Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại cồn Sơn.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Cần Thơ có 3 địa phương có tiềm năng và phát triển loại hình du lịch cộng đồng là quận Bình Thủy, Thốt Nốt và huyện Phong Ðiền. Trong đó, cồn Sơn (Bình Thủy) và cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt) bước đầu phát triển mô hình du lịch cộng đồng khá rõ nét. Riêng Phong Ðiền vẫn còn dàn trải và thiếu tính liên kết.
Du lịch cộng đồng cồn Sơn được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2015, trên cơ sở phát huy thế mạnh vườn cây ăn trái và văn hóa bản địa. Ban đầu, người dân tự liên kết để làm du lịch theo hình thức mỗi nhà góp một sản phẩm hay dịch vụ; từ đó sản phẩm ở đây dần hình thành được chuỗi liên kết, đáp ứng nhu cầu của thị trường, du khách và các đơn vị lữ hành. Sản phẩm du lịch cộng đồng cồn Sơn đa dạng và có nhiều tính trải nghiệm, mang nét đặc trưng riêng: mâm cơm cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống bản địa, các đặc sản cá bay, massage cá…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại đây còn nhiều bất cập do cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nguồn nhân lực du lịch chủ yếu là người trong gia đình, chưa qua đào tạo bài bản, nhất là các hướng dẫn viên tại điểm đến. Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, một hộ dân trong liên kết làm du lịch cộng đồng cồn Sơn, chia sẻ: “Nhờ hoạt động du lịch mà cuộc sống người dân đã có sự thay đổi theo hướng ổn định. Nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn về sự chênh nhau trong nhận thức của bà con, về các thủ tục pháp lý gắn với hoạt động du lịch. Ví dụ như bến tàu, lưu trú hay vấn đề xử lý rác”. Tính liên kết trong hoạt động du lịch cộng đồng là một yếu tố rất quan trọng để tạo được môi trường du lịch thân thiện và phát huy các tiềm năng và giá trị văn hóa bản địa. Tuy nhiên đây cũng là điểm gây vướng mắc trong các hoạt động du lịch cộng đồng; nhất là khi vấn đề lợi ích kinh tế phát sinh sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn. Thực trạng này đã từng xảy ra ở cồn Sơn, khiến các hoạt động du lịch tại đây dễ xảy ra tranh chấp và tiêu cực.
Ông Huỳnh Công Thống, chủ vườn nho thân gỗ, một hộ tham gia hoạt động du lịch cộng đồng ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt), cho biết thêm: “Thực tế, chúng tôi cũng có liên kết trong hoạt động du lịch, tuy nhiên kết nối này vẫn rời rạc. Hiện chúng tôi chỉ có 5-6 điểm là kết nối chặt chẽ, sản phẩm và dịch vụ vì thế cũng chưa đa dạng”. Mô hình du lịch cộng đồng tại cù lao Tân Lộc hình thành và phát triển sau cồn Sơn. Người dân làm du lịch tại đây có sự kết nối và quản lý của chính quyền địa phương ngay từ đầu, nên những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn ít xảy ra. Tuy nhiên, Tân Lộc lại gặp khó ở khâu liên kết, sản phẩm thiếu tính đa dạng và chưa đủ độc đáo để đáp ứng thị trường. Du lịch cộng đồng tại đây cũng rơi vào trình trạng chung là cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực chưa đảm bảo hoạt động du lịch và phục vụ du khách. Bên cạnh đó, vấn đề về giao thông và quy hoạch về các vườn cây ăn trái gắn với du lịch, hay kết nối thông tin quảng bá cũng là điều cần được quan tâm.
Phong Ðiền có tiềm năng và lợi thế về những vùng trồng cây ăn trái chuyên canh rộng lớn. Tuy nhiên, số hộ làm vườn tham gia hoạt động du lịch không nhiều, rải rác nhiều nơi, không có sự tập trung liên kết. Tại đây, hoạt động du lịch ở mỗi nhà vườn phần lớn là tự cung tự cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách trải nghiệm. Vì thế sản phẩm du lịch thường đơn điệu và trùng lắp, vẫn chưa phát huy được các thế mạnh về làng nghề, văn hóa bản địa.
