![Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024 - 2025](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250210/images/wm_chayrung.jpg)
Đội Quản lý khu vực trồng rừng phi lao tại Tiểu khu 19, Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.
Quản lý cụ thể
Tại huyện Bình Đại, Phân khu Phòng hộ liên huyện Ba Tri - Bình Đại được giao quản lý 87,79ha rừng trồng cây phi lao đã thành rừng, tăng 24,05ha so với năm 2023. Rừng phi lao Tiểu khu 4, khu vực Cồn Tàu, xã Thừa Đức có tổng diện tích 19,05ha được trồng từ năm 2009. Rừng phi lao Tiểu khu 5, khu vực Cồn Nghêu, xã Thừa Đức có tổng diện tích 22,24ha được trồng từ năm 2009. Rừng phi lao Tiểu khu 6, cồn Chày Mười, xã Thới Thuận, với tổng diện tích 39,54ha được trồng từ năm 2003.
Tại huyện Ba Tri, Phân khu Phòng hộ liên huyện Ba Tri - Bình Đại được giao quản lý 16,03ha rừng trồng phi lao đã thành rừng và 15,37ha chưa thành rừng, giảm 1,64ha so với năm 2023, được trồng từ năm 2006. Cụ thể, thị trấn Tiệm Tôm có 8,87ha rừng trồng phi lao đã thành rừng là đai rừng phòng hộ ven biển nằm kề với khu sản xuất nông, thủy sản của người dân và 3,34ha chưa thành rừng. Xã Bảo Thuận có 4,17ha rừng phòng hộ trồng phi lao đã thành rừng và 5,04ha chưa thành rừng. Xã Tân Thủy có 2,99ha rừng phòng hộ trồng phi lao đã thành rừng, được trồng từ năm 2018 và 9,22ha chưa thành rừng. Rừng hỗn giao thuộc Khu Bảo tồn sân chim Vàm Hồ tại xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri có tổng diện tích 49,78ha.
Huyện Thạnh Phú có tổng diện tích rừng trồng phi lao đã thành rừng là 25,77ha, giảm 3,94ha so với năm 2023. Tại xã An Điền, có 3,98ha rừng đặc dụng trồng phi lao đã thành rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Phân khu Thạnh Phú được giao quản lý 21,79ha rừng (20,77ha đặc dụng và 1,02ha phòng hộ) trồng phi lao đã thành rừng tại xã Thạnh Hải và Thạnh Phong.
Phát huy hiệu quả
Ông Lâm Văn Hoàng (tên thường gọi là Sáu Hoàng), 60 tuổi, ngụ tại Tổ nhân dân tự quản số 13, ấp Tân Quí, xã Mỹ Hòa, đội viên Đội Bảo vệ quản lý rừng hỗn giao thuộc Khu Bảo tồn sân chim Vàm Hồ cho biết: “Tôi gắn bó công việc bảo vệ rừng tại đây được 9 năm. Lực lượng của đội mỏng (chỉ có 3 người) nên rất khó khăn trong xử lý những đối tượng lạ đến săn bắt động vật tự nhiên trái phép. Khu vực rừng nằm cặp sông Ba Lai nên gây khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ. Các thành viên của đội phải đi bộ và luồng lách xuyên rừng để tuần tra, kiểm soát”. Công việc thường xuyên của đội viên là tập trung dọn dẹp dây leo, quét thực bì tránh cản đường băng, nhằm tạo không gian nội bộ thông thoáng để triển khai công tác PCCC rừng tốt”.
Trên địa bàn huyện Ba Tri, 31,4ha rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng phi lao đã trồng thành rừng. Sở, ban, ngành, chính quyền, đơn vị có liên quan các cấp luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát công tác PCCC rừng cũng như hỗ trợ lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát các diện tích rừng có nguy cao cháy vào cao điểm mùa khô. Thành viên (TV) của Đội PCCC rừng cũng là TV thuộc Đội Bảo vệ HTX Thủy sản (An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận) luôn thường trực 24/24.
Thiếu úy Lê Thành Vịnh - Tổ phó Tổ PCCC cơ sở (xã Thừa Đức, huyện Bình Đại) cho hay, năm 2017, Tổ PCCC cơ sở xã Thừa Đức được thành lập. Nay tổ có 17 TV, với 3 TV/ấp, toàn xã có 5 ấp. Tổ được cấp trên giao nhiệm vụ chính là chủ động PCCC trên địa bàn xã. Trong đó có PCCC rừng và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tuần tra, kiểm tra về công tác PCCC trên địa bàn xã cũng như những khu vực có rừng.
Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Nguyễn Thị Bình Minh cho biết: Với vai trò là chủ rừng, Ban Quản lý tỉnh luôn xem công tác PCCC rừng là một trong những nhiệm vụ chính cũng như quan trọng của đơn vị. Lấy phương châm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và kiên quyết không để xảy ra tình trạng cháy rừng nghiêm trọng tại địa phương.
Mùa khô năm 2024 - 2025, Ban Quản lý tỉnh phối hợp với sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cùng chính quyền và người dân địa phương triển khai thực hiện một số biện pháp như: Củng cố và kiện toàn 8 đội PCCC, gồm: 97 người và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ cho các Đội PCCC cơ sở. Huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 36 TV trong đội PCCC; thường xuyên tuần tra, kiểm tra, PCCC rừng. Tuyên truyền, vận động các hộ dân sống và canh tác gần khu vực rừng thực hiện tốt các biện pháp PCCC rừng thiết thực và hiệu quả...
“Hướng tới, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm tổ chức thực hiện của chính quyền đối với công tác PCCC rừng, xác định công tác PCCC rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Duy trì công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC rừng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người đối với công tác PCCC rừng. Nắm chắc, dự báo đúng tình hình để xây dựng kế hoạch, phương án PCCC rừng cụ thể và phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Thực hiện phương châm chữa cháy “4 tại chỗ”, đáp ứng yêu cầu chữa cháy” - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Thế Nghĩa
Theo Báo Đồng Khởi