Chuyện về những nhà báo tiền bối

07/06/2022 - 09:39

Dù cách thế hệ làm báo ngày nay hàng trăm năm nhưng những nhà báo tiền bối vẫn được nhắc nhớ như một tấm gương để học hỏi, noi theo. Dù làm báo trong hoàn cảnh, điều kiện vô cùng khó khăn, bị kẻ thù xâm lược dòm ngó nhưng các nhà báo tiền bối vẫn giữ “tinh thần thép” để đưa báo đến với bạn đọc, góp phần tuyên truyền cho cuộc cách mạng chính nghĩa của dân tộc ta.

A A

Người Việt đầu tiên làm báo trên đất Mỹ

Chân dung nhà báo Lê Kim

Phó trưởng ban đối ngoại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương, Tiến sĩ Chu Huy Sơn đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhà báo Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ qua tài liệu của báo Daily Everning thời điểm 1850-1853 ở tiểu bang California cùng nhiều sử liệu khác liên quan đến nhân vật Lê Kim (tên thật là Trần Trọng Khiêm), người làng Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sinh năm 1821, đến tuổi 18, Trần Trọng Khiêm đã học đủ các môn khoa cử, có thể đi thi để ra làm quan, nhưng chàng trai làng Xuân Lũng không thích hoạn lộ mà tự thử thách mình qua thương trường.

Sau 2 năm “cọ xát” với chuyện buôn bán, đến tuổi 20, anh quay về làng, cưới vợ ở cùng tổng. Trớ trêu thay, cô gái ấy, viên chánh tổng đã từng ve vãn, o ép làm vợ lẽ cho y nhưng bị cô cự tuyệt; y đem lòng thù oán, hậm hực chờ cơ hội ra tay trả thù. Chưa đầy 3 năm sau ngày cưới, nhân lúc Khiêm vắng nhà, vợ Khiêm đã bị tên chánh tổng nham hiểm ra tay giết hại rồi đốt nhà để phi tang. Anh quay về làng lo hậu sự cho vợ, rồi lại ra đi... Một năm sau, đúng ngày giỗ đầu của vợ, anh về làng giết tên chánh tổng để báo thù cho vợ, xong, lấy họ tên mới: Lê Kim, đi Phố Hiến (Hưng Yên) xin làm cho một tàu buôn của nước ngoài. Từ đây, anh khởi sự giang hồ theo tàu buôn qua nhiều nước trên thế giới, hễ tàu ghé nước nào là anh học tiếng của nước ấy. Chẳng bao lâu, anh đã am hiểu nhiều tiếng nước ngoài: Hoa, Anh, Pháp, Hà Lan,... Rồi dạt đến đất Mỹ, khi nơi này dân tứ xứ trên thế giới còn đang đổ xô đến sinh sống, lập bang thứ 31 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là California. Tại đây, người trai Việt chưa tới tuổi 30 mà trải lắm phong trần, đã nhập băng đào vàng mạo hiểm, gian khổ cùng cực.

Tuy nhiên, số phận đã cho anh kết thân với viên đại úy trưởng đồn Sutter. Đến năm 1850, anh dừng bước giang hồ, chuyển sang làm nghề báo cho tờ Alta California và tờ Morning Post, rồi tờ Daily Everning, lấy bút danh Lee Kim. Với những trải nghiệm trên đất Mỹ qua vai trò trợ lý kiêm phiên dịch cho tay cầm đầu nhóm đào vàng gồm nhiều sắc dân nhập cư sống trong đói khát, bệnh tật và chết dần chết mòn, cùng những dân nghèo ở miền Tây nước Mỹ - đó là “mỏ” đề tài cho Lê Kim khai thác viết các phóng sự, ký sự rất thu hút bạn đọc.

Sau bao năm phiêu dạt giang hồ trên đất khách quê người, nhà báo Lê Kim nhớ nhà, quay về cố hương, dạt vào đất phương Nam, đến vùng Tân Thành, tỉnh Định Tường (nay là Sa Đéc, Đồng Tháp) còn đang khai hoang lập ấp. Ông bắt tay cùng dân lao động tứ xứ. Vừa lúc thực dân Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây (năm 1864), nhà báo Lê Kim lấy vợ là dân bản địa, rồi ông tìm đến thủ lĩnh nghĩa quân Võ Duy Dương. Ông thiết kế đồn lũy Sutter hiện đại thời bấy giờ; bố trí trận địa theo kiểu của đại úy Sutter ở Mỹ. Do biết nhiều thứ tiếng nước ngoài, ông làm công tác binh vận, kêu gọi các sắc dân đánh thuê trong quân đội viễn chinh Pháp bỏ ngũ, mang vũ khí gia nhập lực lượng kháng chiến tại căn cứ Gò Tháp (Đồng Tháp Mười). Bút ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của học giả, nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã ghi rõ: Khi căn cứ Gò Tháp thất thủ, quân Pháp tràn vào đồn bắt được nhiều lính bỏ ngũ của chúng gồm nhiều sắc tộc và vũ khí phương Tây.

