Cần Thơ: Năng động khởi nghiệp

13/02/2023 - 14:56

Thời gian qua, chị Lê Thị Hồng Thắm, ngụ ấp Trường Khương, xã Trường Long, huyện Phong Điền, đã mạnh dạn thành lập tổ đan nhựa, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện nay, với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chị Thắm tiếp tục khởi xướng và thành công với nghề may quần áo gia công. Nghề này đã giúp chị và nhiều hội viên phụ nữ có thu nhập ổn định.

A A

Lãnh đạo Hội LHPN huyện Phong Điền, Hội LHPN xã Trường Long đến khảo sát mô hình THT may của chị Lê Thị Hồng Thắm (người đứng, bìa phải).

Trong khuôn viên căn nhà nhỏ của chị Thắm, 8 chiếc máy may hoạt động hết công suất. Chị Thắm tận tình hướng dẫn chị em may các công đoạn, đảm bảo kỹ thuật từng đường kim mũi chỉ. Chị Thắm bộc bạch: “Chị em nào có sẵn máy may công nghiệp thì có thể nhận hàng về nhà, còn không thì đến nhà tôi cùng làm. Ai muốn học nghề, cứ đến Tổ hợp tác (THT) may, tôi sẵn lòng dạy miễn phí”.

Gia cảnh khó khăn, học đến lớp 9, chị Thắm đi làm công nhân may. Sau khi lập gia đình, trở về địa phương sinh sống, chị tiếp tục nhận hàng may gia công tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Chị Thắm trải lòng: “Từng là công nhân may nên tôi nắm hết các công đoạn. Tôi luôn ấp ủ mở một cơ sở may để bán những bộ quần áo có giá thành thấp nhưng chất lượng đến mọi người, nhất là các cháu học sinh có đồng phục đẹp đến trường. Nhận thấy nhu cầu việc làm của chị em tại địa phương cộng thêm sự hỗ trợ vốn vay từ Hội LHPN xã Trường Long, tôi quyết định thành lập THT may, “rủ” chị em cùng tham gia”.

THT may do chị Thắm khởi xướng, chính thức hoạt động vào tháng 6-2022, chuyên may và bán đồng phục học sinh, đồng phục nhân viên y tế, với 8 thành viên tham gia. Trung bình mỗi tháng, THT may và bán khoảng 500 sản phẩm. Giá thành sản phẩm khá bình dân, 100.000 đồng/1 bộ đồng phục tiểu học, 180.000-200.000 đồng/1 bộ đồng phục cấp 2… Nhờ có việc làm ổn định từ THT may, các thành viên có thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Điển hình như chị Lê Thị Trúc Linh trước đây chỉ quanh quẩn ở nhà lo việc nội trợ. Được nhận hàng may gia công, chị Linh có thu nhập ổn định. Theo chị Linh, nghề may gia công quần áo tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Chị Linh kể: “Công việc thuận lợi là làm việc tại nhà, tôi có thể lo cơm nước, đưa rước con đi học; đồng thời, có thêm khoản tiền phụ giúp chồng lo kinh tế gia đình”.

Ngoài THT may mới thành lập, 4 năm qua, chị Thắm còn duy trì Tổ đan dây nhựa, giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định. Ban đầu, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Hội LHPN xã Trường Long, chị Thắm tìm hiểu, học hỏi nghề đan dây nhựa tại một công ty ở huyện Vĩnh Thạnh, rồi đan gia công tại công ty đã học để có thu nhập cho gia đình. Nhờ sự khéo léo, chịu khó học hỏi, chị làm thông thạo rất nhiều sản phẩm. Khi vững tay nghề, chị đã dạy và kết nối cho nhiều chị em tại địa phương có việc làm, cải thiện thu nhập đáng kể. Chị Thắm chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi hướng dẫn nghề đan dây nhựa cho 6 hội viên phụ nữ. Với ưu điểm dễ học, dễ làm, không cần đầu tư vốn, không ràng buộc thời gian, nghề này ngày càng thu hút nhiều lao động nhàn rỗi tham gia”. Hiện nay, chị Thắm nhận phân phát hàng gia công sản phẩm từ dây nhựa cho 10 đầu mối chính; mỗi đầu mối có ít nhất 6 lao động tham gia… Tùy theo kích thước, độ khó của sản phẩm mà chi phí gia công khác nhau, dao động từ vài chục ngàn đồng đến 130.000 đồng/sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, chị Thắm nhận và giao từ 5.000-10.000 sản phẩm cho công ty. Số lượng hàng ổn định cộng thêm giá gia công phù hợp, mỗi lao động có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Dù bận rộn lo toan việc làm cho nhiều lao động nhưng chị Thắm không quản ngại khó khăn, luôn mong muốn các thành viên THT may và tổ đan dây nhựa ngày càng gắn bó, đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống. Với chị, niềm vui chính là công việc phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo Báo Cần Thơ