Cố nhạc sĩ Hồng Sơn (Sóc Trăng) có ca khúc viết về Cù Lao Dung với tựa đề 'Về An Thạnh' chỉ với hơn mười câu đã lột tả hết cảnh sắc của vùng đất này: 'Về đến quê em lúc sông nước dâng đầy. Bờ mía trổ cờ lấp loáng hoàng hôn. Rừng Cù Lao Dung trong gió đổi mùa xuồng ai xuôi nước về nhịp chèo khoan thai…'.
Địa bạ Triều Nguyễn ghi nhận: Trước năm 1820, đã có lưu dân Việt đến đây khai phá, lập nên 2 thôn: An Thạnh Nhứt và An Thạnh Nhị. Nay thì cù lao này đã “nở ra, lớn lên” thành một huyện của tỉnh Sóc Trăng với 8 đơn vị hành chính: An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, Đại Ân 1, An Thạnh Tây, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam và thị trấn Cù Lao Dung với 23.606,29ha diện tích tự nhiên. Số nhân khẩu đã là hơn 58.000 người.
Lộ quan, nền đồn và… “rạch bà cọp bắt”
Những con rạch, con đường, nền đất đậm dấu ấn của “tích xưa chúa Nguyễn Ánh còn phiêu bạt” ở đây, rõ nhất là rạch Long Ẩn, rạch Tiền, Lộ quan, nền “đồn đàng cựu”…Anh Hòa Thanh, cán bộ văn hóa xã An Thạnh 1 dẫn chúng tôi đi thăm dấu tích “nền đồn quan đàng cựu” ở ấp An Thường, ngay gần đầu “rạch Trường Tiền” nhỏ! Hiện tại đây là vườn nhãn rộng hơn 10 công đất của ông Phan Văn Lù (miếng đất “từ thời ông Cồ” của ông khai phá). Khu vườn giờ vẫn cao ráo so với những khu vườn xung quanh dù đã trải qua bao lần cải tạo. Riêng vị trí cao nhất của khu vườn được truyền lại là nơi “nhà quan” thì được dặn dò không canh tác mà giữ nguyên. Ông Lù giờ trồng trên đó những cội mai vàng để đánh dấu vì ông, bà đã dặn “cần chừa chỗ cho người đàng cựu”.
Vỏ lãi trên rạch Trường Tiền.
Ông Phan Văn Lù cho hay: “Tính ra ở khu này thì nền của tui cũng đã cao nhưng đây là nơi cao nhất! Còn loanh quanh trong vườn thì khi trở liếp, khai mương cũng có lúc lụm được đồ xưa như chén đất, nồi om cũng bằng đất nung hay bằng sành. Bà nội tui kể, hồi đó mỗi lần quan đi trên lộ hay dưới sông đều có phèng la, trống vỗ… Ngang nhà ai thì nhà đó bày chiếu để lạy quan?!”.
Ghé thăm “nền đồn quan đàng cựu”, đối chiếu với bản đồ “Nam Ky - Soc trang 1889” khai thác từ thư viện số quốc gia Pháp Gallica BnF fr... chúng tôi suy đoán rằng: “Phải chăng Đạo Trấn Di xưa thủ sở chính là đây”? Đạo, một đồn binh bảo vệ trị an - lớn hơn “tấn” là đồn nhỏ đóng ở cửa sông, lớn hơn “thủ” là đồn binh kiểm soát cảng khẩu buôn bán. Trấn Di Đạo xưa từng đặt ở đây hẳn không phải là không hợp lẽ?
Loanh quanh theo những bờ cơi, bờ cơm nếp, bờ đê… mát rượi, chúng tôi gặp được ông Lâm Văn Bul năm nay đã “vô hàng tám” ở An Thạnh 2 qua cù lao từ “thời chín năm”. Ông Bul kể: “Đất vùng này hồi đó của “địa chủ Văn”, ông bà già qua đây chọn một khoảnh chưa ai khai phá rồi đắp nền, cất nhà, be bờ làm lúa. Mình khai phá xong thì có chủ đất đo rồi mình đóng tô. Cứ 1 công 1 giạ tính tới. Tới hồi “gần tiếp thu” mà rừng lá, rừng bần khúc này còn mịt mù. Đất cao thì làm rẫy, khoai lang, khoai mì, củ sắn…”.
