Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, huyện xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để bảo vệ rừng và PCCCR. Thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng; vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; thực hiện tốt các phương án PCCCR đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR của các đơn vị chủ rừng; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR giữa các đơn vị giáp ranh trong khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Tập huấn nghiệp vụ, diễn tập chữa cháy rừng; tu sửa, lắp đặt các biển cảnh báo cấm lửa, bảng nội quy ra vào rừng; kiểm tra, phát hiện, xử lý sớm những bất cập, tồn tại trong phương án PCCCR tại các địa phương và chủ rừng để có biện pháp khắc phục, bổ sung kịp thời.
Thời gian qua, các chủ rừng trong huyện U Minh tổ chức thực hiện tốt công tác diễn tập PCCCR.
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, để triển khai thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR, công ty thành lập Ban Chỉ huy, 18 tổ máy bơm, mỗi tổ từ 4-7 người. Bố trí lực lượng, phương tiện, máy bơm, trang thiết bị ứng trực ở những nơi trọng điểm có nguy cơ cháy cao; tất cả máy bơm, ống dẫn nước hoạt động tốt, nhiên liệu đầy đủ, ứng trực 24/24 vào những tháng cao điểm mùa khô và phải chủ động 2 tổ máy bơm trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh điều động tham gia chữa cháy rừng và được đưa về ứng trực tại các khu vực trọng điểm, dễ cháy nhằm đề phòng nguy cơ cháy và kịp thời xử lý khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Phương tiện và thiết bị phục vụ phòng cháy, chữa cháy của đơn vị được trang bị đảm bảo, gồm 2 xe ô tô tải, 38 vỏ composite, 42 máy bơm nước chữa cháy chuyên dùng, 16.020 m vòi dẫn nước chữa cháy, trang bị bình quân mỗi tổ máy bơm 900 m vòi chữa cháy.
Ngoài ra, đơn vị đã chỉnh sửa lại 34 bảng tuyên truyền bê tông cố định; 26 bảng dự báo cấp cháy rừng; 120 bảng cấm lửa, cấm vào rừng được bố trí ở các cửa rừng, ngã ba, ngã tư, tuyến đường lưu thông thuỷ, bộ xuyên rừng; khu vực trọng điểm dễ cháy, khu tràm non, tràm mới trồng, khu du lịch sinh thái và khu dân cư đều phải cắm biển dự báo cảnh báo nguy cơ cháy rừng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về công tác PCCCR. Ðào đắp 8 đập, với tổng khối lượng 563,5 m3 và hạ 10 bửng cống thoát nước trên toàn lâm phần; chỉnh trang, đưa vào sử dụng 27 chòi canh lửa, các chòi canh bố trí lực lượng trực kiểm soát lửa rừng đảm bảo phát hiện và thông tin báo cáo kịp thời theo quy định về diễn biến công tác PCCCR.
“Bên cạnh đó, đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư sinh sống trong và ven rừng, hộ dân nhận khoán rừng, các đối tác hợp tác đầu tư để triển khai phương án PCCCR và vận động ký cam kết thực hiện các quy định an toàn về PCCCR; in ấn, cấp phát tài liệu, tờ rơi, băng đĩa, khẩu hiệu... có nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm U Minh, Trần Văn Thời, Ðài PT-TH Cà Mau, Trung tâm Văn hoá - Truyền thông và Thể thao huyện tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về cảnh báo cháy rừng, xây dựng bảng tin, bài, phóng sự gương người tốt - việc tốt, những điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR để tuyên truyền, nhân rộng. Cử lực lượng tham gia lớp tập huấn về kiến thức, kỹ thuật PCCCR do Chi cục Kiểm lâm, Cảnh sát PCCC cứu nạn và cứu hộ Công an tỉnh Cà Mau tổ chức. Xây dựng phương án một số tình huống giả định chữa cháy rừng cấp cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” và tình huống cháy phức tạp nhất cần phải xin Ban chỉ đạo cấp huyện, tỉnh huy động nhiều lực lượng, phương tiện để xử lý nhằm đáp ứng mục đích, yêu cầu nhiệm vụ trong công tác PCCCR”, ông Trần Ngọc Thảo cho biết thêm.
Việc tập huấn nghiệp vụ, diễn tập chữa cháy rừng nhằm nâng cao khả năng xử lý hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Tại xã Khánh An, địa phương đã sửa chữa lại 2 chòi quan sát lửa kiên cố tại tuyến kênh T15, T27 để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình trực lửa theo quy định; đắp hoàn thành 4 đập giữ nước. Vận động Nhân dân trên toàn lâm phần phát dọn sạch cỏ ở các tuyến bờ, kênh lưu thông nhằm đảm bảo cho việc vận chuyển trang thiết bị và lực lượng dễ dàng tiếp cận đám cháy khi có tình huống cháy xảy ra. “Xã đã lập danh sách và bố trí cho các hộ dân tham gia trực lửa tại các chòi canh lửa theo quy định trong suốt mùa khô, thời gian trực từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều hàng ngày; trong thời gian cao điểm, nắng nóng kéo dài thì có thể trực từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày”, ông Phạm Văn Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết.
Với sự chủ động xây dựng phương án cụ thể của các chủ rừng, tin rằng năm 2023 huyện U Minh sẽ thực hiện hiệu quả công tác PCCCR./.
Theo TRỌNG NGUYỄN (Báo Cà Mau)