí Lực - Thới Bình - Cà Mau”. Thông qua đó, đã từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó có hoạt động du lịch nông nghiệp của người dân trên địa bàn, cũng như thu hút, mời gọi công ty, doanh nghiệp tham gia xây dựng, hình thành nên các tour du lịch trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, ông Hận nhận định: "Mặc dù địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế, song tính hiệu quả trong khai thác du lịch từ những nguồn lợi này đã qua chưa thực sự như kỳ vọng. Tới đây, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của Huyện uỷ, cũng như thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân, tạo đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng BÐKH. Cần rà soát, định hướng các vùng sản xuất; tập trung sản phẩm chủ lực là tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng BÐKH. Ðẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình tập trung với quy mô lớn. Cùng với đó, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ, tăng cường thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về du lịch; nâng cao năng lực giám sát các dự án đầu tư nhằm giữ gìn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá, đảm bảo việc phát triển các dự án du lịch không làm mất đi các giá trị văn hoá và phá vỡ cảnh quan tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường”./.

Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)