Đến "Nhà của mây” trên núi Cấm

16/09/2020 - 08:29

 - Là điểm check-in mới trên núi Cấm (An Giang), “Nhà của mây” khá thích hợp để các bạn trẻ và những người yêu thích thiên nhiên trải nghiệm cảm giác yên bình, se lạnh của núi Cấm về đêm. Bên cạnh đó, bạn có thể tận hưởng không khí trong lành của những buổi sáng đầy mây trên đỉnh núi cao nhất miền Tây.

Men theo những con đường bê-tông bò ngoằn ngoèo dưới tán lá rừng, tôi và người bạn tìm đến điểm check-in mới trên núi Cấm được nhiều người yêu thích: “Nhà của mây”. Thực tế, “Nhà của mây” là mô hình du lịch homestay với việc gia chủ cung cấp cho du khách những trải nghiệm gần gũi, chân thực và sinh động về một núi Cấm hiền hòa, trong lành và tĩnh lặng.

Là người mạnh dạn thực hiện ý tưởng hình thành điểm check-in "Nhà của mây", chị Dương Thị Cẩm Vân chia sẻ: “Tôi lớn lên trên núi Cấm nên hiểu rất rõ những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Tôi nghĩ, nếu chỉ để du khách lên núi viếng chùa, ăn bánh xèo rồi trở xuống thì rất tiếc. Do đó, tôi quyết định phát triển mô hình homestay để du khách có thể trải nghiệm cảm giác nghỉ trên núi Cấm về đêm và sống chan hòa cùng thiên nhiên. Lúc đầu, tôi chỉ định xây dựng căn chòi để làm nơi nghỉ ngơi cho mình. Sau khi đưa hình ảnh lên mạng xã hội, nhiều người đã liên hệ để được check-in Nhà của mây”.

Góc nhìn từ “Nhà của mây” trong những ngày nắng đẹp

Với việc sử dụng nguyên liệu có sẵn trên núi như: tre, lá để xây dựng những căn chòi mang hơi hướng của Đà Lạt mộng mơ, chị Vân muốn gửi đến mọi người thông điệp hãy sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ. Đặc biệt, “Nhà của mây” sở hữu góc nhìn rất đẹp xuống cánh đồng Chi Lăng dưới chân núi với những mảng màu đối lập. Chị Vân thông tin, về đêm cảnh vật sẽ còn lung linh hơn khi thị trấn lên đèn lấp lánh. Những đêm có trăng, khung cảnh sẽ còn huyền ảo hơn.

Khi được hỏi lý do lấy tên điểm homestay của mình là “Nhà của mây”, chị Vân cười: “Tôi tên là Vân. Chữ hán có nghĩa là mây. Vì vậy, tôi cách điệu thành tên “Nhà của mây” cho có chất thơ một chút! Hơn nữa, mọi người có thể ngắm mây từ căn chòi này vào những ngày mưa giữa khung cảnh tĩnh lặng, yên bình. Thời điểm “Nhà của mây” bắt đầu đón khách đến giờ, nhiều bạn đã khen nơi này rất đáng trải nghiệm. Bản thân tôi rất vui vì mình đã góp một phần nhỏ vào việc phát triển du lịch địa phương”.

Tác giả đến thăm “Nhà của mây”

Thời điểm tôi đến “Nhà của mây”, núi Cấm đang lất phất mưa. Mấy hạt mưa rừng từ không gian rơi xuống, đậu trên mái lá nghe hiền hòa đến lạ. Màn mưa giăng giăng, phủ mờ cánh đồng Chi Lăng mang theo một chút buồn sắt se nhưng nhẹ nhàng của núi Cấm. Chị Vân khéo léo treo mấy chiếc chuông gió, vài chậu lan trước căn chòi để du khách ngắm cho đẹp mắt.

Có thể nói, mọi thứ ở “Nhà của mây” chỉ gói gọn trong mấy từ “bình dị” và “nên thơ”! Trong những sáng bình minh, “Nhà của mây” sở hữu góc nhìn ấn tượng cho ngày mới. Khi những sợi nắng tinh khôi len qua lá rừng đáp vào gương mặt, bạn sẽ cảm thấy thiên nhiên ở đây thật đẹp. Nhiều bạn trẻ đến đây cũng chỉ để trải nghiệm cảm giác hòa mình với thiên nhiên trong những buổi bình minh ngập nắng.

Bên cạnh việc nghỉ ngơi, chị Vân sẽ cung cấp các dịch vụ ăn uống hợp lý cho du khách. Thông thường, khách sẽ đi thành từng nhóm, từng đoàn và có đặt thức ăn trước. Du khách có thể đặt trước một số món đặc sản núi Cấm như: cua núi, ốc núi, các loại nấm rừng. Nếu khách có trang bị thức ăn, chị sẽ cung cấp bếp nấu để mọi người tự chế biến. Đặc biệt, gia chủ còn dành riêng một khoảng sân để du khách tổ chức hoạt động dã ngoại ngoài trời. Theo phản hồi của du khách, họ cảm thấy thú vị với việc trải nghiệm cái se lạnh của núi Cấm về đêm, cùng ngồi bên ngọn lửa thưởng thức các món ăn đặc sản và cảm nhận sự bình yên của thiên nhiên.

Chia tay “Nhà của mây”, tôi có chút luyến tiếc vì không thể ở lại nơi này lâu hơn. Thực tế, chị Vân đã tiên phong trong việc đa dạng hóa các loại hình du lịch trên núi Cấm, điều mà ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thời gian qua. Do đó, cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương để mở rộng loại hình du lịch này, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ!

THANH TIẾN