Một vị có thể xem là “tiền bối” ở Cù Lao Dung là ông Ba Ngọ (Dương Văn Ngọ), là cháu nội của ông Hội đồng Kế - cha của ông chủ điền Mai Phát Văn. Ông nhắc chuyện xưa rành mạch: “Ông Hội đồng Kế là ông hội đồng bên Đại Ngãi. Nói như bây giờ là kể như “có làm việc nhà nước” nên rành chuyện giấy tờ khẩn hoang. Đất bên nầy chưa ai đăng khẩn thì ổng nộp đơn xin khẩn “từ mí con rạch đó tới con rạch dưới này” rồi đóng thuế cho nhà nước. Dân cố cựu ở đây hồi đó ít xịt hà. Đa số ở ngoài mé sông cái là dân Vĩnh Bình, Trà Cú (Trà Vinh) qua vì ở bển đất ruộng cũng có điền chủ rồi. Qua đây khẩn thì còn có thêm hoa lợi từ lá, từ củi. Đất khẩn mới thuế nhẹ nên dễ sống hơn. Hồi xưa, ông nội tui khẩn đất này nhiều nhưng đâu có ai coi? Hổng có trình độ để đo đất, vô sổ tính toán? Có tiền thì mướn!? Mướn một “thằng người Pháp - vợ đầm”. Cất nhà sàn cao, vách bổ kho, ván lót dày cho nó ở. Hồi đó còn cọp nên ra thêm một cây súng hai nòng. Tới mùa thì nó có cái kiệu, tá điền mười mấy hai chục người chia nhau khiêng đi đo đất, thu lúa... Hồi đó, lúa tô 1 công 1 giạ. Vùng đất này hồi xưa trũng, thấp lắm. Con rạch thì hai ghe chài chở lúa đi ngược nhau thoải mái chớ hổng “chút éc” như bây giờ”.
Cây trái vẫn xanh mướt giữa “mặn - ngọt xoay tua”
Trấn ngay 2 cửa sông lớn đổ ra biển của dòng Hậu Giang: Trần Đề, Định An (xưa có thêm cửa Ba Sắc) nên tứ bề là nước với hai con nước lớn - ròng, thi thoảng thêm “con nước ương” nên cư dân ở đây xưa nay đã quá quen với thời khắc lên - xuống của con nước để cơi bao, đắp bờ mở đất canh tác. Khu vực đầu cù lao chiếm trọn xã An Thạnh 1, vườn cây ăn trái đã phủ khắp với nào nhãn, chôm chôm, dừa... Dọc xuống thì vườn đan xen rẫy mía, rẫy màu rồi sau này là vuông tôm... Nước ngoài sông, trong rạch hay trên kênh ở xứ này cứ xoay tua: “nước lớn thì măn mẳn còn nước ròng thì trở ngọt”. Cũng bởi đặc thù này mà vườn nào, ruộng nào, rẫy nào cũng đều có hệ thống mương, bọng để tích nước và điều tiết nước để chủ động việc tưới tiêu. Chỉ quãng hai mươi năm trước thì “mía Cù Lao Dung” nức tiếng cả về sản lượng và chữ đường nhưng nay thì đang “lụi dần”. Nhưng từ năm 2000 đến nay thì chuyển qua bỏ mía lên vườn với đủ thứ cây trái theo phong trào “trồng - chặt”?! Đất cù lao cây lên nhanh, mau cho trái nên chỉ cần “ăn 2 - 3 mùa” là lại đủ vốn để “chạy theo kinh tế thị trường”?!
Tác giả (bìa phải) và ông Sáu Phương bên gốc nhãn long với “5 tay” là 5 giống nhãn khác nhau.
Hẳn có cơ duyên nên tôi đã lần đến được vườn của ông Sáu Phương (Lê Thành Phương, 66 tuổi) ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung. Ông vốn dân Chợ Lách (Bến Tre). “Đời binh nghiệp khiến ông gặp bà ở đất cù lao” và sau khi xuất ngũ về lập nghiệp nơi đây những năm 90 của thế kỷ trước. Với hơn 20 công đất, ông chia khu trồng 3 loại cây với mục tiêu là “lấy ngắn nuôi dài - mùa nào cũng có thứ để bán”. Đó là mía, dừa và nhãn là cây chủ lực. Bao quanh sân nhà là nhãn và những thùng ong mật…
Ông hào hứng kể cùng chúng tôi: “Lúc vườn nhãn vừa cho thu hoạch thì giá nhãn trên thị trường cao lắm! Cứ 1 cần xé đầy là kể như mình bỏ túi 2 chỉ vàng”. Mía giá lên - giá xuống tác động rất ít đến huê lợi của Sáu Phương vì vẫn còn những nguồn huê lợi khác bổ sung. Sau năm 2000, ông có thêm huê lợi từ mật ong. Ban đầu là 50 thùng rồi tăng dần lên tới hơn 100. Máy lọc, hệ thống vệ sinh, đóng chai ông cũng sắm đủ để ra sản phẩm với nhãn hiệu của riêng mình. Có năm sản lượng mật ông thu về là hơn 5 tấn!
