Đặc sắc nghề trồng trầu

13/02/2020 - 08:07

Với truyền thống lâu đời, mang lại bản sắc văn hóa đặc trưng cho cộng đồng và tạo nguồn thu nhập hấp dẫn cho người dân nên nghề trồng trầu ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, vừa được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống của địa phương.

Hình ảnh nụ cười của người phụ nữ bên vườn trầu rất dễ bắt gặp khi về các vùng quê xã Vị Thủy hôm nay.         

Giữ hồn quê

 Nhắc đến vùng quê xã Vị Thủy thì người ta nghĩ ngay đến một sản phẩm rất đặc trưng nơi đây, đó chính là những vườn trầu tươi tốt có mặt ở khắp mọi nhà, nhất là tại ấp 5. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề trồng trầu ở xã Vị Thủy vẫn giữ được hồn quê. Bởi, đối với người dân nơi đây, cây trầu chính là một phần trong đời sống văn hóa thường ngày. Tuy nhiên, khi hỏi về thời gian cây trầu bắt đầu bén rễ nơi đây thì chính những cụ ông, cụ bà cũng không nhớ kỹ là đã có từ lúc nào mà chỉ biết từ rất lâu rồi.

Bà Tư Lý (gần 80 tuổi), người có thâm niên trồng trầu ở ấp 5, xã Vị Thủy, kể rằng: “Nghe mẹ tôi nói (bà Năm Bỉnh), lúc bà về làm dâu tại làng quê xã Vị Thủy thì cây trầu đã được trồng trước đó. Lúc này, việc trồng trầu chỉ để sử dụng cho gia đình và cúng kiến trong các ngày trọng đại nên không phổ biến như bây giờ. Sau nhiều năm trồng, trải qua bao thế hệ, cây trầu dần gắn bó với người dân, đồng thời số người trồng trầu ngày một tăng”.

Hiện nay, lá trầu mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho người trồng như câu nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Theo đó, khi mà bánh, trà còn có thể thiếu thì lòng mến khách được thể hiện ở lá trầu tiếp đãi những vị khách quý phương xa. Ngoài ra, người trồng trầu còn ví lá trầu thể hiện sự đảm đang của người phụ nữ, của tình yêu lứa đôi bằng cách mượn hình ảnh cây trầu để thể hiện qua những vần thơ như: “Anh về cuốc đất trồng cau/ Cho em vun vén dây trầu một bên/ Chừng nào trầu nọ bén lên/ Cau kia bén trái lập nên cửa nhà”.

Chính sự ví von trên, cây trầu dần trở thành nét văn hóa tượng trưng cho sự chung thủy của lá trầu, buồng cau trong hôn lễ được giữ nguyên qua bao thế hệ. Theo đó, mâm cưới ngoài trà, rượu... thì mâm trầu, cau không thể thiếu. Buồng cau đầy đặn xung quanh là lá trầu vàng thể hiện sự chung thủy, sắc son và con cháu gia đình đông vui.

Tạo thu nhập hấp dẫn

Ngoài giữ hồn quê, nghề trồng trầu còn mang lại nguồn thu nhập tương đối hấp dẫn cho người dân và đang trở thành cây trồng thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ ở địa phương. Đang chăm sóc lại gần 1.000 nọc trầu sau khi vừa thu hoạch trong dịp tết, bà Lê Thị Hằng, ở ấp 5, xã Vị Thủy, thông tin: “Cứ cách nhau từ 12-15 ngày là hái lá trầu bán một lần. Đợt nào trúng thì 1.000 nọc trầu có thể hái được từ 3.000-4.000 lá trầu. Giá trầu những ngày bình thường dao động từ 3.000-4.000 đồng/ốp (một ốp 40 lá), còn vào dịp tết thì giá tăng gấp đôi, gấp ba lần. Riêng tết năm nay, tôi bán được gần 1.000 ốp trầu, giá 7.000 đồng/ốp, cho nguồn thu nhập gần 6 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.

Hiện tại, diện tích trồng trầu của toàn xã Vị Thủy là 32,5ha, với khoảng 200 hộ trồng. Do đó, về làng quê xã Vị Thủy hôm nay sẽ dễ dàng bắt gặp nụ cười của người con gái hái trầu, những người phụ nữ cùng ngồi quanh đống trầu để xếp lá, phân loại. Sau đó, đếm cho thương lái chở đi những nơi xa để tiêu thụ như: Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, An Giang..., hay xuất khẩu sang một số nước bạn như Campuchia, Đài Loan... Chính nghề trồng trầu không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho chủ hộ mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân từ việc chăm sóc, hái và xếp lá trầu là 80.000-100.000 đồng/ngày, riêng có người đạt 150.000-200.000 đồng/ngày.

Hiện tại, xã Vị Thủy cũng thành lập được Câu lạc bộ (CLB) trồng trầu ở ấp 5. Qua đây, nhằm tập hợp người dân lại với nhau để thuận tiện trong việc chia sẻ kinh nghiệm trồng trầu, cũng như hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật mới trong việc xử lý một số bệnh thường gặp, đồng thời liên kết để tạo ra số lượng sản phẩm nhiều, từ đó thuận lợi trong việc tiêu thụ. Chia sẻ kinh nghiệm trồng trầu của bản thân, ông Lê Văn Đời, Chủ nhiệm CLB trồng trầu ở ấp 5, cho biết: “Nghề trồng trầu vừa khó nhưng lại dễ. Khó đối với người không bền bỉ, thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Còn dễ là đối với những người cần cù và biết được “tính cách” của cây trầu. Theo đó, khi thấy thời tiết nắng nóng hoặc gió nhiều thì làm giàn che bóng mát, che gió và kết hợp với tưới nước, bón phân thì cây trầu sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, phải thường xuyên buộc lươn trầu (đọt trầu) vào thân nọc để không bị gãy. Đặc biệt, tuyệt đối không được sử dụng thuốc hóa học trên lá trầu nên rất an toàn cho người sử dụng”.

Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho biết: Tới đây, địa phương cố gắng xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống trồng trầu đã được UBND tỉnh công nhận. Qua đây, tạo thị trường đầu ra ổn định, tăng giá trị và nguồn thu nhập cho người dân. Đồng thời, địa phương tiếp tục vận động người dân nhân rộng diện tích cho làng nghề truyền thống trồng trầu, nhất là đối với hộ có đất canh tác ít thì trồng trầu được xem là mô hình thoát nghèo bền vững.

Cây trầu đã chọn vùng quê xã Vị Thủy làm nơi bén rễ và đang “nở hoa” trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Từ nghề trồng trầu mà chính người dân xã Vị Thủy đã góp phần gìn giữ một nét văn hóa dân tộc đặc sắc, bình dị cho sự thủy chung son sắc. Đúng như cái vị khi ăn vào thì cay nồng được toát ra nhưng rồi từ từ vị cay đó trở nên vị ấm bờ môi, vị thơm ngọt của lá trầu...

Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)