Du lịch cộng đồng tại Cần Thơ được đánh giá là còn nhiều tiềm năng nhưng thực tế vẫn còn khó khăn về nhiều mặt. Các điểm du lịch cộng đồng chưa được quy hoạch, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo và an toàn, nhân lực còn yếu, không có mô hình điểm về tổ chức liên kết và quản lý, vẫn còn tự phát nên sản phẩm trùng lắp, rời rạc, chưa gắn kết thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch vì thế chưa khẳng định về thương hiệu và chất lượng, thiếu tính bền vững.
Tìm hướng định vị
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, du lịch cộng đồng Cần Thơ cần được sâu sát hơn trong đánh giá và khai thác tiềm năng. Ông Ðinh Hiếu Nghĩa, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, nhận định: “Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trong đó yếu tố văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi để tạo nên đặc trưng. Cụ thể như tại Phong Ðiền, mỗi vườn cây, con người đã đủ góp phần tạo sự độc đáo về văn hóa của vùng sông nước văn minh miệt vườn. Ðó là nguyên liệu quý trong hoạt động du lịch cộng đồng”. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ du lịch Hồng Hiếu, chia sẻ: “Làng nghề là nét nổi bật góp phần làm tạo sức hút cho hoạt động du lịch cộng đồng, nhưng chúng ta đang bỏ quên nguồn tài nguyên quý giá này. Trong quá trình khảo sát để xây dựng những tour tuyến, sản phẩm mới, chúng tôi phát hiện tại Phong Ðiền còn có làng nghề chằm nón và nghề đóng ghe. Vậy tại sao chúng ta không tìm cách để kết nối, tạo ra những trải nghiệm sản phẩm du lịch đa dạng hơn. Phong Ðiền vẫn còn một chợ nổi rất nhộn nhịp và nhiều tiềm năng khác về ẩm thực, văn hóa. Mỗi địa phương nên cân nhắc các thế mạnh riêng để có thể tạo ra những sản phẩm khác biệt”.
Vườn trái cây ở Phong Điền.
Từ những nhận định đúng về tiềm lực, du lịch cộng đồng Cần Thơ cần năng động hơn trong tiếp cận thị trường. Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, đánh giá: “Nếu nói về du lịch cộng đồng ở Cần Thơ thì cồn Sơn là nơi xây dựng sản phẩm, cũng như kết nối với các đơn vị lữ hành hiệu quả nhất. Người dân ở đây biết cách chủ động tìm đến chúng tôi và họ linh động đáp ứng thị trường. Như vậy để hoạt động du lịch cộng đồng các nơi khác hiệu quả, chúng tôi cần được cung cấp những sản phẩm thô trước, sau đó khảo sát và sẽ cùng ngồi lại với người dân trao đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Muốn bán được sản phẩm thì chúng ta phải đáp ứng phần nào thị hiếu của khách hàng”.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Phát triển du lịch cộng đồng tại Cần Thơ sẽ không đi theo mô hình chung mà tùy theo điều kiện tự nhiên, đặc trưng mỗi địa phương để xây dựng mô hình phù hợp. Trong đó, phải xác định rõ chủ thể hoạt động du lịch cộng đồng chính là người dân địa phương, bản sắc văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi. Chúng tôi sẽ khảo sát và định vị lại những khu vực tiềm năng về du lịch cộng đồng, từ đó sẽ có đề xuất xây dựng đề án du lịch phát triển cộng đồng cho Cần Thơ”.
Trên cơ sở này, ngành Du lịch các quận, huyện Bình Thủy, Thốt Nốt, Phong Ðiền rà soát lại các quy hoạch về phát triển du lịch của các địa phương, từ đó xây dựng các đề án, các chính sách phù hợp cho hoạt động du lịch cộng đồng. Ðồng thời, ngành Du lịch thành phố nhanh chóng kiến nghị và kết hợp các ngành, các cấp giải quyết những vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực hay xây dựng các sản phẩm du lịch, gìn giữ môi trường... để từng bước tạo các điều kiện cho du lịch cộng đồng phát triển, nhất là du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp.
Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)