Đi vỏ lãi khám phá rừng Cà Mau

13/12/2022 - 11:00

Rừng ngập mặn Cà Mau có hệ sinh thái độc đáo và đa dạng, đứng thứ 2 trên thế giới. Còn rừng ngập ngọt là khu vực rừng tràm U Minh Hạ, với nhiều cảnh quan đặc sắc, có bầu không khí trong lành, mát mẻ.

Vị trí đắc địa của rừng ngập mặn Mũi Cà Mau

Nằm cách trung tâm TP Cà Mau hơn 100 km, Mũi Cà Mau là một mũi đất nằm ở phía nam của Tổ quốc, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Đây là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam. Mũi Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú, là một địa điểm rất thiêng liêng, mang đậm nét văn hóa miền Tây sông nước, gần gũi mà trữ tình.

Khách du lịch đi trải nghiệm thực tế trên chiếc vỏ lãi vào rừng đước, ra bãi bồi, trồng cây bảo vệ rừng tại khu vực rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển).

Khách du lịch đi trải nghiệm thực tế trên chiếc vỏ lãi vào rừng đước, ra bãi bồi, trồng cây bảo vệ rừng tại khu vực rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển).

Du khách dừng chân tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành trên bãi bồi của rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển).

Du khách dừng chân tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành trên bãi bồi của rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển).

Du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, du khách có cơ hội đắm chìm vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, quan sát và tìm hiểu những loài sinh vật sống dưới tán rừng. Bãi bồi Đất Mũi là nơi dừng chân lý tưởng để du khách nhìn những đàn chim di trú, quan sát thế giới sinh vật sinh động, ngắm nhìn cánh rừng đước bạt ngàn, trải nghiệm cuộc sống của người dân Đất Mũi.

Trong đó, rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau tập trung ở các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân và Ngọc Hiển. Khu vực này nằm trong mối tương tác giữa đất liền với biển và là sinh quan cảnh quan trọng, quý giá.

Nơi đây phổ biến là rừng cây đước, mắm, xanh bạt ngàn với bộ rễ đặc biệt mọc nhô khỏi mặt nước, quy mô đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau rừng Amazon ở Nam Mỹ. Khu vực này bao gồm một thảm thực vật và động vật rất phong phú và đa dạng, với các loài như đước, mắm, vẹt, dương xỉ, dây leo, chim, khỉ, cua, tôm, vọp, ba khía…

Ông Nguyễn Minh Hải – Phó Trưởng BQL Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, chia sẻ: “Đến với du lịch rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, du khách sẽ được tự mình trải nghiệm đi vỏ lãi xuyên rừng, ra bãi bồi “trầm mình” xuống trồng những cây mắm, cây đước bảo vệ môi trường; đi theo sống cùng nhà dân trên những căn nhà sàn gỗ; ban đêm đi xổ cống vuông tôm, ăn vọp rừng nướng… Du khách cũng được tận hưởng kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ cùng gia đình, với một bên biển xanh và một bên rừng đước xanh bạt ngàn. Du lịch cộng đồng từ rừng ngập mặn nơi đây đầy tiềm năng, mang đến cho du khách sự thân thiện, gần gũi”.

Chị Lâm Phương Dung (khách du lịch ở TP Dĩ An, Bình Dương), bộc bạch: “Gia đình tôi rất vui khi đến Cà Mau, được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành của rừng đước và được ăn những món ăn đồng quê chất lượng. Đặc biệt là cho con mình biết Cà Mau là tỉnh cuối cùng cực Nam của đất nước”.

Trải nghiệm thú vị rừng ngập ngọt U Minh Hạ

Du khách tự tay đặt lợp. Cá đồng bắt được sẽ chế biến thành món ăn đặc trưng của vùng rừng tràm.

Du khách tự tay đặt lợp. Cá đồng bắt được sẽ chế biến thành món ăn đặc trưng của vùng rừng tràm.

Ông Hồ Tương Lai - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết, hiện trên địa bàn xã có 2 điểm du lịch cộng đồng Xanh gồm: Khu du lịch sinh thái tại ấp 17, thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty lâm nghiệp U Minh); Khu du lịch “Vườn chim 5 Quốc” tại ấp 12. Đồng thời, xã tiếp tục đầu tư khai thác điểm du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái tại ấp 18 - Nông trại cam 3 Tình.

Riêng Khu du lịch sinh thái tại ấp 17, thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ trong năm 2022 đón tổng lượt khách 3.291/4.000 lượt, đạt 82,3% so với Nghị quyết. Tổng Doanh thu 327,791 triệu đồng/300 triệu đồng, đạt 109% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Ngoài ra, thực hiện Đề án sản phẩm OCOP, xã tiếp tục quy hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm, hứa hẹn mang đến nhiều loại hình du lịch trong tương lai.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên lượng khách không ổn định, chủ yếu du khách đến vào dịp mở vườn trái cây hoặc Lễ, Tết và mùa thu hoạch mật ong rừng, mỗi ngày có 300 - 500 khách, trung bình khoảng 20-30 lượt khách tham quan trong ngày. Hiện tại khu du lịch sinh thái 5 Quốc đang chỉnh trang, chuẩn bị đón khách Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

"Các điểm du lịch trên địa bàn xã sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận nói.

Du khách tham quan, trải nghiệm xuyên rừng bằng vỏ lãi tại khu Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).

Du khách tham quan, trải nghiệm xuyên rừng bằng vỏ lãi tại khu Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).

Rừng ngập ngọt Cà Mau được hình thành trên lớp đất than bùn đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được. Với lợi thế cây tràm, bông tràm, rừng U Minh Hạ có được đặc sản mật ong tự nhiên “sánh vàng”, thơm ngon nhiều chất dinh dưỡng.

Anh Phạm Quốc Huỳnh (ngụ khóm 5, phường 9, TP Cà Mau) chia sẻ: “Đến rừng ngập ngọt Cà Mau trải nghiệm cách ăn ong, tự tay đặt lợp rất thú vị. Khi bắt được cá đồng, mình được hướng dẫn chế biến thành món ăn đặc trưng của vùng rừng tràm. Qua đây, mình giáo dục cho con cái biết về truyền thống, phong tục địa phương. Trẻ em được trải nghiệm thực tiễn khi quan sát khỉ, gấu, đà điểu…, những con vật quý hiếm mà trước đó các cháu chỉ nhìn thấy trên sách vở”.

Ông Trần Ngọc Thảo - Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty lâm nghiệp U Minh), cho biết: “Đến với rừng ngập ngọt U Minh Hạ, du khách có thể đi bộ xuyên rừng hoặc xuống vỏ lãi trải nghiệm đặt lợp bắt cá đồng, đặt trúm bắt lươn, tham quan khu rừng đặc dụng được bảo tồn nguyên sinh hít thở bầu không khí mát mẻ… Ngoài ra, du khách còn trải nghiệm ngồi trên chiếc phà tại khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc Ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh). Đặc biệt, dunhững căn chòi thủy tạ được thiết kế trên những con kênh, có chòi thì len lỏi trong những tán rừng tràm để thưởng thức những món ăn dân dã như đọt choại luộc, mắm cá lóc kho, mắm ong, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ ăn với đọt choại xào, lươn nấu canh chua trái giác, rắn hổ hành nấu cháo, gỏi nhộng ong non… mang đậm phong cách thuở khai hoang mở cõi”.

Theo TRỌNG NGHĨA - LÊ DIỄM (Pháp luật Việt Nam)