Căn cứ kháng chiến thất thủ, không để rơi vào tay giặc, nhà báo Lê Kim đã rút gươm tuẫn tiết. Đó là năm 1886, ông tròn 65 tuổi. Thi thể ông đã được nghĩa quân mai táng trên Gò Tháp. Hiện nay, trên Khu di tích Gò Tháp (Tháp Mười, Đồng Tháp), có mộ và bia nhà báo Lê Kim - Trần Trọng Khiêm với 2 câu liễn đối: Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước hy sinh/ Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế.

Nhà báo nữ tiền bối, người Cần Giuộc, Long An

Chân dung nhà báo nữ Trương Thị Sa (Sáu), tức bà Ninh (Ảnh: H.V)

Kể về quãng đời làm báo của mẹ mình, người con gái của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cho biết, sau khi thực dân Pháp quay đầu lại xâm chiếm nước ta, Nam bộ kháng chiến bùng lên. Mẹ của bà đang lánh nạn ở Cần Giuộc đã đưa hết 5 con lên Sài Gòn, nối lại cuộc mưu sinh và hoạt động yêu nước như đã từng có với chồng và các đồng chí khi còn sống. Vừa lúc bà gặp lại người bạn tù thân thiết của chồng là Hà Huy Giáp - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam bộ, vừa rời nhà tù, bị bệnh lao phổi nặng, được Đảng giao nhiệm vụ ra một tờ báo Phụ nữ để tuyên truyền cho cách mạng. Biết chuyện đồng chí Hà Huy Giáp bệnh tình như vậy thật khó đảm đương tờ báo ngay giữa lòng địch, bà Ninh (Trương Thị Sa (Sáu)) liền nhận lời giúp bạn của chồng hoàn thành nhiệm vụ được Đảng giao cho. Bà bắt tay lo đủ mọi thủ tục và điều kiện ra báo. Thế là, sáng ngày 19/5/1946, mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ Phụ Nữ ra mắt độc giả số đầu tiên đã được những người bán báo vừa chạy, vừa rao khắp phố phường Sài Gòn. Loáng cái, tờ Phụ Nữ đã bán sạch trước khi bọn mật thám Pháp đánh hơi mò đến. Hiện trường trống hoác, chúng bèn rượt theo những người mua báo, đang đọc mà giựt lấy. Một cuộc rượt đuổi thật lố bịch của mật thám Pháp!

Cùng lúc này, một chiếc xe của chúng chạy xịch tới nhà bà Ninh đang ở và làm báo. Bà Ninh bình thản mặc áo dài, dặn các con nếu trưa má không về, hãy báo cho chú Hai - Giáo sư Võ Thành Cứ - Ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, là chỗ thân tín với gia đình bà biết để can thiệp...

Bà Ninh bị đưa lên xe về bót Catinat. Viên Chánh mật thám Pháp đích thân điều tra. Hắn nói: “Bà Ninh, bà có biết tại sao chúng tôi bắt bà không?”. Bà Ninh trả lời gọn: “Biết”. Hắn hỏi tiếp: “Vậy tại sao bà ra báo mà không xin phép?”. Bà Ninh: “Thưa ông, tôi phải xin phép ai, sau khi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3, bây giờ lại có tới 2 chính phủ à? Còn những quy định khác, tôi đã làm đủ”.

Viên Chánh mật thám Pháp gằn giọng: “Ở nước này, chỉ có một chính phủ là Pháp thôi".

- Thưa ông - bà Ninh vặn lại - Nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập, đã có Chính phủ Hồ Chí Minh ký Hiệp định với Pháp. Làm báo, tôi phải nói đúng sự thật như vậy!

Bất chợt hắn đổi giọng để thuyết phục:

- Ông Ninh thích làm báo, làm quốc sự, nên mới bị tù và chết trong nhà lao. Bây giờ bà Ninh cũng thích làm báo như vậy à?

Bà Ninh nhìn thẳng vào mặt viên Chánh mật thám Pháp, nói: “Ông Ninh thích làm báo để làm quốc sự. Còn tôi làm báo là để kiếm tiền nuôi con”. Chánh mật thám Pháp cười khẩy: “Tại bà từ chối sự chu cấp của chính phủ Pháp cho gia đình bà. Chỉ cần bà biết vâng lời, bà sẽ có mọi thứ”. Bà Ninh bảo với hắn: “Tôi đủ sức nuôi các con tôi, tôi chưa cần sự ban ơn của chính phủ Pháp”.

Biết vợ của nhà yêu nước Việt Nam không phải tay vừa, viên Chánh mật thám Pháp chợt đấu dịu: “Làm báo, ai cộng sự với bà?”. “Thưa ông, không có ai dám cộng sự với tôi cả” - bà Ninh thẳng thắn nói. “Bà không thể làm một mình được” - Chánh mật thám Pháp gằn giọng. Bà Ninh vẫn giữ thái độ đĩnh đạc, dứt khoát: “Đó là sự thật. Chồng tôi cũng bị các ông ngăn cấm, nên phải tự viết bài, tự in và tự ôm báo đi bán. Có ai dám quan hệ với ông Ninh đâu?” - bà Ninh đấu lý, dồn tên Chánh mật thám Pháp vào chỗ... cứng họng. Ý đồ của hắn là buộc bà Ninh phải khai ai là người chỉ đạo bà làm báo chống Pháp. Nhưng dù có cạy miệng, bà Ninh cũng không khai ra điều cần giữ bí mật cho cách mạng.

Theo QUANG HẢO (Báo Long An)