Ông bật mí kinh nghiệm trồng cây ở vùng đất cửa sông này: “Miễn đừng để cây giống “sốc mặn” là rồi cây sẽ thích nghi dần với đất, với nước?! Nhìn nước lên để tính ngưỡng ngập nước cao. Nhìn đất của mình để tính mô cao, rộng để đặt giống. Mặt liếp sẽ nâng dần khi sên mương sẽ kéo rễ cây phát triển rộng và ít đi sâu. Có hạn - mặn ngoài rạch năm mười bữa - nửa tháng cũng đừng vội tưới. Cứ đóng bọng cho kỹ để giữ nước ẩm chân đất. Gấp tưới coi chừng “sốc mặn” kể như bỏ luôn?! Tới khi cây ra tán mạnh thì cũng kể như cây đã “quen với mặn” vậy”?!
Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm của nhà nông xứ này khi dọc suốt tuyến “đường trục cù lao” xuống An Thạnh Nam không ít những vườn xoài tứ quý, xoài Đài Loan, mít Thái rồi cả thanh long xanh tốt và đang cho trái xum xuê.
Chuyện xưa “chữ - nghĩa”
Địa danh Cù Lao Dung (Hổ Châu) được ghi trong Đại Nam thực lục chính biên, Kỷ thứ nhất - Đời Gia Long (Nguyễn Phước Ánh): Năm Đinh mùi thứ 8 - 1787 - “Vua trú ở Hổ Châu, thu họp tướng sĩ hơn 300 người, chiến thuyền hơn 20 chiếc, sai Nguyễn Văn Tồn chiêu tập dân Phiên hai xứ Trà Vinh và Mân Thít được vài nghìn người, biên bổ làm lính, gọi là đồn Xiêm binh (năm Gia Long thứ 9 đổi làm đồn Uy Viễn), cho Tồn làm Thuộc nội cai đội để cai quản”.
Chữ “Châu” (州) - bộ xuyên với 6 nét là chữ vừa tượng hình, vừa hội ý. Theo Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, Nhà xuất bản Khai Trí năm 1975, chữ “Châu” là “vùng đất lớn nổi lên giữa sông biển, có thể cư ngụ được, tên đơn vị hành chính thời trước”. “Hổ” - ngoài nghĩa là cọp, là hổ thì còn là từ dùng để hình dạng của một vật, một hình dạng có kiểu hình của con hổ. Từ điển Thiều Chửu giảng về chữ này như sau: “Vật gì hình như cái mồm hếch về một bên đều gọi là hổ. Như chỗ khe ngón tay cái với ngón tay trỏ gọi là hổ khẩu. Vì thế nên bấm đốt tay tính số gọi là nhất hổ. Lối đánh cờ ba quân đứng ba góc cũng gọi là hổ”. Xem bản đồ xưa - nay hẳn thấy ngay Cù Lao Dung nào khác bàn tay xòe với “hổ khẩu là cửa Ba Sắc” (nay là Vàm Hồ lớn - Vàm Hồ nhỏ)?!
Rồi “Huỳnh Dung Châu”. Chữ Dung - 10 nét, bộ thủy ngoài những nghĩa phổ thông là: tan ra, hòa tan, lưu thông thì còn có nghĩa khác là hòa lẫn, rộng rãi, bao la, mênh mông. Từ điển Nguyễn Quốc Hùng có chú giải “Dáng nước mênh mông”. Còn hiện tại thì cả Cù Lao Dung có tới hơn 260 con rạch, con kênh, con sông xuôi ra biển, cắt ngang, xẻ dọc cù lao này. Chỉ riêng những địa danh, tên gọi sự vật, hiện tượng ở đây cũng đem đến cho du khách sự tò mò với nào là: khém lớn, khém sâu, bờ đê, bờ bao, bờ câu, bờ cơm nếp, nước lớn, nước ròng, nước ương, nước rong, nước giựt...
Giữa mênh mang sóng nước, Cù Lao Dung có đủ 3 vùng sinh thái tự nhiên: vùng ngọt, vùng lợ và mặn. Ngoài cây trái thì đặc sản của xứ này nhất định phải kể đến là “mật ong hoa bần” với màu xanh nhạt, ngọt dịu và có vị hơi chua chua. Hiện tại dù vẫn còn “đò ngang cách trở” nhưng không bao lâu nữa khi cầu Đại Ngãi hoàn tất thì Cù Lao Dung khi ấy hẳn sẽ trở mình để thành “đảo ngọc” cuối dòng sông Hậu. Nhưng dù đến khi ấy thì tôi vẫn tin chắc rằng khi “Về An Thạnh” người ta vẫn nhớ da diết: “Màu nắng tươi tiếng cười trẻ thơ. Màu nắng tươi môi chị rạng rỡ. Dòng sông trôi như lụa mượt mà dâng đời phù sa. Cơn gió mùa xuân đưa đò em qua bến. Đi chưa về sao đã nhớ… An Thạnh ơi”.
Theo CAO LONG (Báo Sóc Trăng)