Một trong những hộ thực hiện mô hình hiệu quả là gia đình ông Vưu Minh Chánh và bà Nguyễn Thu Hà, ở ấp Tân Thành B, xã Tân Dân. Gia đình có gần 10 công vuông dành để nuôi tôm quảng canh và tôm công nghiệp. Thời gian gần đây, nguồn nước bị ô nhiễm nên nuôi tôm thất bát, vợ chồng ông Chánh cùng các con tận dụng phần đất còn lại hơn 500 m² làm vườn và trồng rau cải, cà chua trên giàn, dưới đất trồng ớt... theo phương pháp thuỷ canh và địa canh.
Niềm vui của vợ chồng ông Vưu Minh Chánh và bà Nguyễn Thu Hà trước thành quả mang lại.
Bà Hà cho biết, gia đình đã bỏ ra gần 70 triệu đồng để đầu tư mua ống nhựa, rọ, thùng xốp, khay nhựa, tấm cách nhiệt, lưới... làm giàn thuỷ canh. Phần kỹ thuật trồng rau do con trai của ông bà là anh Vưu Ra Gel đảm trách. Anh Gel từng học qua trung cấp nông nghiệp, nắm vững kỹ thuật nuôi trồng nên vườn rau thuỷ canh đạt năng suất cao hơn gấp đôi so với cách trồng theo kiểu truyền thống. Chỉ với vài trăm mét vuông đất nhưng lợi nhuận mang lại hơn 10 triệu đồng/vụ, đặc biệt là giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Vưu Ga Gel chăm sóc vườn rau thuỷ canh sắp đến ngày thu hoạch.
Tham quan mô hình trồng rau thuỷ canh, chị Lê Thị Xuân Mai (bìa phải), Chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi, được anh Vưu Ra Gel giới thiệu về kỹ thuật trồng rau ăn lá cho năng suất cao hơn gấp đôi so với cách trồng truyền thống.
Bên trên trồng rau thuỷ canh, phía dưới là những chậu rau trồng theo phương pháp địa canh trong nhà lưới, tưới bằng hệ thống tưới nước phun sương nên rất tươi tốt.
Rau thuỷ canh sau khi thu hoạch được chọn và phân loại trước khi đưa đến người tiêu dùng.
Chị Lê Thị Xuân Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Sử dụng rau sạch là nhu cầu tất yếu của mọi gia đình. Mô hình trồng rau thuỷ canh của bà Nguyễn Thu Hà trên vùng đất mặn Ðầm Dơi đã mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm diện tích và dễ dàng chăm sóc. Chúng tôi khuyến khích chị em phụ nữ phát triển, nhân rộng mô hình này để cung cấp nguồn rau sạch ra thị trường trong thời gian tới”.
Theo HUỲNH LÂM (Báo Cà Mau)