Côn nhị khúc - môn thể thao mới cuốn hút giới trẻ

30/03/2021 - 09:05

Những động tác múa côn nhị khúc điêu luyện, uyển chuyển của các bạn trong nhóm Côn nhị khúc thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) khiến người xem trầm trồ thán phục.

Phần biểu diễn của các bạn nhóm Côn nhị khúc thị trấn Tầm Vu

Cứ vào cuối tuần, nhóm Côn nhị khúc thị trấn Tầm Vu lại sôi nổi không khí luyện tập. Trong bộ võ phục màu đen truyền thống, anh Nguyễn Long Bình (SN 1996, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) - trưởng nhóm Côn nhị khúc thị trấn Tầm Vu, hăng say tập luyện và chỉ dẫn các thành viên khác.

Anh Bình cho biết, côn nhị khúc hiện thu hút nhiều bạn trẻ say mê tập luyện để rèn luyện toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Chơi môn thể thao này, các bạn rèn luyện được tính kiên trì, tăng sự nhạy bén và chính xác. Ngoài ra, nó còn giúp người chơi có đôi tay linh hoạt, dẻo dai và rèn luyện cơ thể khỏe mạnh hơn.

Được biết, côn nhị khúc hay còn gọi là Nunchaku trong tiếng Nhật, có 2 loại: Côn dây dài truyền thống và côn dây ngắn. Chất liệu sử dụng để làm côn thường là gỗ, inox, nhựa chịu lực,... Tuy nhiên, gỗ thường được dùng nhiều nhất vì êm tay, chống trượt côn khi dùng cũng như độ nguy hiểm thấp. Dây nối thường được sử dụng là dây dù hoặc dây xích sắt.

Côn nhị khúc kén người tập bởi độ khó lẫn sự nguy hiểm, dễ gây chấn thương trong quá trình tập luyện. Thế nhưng, những thành viên trong nhóm Côn nhị khúc thị trấn Tầm Vu lại sở hữu kỹ năng múa song côn nhị khúc bằng cả hai tay vô cùng điêu luyện, gây ấn tượng mạnh với người xem.

Họ quay tít trong tay những cây côn nhị khúc được làm từ nhiều chất liệu, cái bằng gỗ, cái bằng kim loại. Trong những chiếc côn này, nhiều chiếc bằng inox sáng bóng và phát ra những âm thanh leng keng vui tai.

Để theo đuổi đam mê với môn thể thao này, các thành viên trong nhóm từng không ít lần bị “sứt đầu, mẻ trán”. Một thành viên trong nhóm, anh Trần Duy Khang (SN 1996, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An) chia sẻ, côn nhị khúc là môn võ thuật đòi hỏi người chơi phải có lòng đam mê lẫn sự kiên trì. Những người mới học dễ bị côn quật vào tay, chân dẫn đến chấn thương. Hầu như những người mới tập phải mất vài tuần đến vài tháng mới có thể quen với côn nhị khúc.

Từng có 3 năm theo học, 2 năm trợ giảng, anh Nguyễn Phạm Vũ Linh (SN 1995, ngụ phường 1, TP.Tân An, thành viên trong nhóm) cho biết: “Sau một ngày làm việc mệt mỏi, thay vì chơi game để xả stress thì khi tham gia bộ môn thể thao này, tôi có thể ra ngoài hít thở khí trời, vừa luyện tập thể thao, vừa phòng thân. Đây là sân chơi lành mạnh giúp chúng ta tránh xa các thói hư, tật xấu của xã hội. Vì đến với côn nhị khúc không chỉ là những kiến thức, kỹ năng võ thuật mà còn cả về võ đạo, lối sống và cách ứng xử”.

Ngày nay, sử dụng côn nhị khúc không chỉ là kỹ năng chiến đấu mà còn được nâng tầm lên thành một môn nghệ thuật biểu diễn.

Hiện tại, anh Nguyễn Long Bình hoàn thành thủ tục thành lập Câu lạc bộ (CLB) Côn nhị khúc thị trấn Tầm Vu với khoảng 8 thành viên và sẵn sàng kết nạp nhiều thành viên mới. CLB sinh hoạt đều đặn 17-19 giờ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, tại quảng trường Tầm Vu. Trong nhóm, thành viên nhỏ nhất hiện nay 12 tuổi và lớn nhất 27 tuổi.

“CLB là sân chơi giúp mọi người rèn luyện sức khỏe và được thỏa sức sáng tạo. Được tập côn với những người có cùng đam mê là một điều tuyệt vời. Với các kỹ năng sử dụng côn được thầy của mình truyền thụ, tôi muốn đem những gì mình biết đến với nhiều bạn trẻ cùng đam mê, xây dựng CLB ngày càng phát triển” - anh Bình tâm sự./.

Theo HÀ ALN (Báo Long An)