Anh Trần Hữu Minh Khang chỉnh trang điểm du lịch để phục vụ khách trong dịp Tết Nguyên đán 2021
Sinh ra và lớn lên trong gia đình sống bằng nghề nông nên tuổi thơ của anh Trần Hữu Minh Khang sớm quen với việc chăm sóc, bón phân cho vườn cây ăn trái. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Khang theo học Trường Trung cấp Dược Phương Nam (TP.Hồ Chí Minh). Sau đó, anh Khang có 5 năm làm việc tại một công ty dược ở Bình Dương. Mặc dù có việc làm với mức lương ổn định nhưng trong tâm trí anh Khang vẫn mong muốn ngày nào đó được trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2016, anh quyết định trở về quê phụ giúp gia đình phát triển kinh tế bằng 1,3ha trồng quýt hồng, quýt đường. Rời bỏ cuộc sống nơi phố thị, với một chàng trai trẻ tưởng chừng như sẽ khó vượt qua sự buồn chán nhưng anh Khang tìm được nhiều niềm vui từ việc phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
Anh Khang chia sẻ: “Thời gian đầu, khi mới trở về quê, tôi chỉ nghĩ sẽ phát triển kinh tế bằng việc canh tác vườn cây ăn trái như xưa nay. Cơ duyên đến với du lịch của tôi là trong một lần những người bạn về nhà tôi chơi và tham quan, thấy họ hào hứng, yêu mến cuộc sống nơi đây vì được hòa mình với thiên nhiên. Từ đây, tôi nảy sinh ý nghĩ mở điểm du lịch để thu hút du khách gần xa về tham quan và giới thiệu đặc sản quýt hồng Lai Vung”.
Do chưa biết gì về làm du lịch nên bước đầu anh tiếp cận còn khó khăn. Vì vậy, để thực hiện ước mơ, năm 2018, anh Khang phải tự học hỏi các mô hình làm du lịch và xây dựng điểm tham quan quýt hồng Út Hớn. Thời điểm đầu, do còn quá mới mẻ nên lượng khách đến với điểm tham quan ít, chủ yếu là những gia đình nên nhiều tháng không có doanh thu. Dù vậy, anh Khang vẫn kiên trì công việc, mỗi khi có khách, anh luôn tiếp xúc với họ để nắm bắt sở thích, phục vụ chu đáo, thăm hỏi và đưa họ tham quan vườn quýt. Dần dần, lượng khách đến với điểm tham quan của anh Khang tăng lên.
Đến năm 2019, lượng khách về điểm tham quan quýt hồng Út Hớn ngày một đông hơn. Lúc này, anh Khang dùng tất cả vốn để xây dựng thêm đường đi đến từng khu trong vườn, thiết kế tiểu cảnh chụp ảnh, bố trí phương tiện rước khách bằng đường thủy... Cùng với đó, anh Khang cũng chủ động xây dựng thực đơn thức ăn phục vụ du khách bằng những món mang đậm bản sắc miền Tây.
Để được nhiều người biết đến hơn, anh Khang xây dựng trang Fanpage cho điểm du lịch của mình nhằm giới thiệu đến du khách gần xa; tự tìm tòi món mứt trần bì và rượu quýt hồng để giới thiệu cho du khách.
Nhờ được đầu tư khang trang, thái độ phục vụ tận tình, cùng những món ăn dân gian thơm ngon do gia đình nấu, khách đến điểm tham quan quýt hồng Út Hớn ngày càng đông. “Tôi sẽ thiết kế thêm các khu, điểm du lịch để thu hút khách, tạo thêm nhiều tiểu cảnh theo mùa cho du khách chụp ảnh. Để thu hút khách quanh năm, tôi sẽ nghiên cứu trồng xen canh thêm những cây trồng đặc trưng khác. Mặc dù bước đầu thành công với mô hình du lịch, nhưng hiện tại, điểm du lịch của gia đình tôi còn gặp khó là đường giao thông hạn chế nên không thể tiếp khách đoàn di chuyển bằng phương tiện xe lớn. Cùng với đó, lượng khách đông nên điểm cũng có ý định mở rộng thêm khu, điểm tham quan nhưng vẫn còn thiếu nguồn vốn hỗ trợ. Vì vậy, thời gian tới, rất mong nhận được sự hỗ trợ của các, ngành, các cấp địa phương để tôi có thể phát triển điểm du lịch phục vụ du khách gần xa”- anh Khang bộc bạch.
Theo TRANG HUỲNH (Báo Đồng Tháp)