Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi, những năm gần đây, ngành DL TP. Châu Đốc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong chiến lược phát triển DL và mang lại nhiều kết quả tích cực. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện và không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tạo động lực hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội.
Tổ chức bộ máy được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới phát triển. Tính chuyên nghiệp đang được thể hiện khá rõ nét, từ phong cách phục vụ của người lái xe, đến quản lý, hướng dẫn viên và lễ tân nhà hàng, khách sạn... Kết quả trên tiếp tục khẳng định nhân tố con người có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng chuyên môn cao, chuyên nghiệp, có khả năng đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị DL thông minh và nguồn nhân lực xã hội thành phố phát triển chưa đồng bộ, chưa tương xứng với vị thế, văn hóa, truyền thống.
Để tạo động lực, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu suất quản trị nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và doanh nghiệp (DN) có khả năng tự đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống, kinh doanh, dịch vụ góp phần xây dựng đô thị văn minh, DL thông minh, vì sự phát triển bền vững. Theo đó, UBND TP. Châu Đốc đã xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển DL giai đoạn 2021-2025.
Ảnh: THANH HÙNG- THÀNH CHINH
Trong đó, thành phố tập trung phát triển nguồn nhân lực ngoài xã hội có khả năng đáp ứng, đổi mới, sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, cung ứng, tham gia thị trường, phục vụ nhu cầu xã hội. Tạo nguồn và đẩy mạnh công tác quy hoạch dài hạn thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Khuyến khích cán bộ, công chức giữ chức vụ từ phó trưởng phòng, ban, ngành thành phố và tương đương trở lên tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học phù hợp chức danh công tác.
Phấn đấu có trên 40 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ chuyên ngành DL. Cán bộ, công chức quy hoạch các chức vụ từ phó trưởng phòng, ban, ngành thành phố và tương đương trở lên đạt chuẩn tiếng Anh theo quy định. Phấn đấu 100% người quản lý và viên chức tại Ban Quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa và DL núi Sam, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về DL.
Huy động các nguồn lực DN, xã hội, tập trung đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho lực lượng lao động, nguồn nhân lực biết ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường sản xuất - kinh doanh, dịch vụ cạnh tranh lành mạnh đúng pháp luật. Phấn đấu đến cuối năm 2025, hình thành đội ngũ doanh nhân, chủ cơ sở kinh tế hợp tác, cơ sở kinh tế cá thể hoạt động trong lĩnh vực DL năng động, sáng tạo; đội ngũ lao động phục vụ DL có trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề đáp ứng yêu cầu phát triển DL tại địa phương.
Cụ thể, phấn đấu có 90% người lao động trực tiếp tại các đơn vị kinh doanh DL trên địa bàn thành phố được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức các kỹ năng, nghiệp vụ về DL. Phấn đấu có 80% các hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư đang kinh doanh, khai thác các dịch vụ DL trên địa bàn TP. Châu Đốc được tập huấn nghiệp vụ về DL cộng đồng.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên DL. Bởi đây là lực lượng nòng cốt, “bộ mặt” của ngành DL, họ là những người đầu tiên tiếp cận và có thời gian tiếp xúc với du khách nhiều nhất tại các điểm DL. Theo đó, hàng năm, UBND TP. Châu Đốc sẽ phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn (kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với khách DL) cho các đối tượng làm trong lĩnh vực DL (các hộ kinh doanh dịch vụ DL, lái xe vận chuyển khách…) để nâng cao chất lượng một cách đồng bộ.
Thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với du khách để từng bước xây dựng tác phong, thái độ, tinh thần làm việc của những người làm việc trực tiếp trong môi trường DL. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm trong lĩnh vực DL và các đơn vị, DN kinh doanh DL trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển DL theo hướng chuyên nghiệp.
DL là ngành kinh tế tổng hợp có nhiều yếu tố đặc thù mang tính xã hội. Bên cạnh việc đem lại các giá trị về kinh tế, DL còn ảnh hưởng không nhỏ đến các yếu tố về văn hóa và lịch sử... Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, TP. Châu Đốc sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ DL và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thương hiệu và phát triển DL bền vững.
THU THẢO