NƠI SINH HOẠT TÍN NGƯỠNG
Di tích đình Mỹ Phong tọa lạc ấp Hội Gia (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), trong khu vực dân cư, cạnh Quốc lộ 50, nên đường đi đến di tích bằng phương tiện ô tô rất thuận lợi.
Theo các sắc phong của vua Thiệu Trị (năm 1845), vua Tự Đức (năm 1850) còn lưu giữ ở đình và theo các vị cao niên trong xã, đình Mỹ Phong được xây dựng vào thế kỷ XIX theo trục Đông - Tây, cửa đình hướng về phía Tây (hiện nay, do điều kiện đường sông không thuận lợi, đường bộ phát triển, cho nên cửa đình được mở về hướng Bắc để dễ dàng trong việc đi lại). Đình gồm có vỏ ca, chánh điện và nhà khói, được bố trí theo hình chữ tam. Vật liệu, kết cấu dùng để xây dựng đình chủ yếu là những vật liệu truyền thống: Gỗ, đá, gạch, tôn, chất liệu kết dính bằng xi măng. Nhìn chung, đình Mỹ Phong có bố cục xây dựng và chất liệu theo truyền thống đình Nam bộ. Hằng năm, đình tổ chức cúng lệ Kỳ yên (17-3 âm lịch) Hạ điền (17-5 âm lịch), Thượng điền (17-1 âm lịch) cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
VÀ LÀ CƠ SỞ CÁCH MẠNG
Đình Mỹ Phong còn là cơ sở cách mạng của địa phương qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Theo quyển “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Phong” và các vị lão thành cách mạng trong xã: Hưởng ứng phong trào Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, tại đình, Chi bộ xã Mỹ Phong đã tổ chức lãnh đạo quần chúng nổi dậy đánh trống, mõ, đắp chướng ngại vật ngăn cản giao thông, áp đảo tinh thần địch ở thị xã Mỹ Tho và kềm chân địch tại chỗ để các nơi tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8-1945, đình Mỹ Phong là trụ sở của tổ chức Thanh niên Tiền phong, đã tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân hoạt động cách mạng với hình thức công khai, như luyện tập võ nghệ, được trang bị gậy gộc, giáo mác để tổ chức canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng của xã.
Ngoài ra, đình còn được tổ chức Thanh niên Tiền phong dưới sự lãnh đạo của ông Ba Hiền, đã sử dụng đình làm cơ sở cho các hoạt động dạy học, cứu thương, được đông đảo các tầng lớp thanh niên hưởng ứng. Khi khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Chợ Gạo, Chi bộ xã Mỹ Phong đã nhanh chóng tập hợp các lực lượng, chủ yếu là lực lượng Thanh niên Tiền phong được trang bị tầm vông vạt nhọn, dao, mác tuần hành thị uy, nổi trống, mõ, tù và uy hiếp tinh thần, buộc bọn tề xã ở Gò Cát phải đầu hàng và phải nộp giấy tờ, tài liệu cho lực lượng cách mạng.
Năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Mỹ Tho. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không để cho địch trưng dụng ngôi đình làm đồn bót, nhân dân đã đốt cháy đình (chỉ còn đàn thần nông và 2 miếu thờ Bạch Mã Thái Giám và Ngũ Phương Thổ Công). Năm 1959 để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân trong làng đã góp công, góp của xây dựng lại đình.Năm 1960, phong trào Đồng Khởi diễn ra mạnh mẽ, lực lượng quần chúng ở các ấp của xã Mỹ Phong đã tập trung trước cửa đình để tiến ra thị xã Mỹ Tho biểu tình thị uy.
Đến năm 1968, đình Mỹ Phong được trưng dụng làm trạm y tế tiền phương của Tiểu đoàn 514, trực thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho (nay là Tỉnh đội Tiền Giang). Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), đình Mỹ Phong được trả lại chức năng như ban đầu, thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, thờ liệt sĩ và là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân trong xã. Năm 2012, đình Mỹ Phong được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo NGUYỄN MẠNH THẮNG (Báo Ấp Bắc)