
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng.
Chung tay hành động
UBND TP Cần Thơ đã ban hành nhiều kế hoạch thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH&CN nói chung và công nghệ 4.0 nói riêng: Kế hoạch số 98/KH-UBND triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và giải pháp tăng cường năng lực tham gia Cuộc CMCN lần thứ tư; Kế hoạch số 266/KH-UBND ứng dụng các công nghệ mới của Cuộc CMCN lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 80/KH-UBND triển khai đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại TP Cần Thơ; Kế hoạch số 170/KH-UBND hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ TP Cần Thơ đến năm 2025...
Từ định hướng trên, sở ngành của thành phố nhanh chóng bắt tay triển khai vào thực tế sản xuất, đời sống. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố có những mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái… Ðặc biệt, việc ứng dụng các giải pháp máy cảm biến khí tượng thủy văn giúp cho nhiều nông dân, trang trại, hợp tác xã nhận biết được các thông tin để có biện pháp phòng ngừa dịch hại, điều tiết chế độ dinh dưỡng phù hợp và giảm chi phí trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức.
Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, những năm qua, Sở KH&CN TP Cần Thơ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa. Sở đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN với 3 chương trình/dự án: Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Dự án Năng suất chất lượng, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Các chương trình, dự án đã hỗ trợ cho hơn 220 đơn vị, với kinh phí trên 14 tỉ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, thúc đẩy việc tăng cường hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của thành phố, tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh.
Hướng tới vai trò trung tâm KH&CN của vùng
Trước nhiều cơ hội (sự quan tâm từ Trung ương, tận dụng công nghệ 4.0, hội nhập kinh tế quốc tế…) lẫn thách thức (dịch COVID-19, cạnh tranh toàn cầu, biến đổi khí hậu…), năm 2022 và những năm tiếp theo, TP Cần Thơ xác định tiếp tục triển khai chương trình hành động thực hiện khâu đột phá thứ ba Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, thành phố xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Ðồng thời, triển khai 5 nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chủ chốt của Cuộc CMCN lần thứ tư. Thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trên địa bàn nhằm phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 4 lĩnh vực mà TP Cần Thơ có lợi thế cạnh tranh: công nghệ số, vật lý, công nghệ sinh học, năng lượng và môi trường…
Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, khẳng định: Trong giai đoạn tới, KH&CN sẽ là động lực chính cho chuyển dịch mô hình tăng trưởng của vùng ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, từ một nền nông nghiệp phụ thuộc vào vốn, đất đai và lao động, cần được chuyển sang phụ thuộc vào KH&CN để tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Những cơ hội và thách thức từ xu hướng công nghệ thế giới và xu hướng toàn cầu hóa cũng như bảo hộ đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi có sự gắn kết chặt chẽ giữa KH&CN với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và khu vực. Trong vai trò trung tâm vùng ÐBSCL, Cần Thơ cần tận dụng tối ưu các nguồn lực đang có và hệ sinh thái KH&CN - đổi mới sáng tạo để tạo ra sự bứt phá về KH&CN, xây dựng TP Cần Thơ trở thành trung tâm KH&CN của vùng ÐBSCL và khu vực.
Theo ông Ngô Anh Tín, năm 2022, ngành KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các viện trường, sở ngành và doanh nghiệp phát huy vai trò để tạo ra nhiều thành tựu mới đóng góp cho sự phát triển của thành phố nói riêng và của vùng ÐBSCL nói chung. Qua đó, thể hiện được vai trò trung tâm, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Thành phố mời gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hoặc tham gia đầu tư, tài trợ xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tầm quốc gia, khu vực tại TP Cần Thơ. Ðồng thời, mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết giữa Cần Thơ với các địa phương trong vùng; đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KH&CN thông qua chương trình phát triển các sàn giao dịch nhằm kết nối sản phẩm của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, người nông dân vùng ÐBSCL…
Theo Báo Cần Thơ