Cà Mau: Phòng chống dịch sởi mùa tựu trường

28/08/2024 - 09:38

Trước thềm năm học mới 2024-2025, với các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn tỉnh, bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trang trí không gian lớp học, nhà trường còn đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.

Từ đầu tháng 8 đến nay, các giáo viên ngày hai buổi đến trường để vệ sinh, trang trí lớp học, vệ sinh đồ chơi... Song song đó, các trường mầm non, mẫu giáo còn phối hợp với ngành chức năng phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm, bệnh đường tiêu hoá.

Cô Trầm Mỹ Anh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Trúc Xanh (Phường 6, TP Cà Mau), cho biết: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên nhà trường phối hợp với ngành y tế phun thuốc khử trùng vào ngày 22/8 vừa qua. Các cô giáo lau rửa đồ dùng, đồ chơi bằng xà phòng và phơi nắng. Chúng tôi cũng tuyên truyền để phụ huynh nắm được diễn biến phức tạp của bệnh, nhất là dịch sởi, bằng những bảng tuyên truyền ngoài cửa lớp, dưới sân trường...; đồng thời gửi khuyến cáo trên Zalo của các nhóm lớp để phụ huynh nắm tình hình sát sao hơn. Trường trang bị xà phòng, nước rửa tay... đầy đủ cho trẻ vệ sinh cá nhân. Chủ động phòng bệnh đường tiêu hoá, nhà trường đã chuẩn bị những mối cung cấp thức ăn đảm bảo, thực hiện hợp đồng đầy đủ, tiến hành lưu mẫu thức ăn theo quy định và chọn những món ăn đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ khi đến trường”.

Giáo viên vệ sinh đồ chơi trước khi đón trẻ vào lớp học.

Giáo viên vệ sinh đồ chơi trước khi đón trẻ vào lớp học.

Thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, trong tháng 7, số ca nhập viện điều trị tại bệnh viện vì nhiễm trùng tiêu hoá là 18 ca, tiêu chảy nhiễm trùng 14 ca, tay chân miệng độ 2A là 1 ca.

Ðáng lo ngại nhất là dịch sởi hiện đang hoành hành ở nhiều tỉnh trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, Cà Mau ghi nhận 10 ca mắc bệnh sởi.

Bác sĩ CKI Lê Thị Minh Thư, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Khi tựu trường, các bé tiếp xúc với nhau và dễ lây lan bệnh. Nếu phát hiện bệnh, phải cách ly sớm để tránh lây nhiễm và điều trị tốt hơn. Sởi là bệnh lành tính, nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm: viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong; phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non. Vì vậy, cần đề cao cảnh giác, thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày. Phụ huynh phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, vật dụng của trẻ. Giữ nhà ở, phòng học thông thoáng. Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi”.

Vắc xin phòng sởi nằm trong 12 loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Vì thế, trước khi đưa trẻ nhập học ở độ tuổi mầm non và mẫu giáo, phụ huynh cần rà soát lịch tiêm chủng của con em và nhanh chóng đưa trẻ thăm khám nếu có dấu hiệu bất thường.

Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau kết hợp tuyên truyền phòng chống bệnh sởi và bệnh về đường tiêu hoá, để phụ huynh hiểu, áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con.

Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau kết hợp tuyên truyền phòng chống bệnh sởi và bệnh về đường tiêu hoá, để phụ huynh hiểu, áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con.

Bác sĩ Trần Thiên Lý, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cho biết: “Trong 2 tháng qua, bệnh nhi sởi tăng đột biến. Chúng tôi đã thực hiện công tác phòng chống dịch, sàng lọc, thu dung, cách ly tại khoa điều trị của bệnh viện một cách nghiêm ngặt theo kế hoạch và quy định của ngành y tế. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã lên phương án tiên định các tình huống bùng dịch, lây lan trong cộng đồng. Sốt và phát ban là 2 biểu hiện chính của bệnh sởi. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sần ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực, bụng và toàn thân. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo một số biểu hiện khác: chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy. Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên phải phòng bệnh nghiêm ngặt. Ðể ngăn chặn dịch từ đầu, điều tiên quyết là tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi vắc xin cho trẻ. Vắc xin phòng bệnh sởi đem lại hiệu quả cao, giúp giảm tỷ lệ mắc rõ rệt”.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành đẩy mạnh, nhờ đó ý thức chủ động phòng bệnh của người dân ngày càng nâng cao.

Ông Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Ngành y tế tỉnh chỉ đạo đơn vị y tế cơ sở duy trì tỷ lệ tiêm chủng phòng các loại bệnh trong cộng đồng theo đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là  vắc xin sởi để ngăn chặn bùng dịch khi các trường học đón học sinh trở lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực rà soát các đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ 3 mũi chứa thành phần BH-HG-UV-VGB-Hib và 1 mũi DPT4. Ðiều đặc biệt quan trọng là công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dấu hiệu phát hiện bệnh sởi, cách phòng chống và thông báo cho cơ sở y tế nơi có bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh. Chúng tôi cũng phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... đưa thông tin về bệnh sởi để mọi người hưởng ứng và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả”./.

Theo LAM KHÁNH (Báo Cà Mau)