Cần Thơ: Tạo việc làm, thu nhập cho chị em

22/05/2023 - 08:46

Không khí lao động tại Cơ sở may gia công Kim Luyến, ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ luôn sôi nổi, đảm bảo tiến độ kế hoạch. Hầu hết nhân công là hội viên phụ nữ trên địa bàn, nhận ráp các mặt hàng, sử dụng hiệu quả thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

A A

Cơ sở may gia công Kim Luyến ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho nhân công.  Ảnh: CTV

Kể về cơ duyên “sở hữu” Cơ sở may gia công Kim Luyến, chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thắng, cho biết, từ năm 2016, chị phối hợp mở các lớp nghề may công nghiệp cho hội viên có nhu cầu học nghề, tạo việc làm tại chỗ. Năm 2017, chị Luyến thành lập tổ hợp tác may gia công, liên hệ tìm nguồn hàng giúp học viên có việc làm, thu nhập sau học nghề. Năm 2019, chị Luyến xúc tiến thành lập và đưa vào hoạt động cơ sở may gia công, đảm bảo điều kiện, thiết bị sản xuất theo quy định. Chị Kim Luyến bộc bạch: “Một trong những yếu tố thúc đẩy tôi thành lập cơ sở may là mong giúp chị em trung niên sử dụng hiệu quả thời gian nhàn rỗi, có việc làm, thu nhập ổn định”.

Cơ sở may gia công Kim Luyến thu nhận nhân công đủ tuổi lao động. Các chị chưa biết may sẽ được đào tạo kỹ thuật cơ bản. Hiện cơ sở may có 7 thợ tại chỗ và 10 thợ nhận hàng về nhà, đảm bảo sản lượng hằng ngày. Mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Luyến nói: “Từ khi cơ sở hoạt động, tôi có nhiều hợp đồng may quần áo các loại. Nguồn nguyên liệu dồi dào, liên tục, đảm bảo việc làm cho chị em”. Chị Lê Thị Hương, ở ấp Thới Hiệp 1, là một trong những thợ giỏi, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, kể, do gia cảnh khó khăn, thiếu việc làm, mấy năm trước, chị Hương và con gái đến Bình Dương làm công nhân may, lương bình quân khoảng 9 triệu đồng/tháng/người. Khi dịch COVID-19 bùng phát, mẹ con chị Hương trở về quê và làm thợ tại cơ sở may, thường xuyên tăng ca theo yêu cầu. Chị Hương bộc bạch: “Lúc trước, bôn ba đi làm xa, thu nhập khá nhưng không có điều kiện gần gũi gia đình. Giờ mỗi sáng ra xưởng may, chiều về nhà, được chăm sóc chồng con, tôi vui lắm. Làm việc gần nhà, ít tốn kém, hai mẹ con tiết kiệm được số tiền kha khá”.   

Chị Luyến cho biết thêm, ngày thường, số lượng nhân công đáp ứng yêu cầu sản xuất, tăng ca, hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ nhưng khi có đơn hàng gấp, nhất là thời điểm lễ, Tết, lượng hàng tăng thì thiếu nhân công. Vì vậy, cơ sở may thường tuyển và đào tạo lao động để chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất thời gian tới. Hội LHPN xã vừa phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ tổ chức lớp nghề may công nghiệp cho 30 phụ nữ. Học nghề xong, các chị có nhu cầu sẽ được giới thiệu việc làm tại công ty may, cơ sở may, hoặc nhận hàng may gia công. Cơ sở có lắp đặt máy may công nghiệp, riêng các chị nhận hàng về nhà tự trang bị máy may, đảm bảo kỹ thuật và “chốt” thời hạn giao sản phẩm. Theo chị Luyến, cùng với việc đào tạo nghề, Hội chú trọng rèn chị em tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tác phong kỷ luật trong lao động. 

“Hiện cơ sở may gia công hoạt động sản xuất ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho nhân công. Để phát triển bền vững, tôi mong muốn được hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô nhà xưởng, trang thiết bị, phục vụ nhu cầu cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động. Đồng thời, được quan tâm hỗ trợ đăng ký thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và thu hút nguồn lao động” - Chị Kim Luyến chia sẻ.

Theo MAI THY (Báo Cần Thơ)