Không sang trọng, không có những hồ cá cảnh đắt tiền, không ánh đèn led rực rỡ màu sắc... mà chỉ gói gọn trong không gian chật hẹp chưa đầy 16 m2, với một vài chiếc bàn đặt tạm bợ trước hiên nhà; nhưng đó lại là địa chỉ quen thuộc của nhiều người trung niên, điểm dừng chân của những người lao động trên địa bàn thành phố. Ðịa điểm mà chúng tôi muốn nhắc đến là nơi bán cà phê của bà Trương Thị Hiệp (gần cầu Cà Mau).
Gắn bó với nghề bán cà phê đường phố tại Phường 5 gần 50 năm qua, bà Hiệp chia sẻ, trước đây, "bán cà phê là cần câu cơm của gia đình, nay nó là niềm vui tuổi già...". Theo nghề từ năm 22 tuổi, đến nay đã ngoài 70 tuổi, ngần ấy thời gian, biết bao sóng gió cuộc đời, bao sự thay đổi, nhưng hương vị cà phê "cô Hiệp" vẫn níu chân khách.
Bà Trương Thị Hiệp hơn 50 năm gắn bó với nghề bán cà phê đường phố.
Hồi trước, bà Hiệp bán cà phê vợt, nay bà chuyển sang cà phê pha phin. Dù hình thức nào, yếu tố quyết định là nguyên liệu và công thức pha chế vẫn giữ được nét đặc trưng. Ðiểm đặc biệt của quán không chỉ ở hương vị cà phê, mà nó còn là cái tình của người bán. Vui vẻ, dễ gần, cách giao tiếp mang đậm chất người dân miền Tây, là những nhận xét của khách khi nói về chủ quán cà phê "cô Hiệp".
Bà Ngô Kiều Thuỷ (Phường 7) cho biết, hơn 40 năm qua, bà thích đến đây uống cà phê, vì đó đã là không gian rất đỗi quen thuộc. Ngoài hương vị, chủ quán nơi đây rất giản dị, vui vẻ.
Nằm trên đường Ðề Thám, Phường 2, một góc nhỏ của tuyến phố này, người dân địa phương khá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ với nghề ép nhựa bằng bàn ủi than. Ðây cũng là người duy nhất tại Cà Mau duy trì và bám trụ với công việc này. Ðó là chị Lê Thị Diễm Trang (ngụ Phường 4).
Theo chị Trang, đây là công việc gắn bó với gia đình chị từ trước năm 1975. Trước đây công việc này do mẹ chị đảm nhận. Nhưng những năm gần đây, mẹ lớn tuổi, chị thay mẹ hành nghề.
Chị Lê Thị Diễm Trang, Phường 4, vẫn duy trì nghề ép dẻo bằng bàn ủi than.
Quầy hàng của chị Trang khá thô sơ, chỉ chiếc bàn ủi than đã nhuốm màu thời gian, một ít than gỗ và nhựa ép. Dù thô sơ, đơn giản nhưng hằng ngày quầy hàng vẫn thu hút được khá nhiều khách. Ða phần là khách quen. Họ tìm đến chị vì sự tỉ mỉ và như tìm về cảm giác gần gũi thời xưa, dù gần đó có khá nhiều quầy hàng ép nhựa bằng những thiết bị hiện đại.
Cũng tại Phường 2, khác hẳn với sự ồn ào của phường thương mại, không phải nhịp sống hối hả, hình ảnh những người lao động âm thầm, lặng lẽ ngồi sau tủ kính ở một góc vỉa hè gây ấn tượng cho người qua lại. Họ cần mẫn, chăm chỉ gắn bó với nghề "tìm lại nhịp thời gian" cho những chiếc đồng hồ cũ, bị hỏng. Hình ảnh ấy đã tạo nên nét riêng rất đỗi bình dị, quen thuộc và không kém phần đặc biệt tại tuyến phố náo nhiệt.
Trên đường Lý Thái Tôn (Phường 2), có những người thợ gắn bó với nghề “tìm lại nhịp thời gian” cho những chiếc đồng hồ cũ, bị hỏng.
Chiếc tủ kính, cái kính lúp nhỏ hay những phụ kiện phục vụ cho nghề sửa chữa đồng hồ gắn bó với ông Lê Văn Tòng (Phường 8) từ thời niên thiếu đến nay. Ông Tòng là lớp người theo nghề sửa đồng hồ lâu đời nhất tại đây. Thăng trầm cùng nghề sửa đồng hồ thủ công, hiện tại ngoài 70 tuổi, ông vẫn cần mẫn với công việc từ khi trời tờ mờ sáng. Ðối với ông, nghề là niềm vui ở tuổi già.
Ông Lê Văn Tòng tâm tình: "Nay tuy đã già, sức cũng đã yếu, nhưng mỗi lần ra đây hành nghề tôi cảm thấy rất vui. Ở nhà buồn lắm, nghề này đã gắn bó với tôi từ thời trẻ mới bước vào đời. Nó như đã ăn vào máu thịt tôi. Tôi sẽ tiếp tục làm và làm đến khi nào sức khoẻ không còn cho phép".
Dù dưới tác động của cuộc sống hiện đại, kinh tế đã không còn là mối bận tâm chính, nhưng nhiều người vẫn tâm huyết với nghề, gìn giữ những nghề xưa - nghề gắn bó với gia đình, gắn bó với cuộc đời họ từ thời niên thiếu, như giữ lại những kỷ niệm đẹp trong đời./.
Theo VĂN ĐUM - HOÀNG VŨ (Báo Cà Mau)