Cần Thơ: Hỗ trợ người khuyết tật học nghề, có việc làm ổn định

27/03/2023 - 09:41

Thời gian qua, các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể trên địa bàn TP Cần Thơ luôn quan tâm động viên, khích lệ, hỗ trợ người khuyết tật học nghề, có việc làm, cải thiện kinh tế gia đình. Vận dụng hiệu quả sự trợ giúp, nhiều người khuyết tật cần mẫn lao động, nỗ lực vươn lên, ổn định cuộc sống.

A A

Hội viên Hội Người khuyết tật thành phố tham gia học nghề chỉnh sửa hình ảnh.

Trong căn phòng nhỏ ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, chị Dương Thúy Vân, hội viên Hội Người mù đang tỉ mẩn xâu kết những hạt cườm nhỏ, nhiều màu sắc thành chiếc móc khóa xinh xắn. Chị Vân phấn khởi khoe thành quả lao động với rất nhiều sản phẩm kết cườm công phu, như bình hoa, móc khóa, thú cưng... Chị Vân kể, năm 3 tuổi, chị chẳng may bị mù đôi mắt sau cơn bệnh ngặt. Lớn lên, chị Vân theo học Trường Khuyết tật TP Cần Thơ. Năm 2008, sau khi lấy chồng đồng cảnh ngộ, chị Vân sinh con trai, năm nay học lớp 9. Năm 2016, chị Vân được học và làm nghề kết cườm kiếm sống đến nay. Chị Vân bộc bạch: “Lúc đầu, tôi định đi bán vé số dạo hay làm nghề xoa bóp để có thu nhập, nhưng nghĩ việc đi lại bất tiện nên chọn nghề kết cườm. Con trai luôn đồng hành, là “mắt” giúp tôi chỉnh sửa và hoàn thiện màu sắc, kiểu dáng sản phẩm. Tôi mong muốn được hỗ trợ giới thiệu nơi trưng bày, tiêu thụ sản phẩm để có việc làm, thu nhập thường xuyên”. Mỗi tháng, chị Vân gói ghém chi tiêu từ thu nhập của nghề kết cườm, tiền trợ cấp và lương cán bộ hội của chồng chị, với số quà gạo, nhu yếu phẩm của nhà hảo tâm. 

Chị Thái Thị Nga, hội viên Hội Người mù, thuê trọ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, cùng chồng làm việc tại một cơ sở xoa bóp ở phường Cái Khế. Hằng ngày, vợ chồng chị Nga nhờ mẹ chồng chăm con trai, thuê xe chở đến cơ sở làm việc đến 21 giờ, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Nga cho biết: “Lúc mới tham gia sinh hoạt Hội Người mù, vợ chồng tôi được học nghề xoa bóp bấm huyệt ngắn hạn dành cho người khuyết tật ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ kiên trì, chịu khó, được nhiều khách hàng yêu thương, ủng hộ nên thu nhập hằng tháng của vợ chồng ổn định, còn tích lũy phòng khi hữu sự”.       

Khuyết tật chân từ nhỏ, chị Nguyễn Thanh Hòa, hội viên Hội Người khuyết tật, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, chỉ quanh quẩn phụ giúp việc nhà. Chị Hòa học “lóm” nghề may để phục vụ gia đình, người thân. Sau khi lập gia đình, chị Hòa nhận may trang phục cho bà con trong xóm để có thu nhập, cùng lương thợ hồ của chồng trang trải cuộc sống. Mấy năm gần đây, chị Hòa nhận ráp hàng chợ, thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Chị Hòa bày tỏ: “Tôi rất vui khi có việc làm, thu nhập phù hợp và tự chủ kinh tế”.   

Ông Hoàng Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Người mù thành phố, cho biết: Cuối năm 2022, các cấp Hội trên địa bàn thành phố có trên 190 lượt hộ hội viên vay vốn ưu đãi, số tiền 4,812 tỉ đồng để tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Hiện Hội Người mù thành phố có 1.810/2.491 hội viên làm nhiều nghề khác nhau; trong đó, trên 50 hội viên làm nghề tẩm quất xoa bóp trong 6 cơ sở, tổ, nhóm; thu nhập bình quân từ 3-6 triệu đồng/người/tháng, tùy tay nghề. Theo chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố, năm 2022, thực hiện kế hoạch trợ giúp sinh kế, giảm nghèo, Hội phối hợp tổ chức dạy nghề chỉnh sửa hình ảnh cho 10 người khuyết tật, với số tiền 250 triệu đồng; hỗ trợ 299 triệu đồng cho 15 người khuyết tật làm kinh tế, dịch vụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập... Trước đó, Hội phối hợp mở 2 lớp dạy nghề thiết kế đồ họa và có 6/11 người khuyết tật có việc làm, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Qua khảo sát, hiện có trên 200 người khuyết tật làm các nghề may, bán vé số, bán hàng rong...

Năm 2023, Hội Người khuyết tật thành phố phấn đấu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho 20% hội viên, với việc tiếp tục kết nối hỗ trợ hội viên vay vốn làm kinh tế nhỏ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 10 hội viên. Hội Người mù thành phố tranh thủ giúp hội viên vay vốn ưu đãi; khuyến khích và tạo điều kiện để hội viên học nghề xoa bóp và làm việc tại các cơ sở. Các Hội rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, ngành chức năng để người khuyết tật được học nghề, có việc làm phù hợp, tự chăm lo bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Theo Báo Cần Thơ