Hộ nghèo tại xã Tân Công Sính được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã vận động hỗ trợ cất nhà đại đoàn kết, giúp ổn định cuộc sống
Giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, huyện Tam Nông tập trung thực hiện các vấn đề: chính sách tín dụng ưu đãi, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nhà ở. Cụ thể các vấn đề triển khai thực hiện, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện phối hợp với các địa phương rà soát, khảo sát tình hình đời sống của hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về y tế, giáo dục, bảo hiểm dành cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Tại các địa phương, UBND xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tổ chức các buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Đối với những hộ có nhu cầu vốn để chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương định hướng, giới thiệu cho người dân những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để áp dụng. Đồng thời phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xem xét, hỗ trợ cho người dân được vay vốn.
Các tổ chức chính trị - xã hội địa phương cũng phân công cán bộ phụ trách thường xuyên quan tâm, kèm cặp, động viên để các hộ vay vốn chí thú làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Với cách làm này, trong năm 2022 toàn huyện có có 409 hộ nghèo, 585 hộ cận nghèo, 533 hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi và được hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, năm 2022, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn quan tâm thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đối với công tác đào tạo nghề, toàn huyện mở được 21 lớp nghề phi nông nghiệp với các nghề: đan ghế nhựa, tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối, may công nghiệp, kỹ thuật chăm sóc móng và tóc... với 552 học viên tham gia. Sau học nghề, đa số các học viên có việc làm tại nhà, thu nhập bình quân từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày. Đồng thời mở 9 lớp nghề nông nghiệp với các nghề: kỹ thuật trồng mít theo hướng an toàn sinh học; sản xuất cây có múi theo hướng GAP; chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật nuôi lươn, kỹ thuật nuôi bò... giúp người dân có kiến thức, kỹ thuật thực hiện chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả hơn.
Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền đến người dân các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đưa trên 250 lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp để tìm kiếm cơ hội việc làm. Đồng thời phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, trong năm 2022, huyện đã giới thiệu việc làm cho hơn 2.890 lao động, đạt 144,60% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó có 148 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 148% chỉ tiêu huyện giao năm 2022 và đạt 157,45% chỉ tiêu tỉnh giao năm 2022, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện còn phối hợp vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà Đại đoàn kết cho người nghèo. Kết quả, năm 2022, toàn huyện đã cất mới 131 căn, sửa chữa 42 căn nhà Đại đoàn kết, với số tiền 5,577 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện còn duy trì các mô hình, hoạt động hỗ trợ góp phần tạo việc làm, thu nhập cho nhiều đoàn viên, hội viên, người dân tại địa phương. Điển hình như các cấp bộ Đoàn trong huyện đang duy trì 15 mô hình tổ hợp tác hoạt động hiệu quả như: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, Tổ hợp tác phun xịt lúa thanh niên... Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong huyện duy trì hoạt động hỗ trợ kiến thức, cây, con giống, vốn vay... giúp nhiều đoàn viên, hội viên, người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có việc làm, thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.
Với ý chí, nghị lực của bản thân cùng với sự hỗ trợ tích cực của địa phương đã giúp nhiều hộ nghèo hiện thực hóa được ước mơ thoát nghèo của gia đình và tiếp tục phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn. Đến nay, toàn huyện còn 799 hộ nghèo, 642 hộ cận nghèo. Huyện đang tập trung các biện pháp hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật, duy trì các mô hình, tổ hợp tác tạo việc làm cho người dân; huy động các nguồn lực chăm lo đời sống cho người dân nhằm giúp người dân vượt qua nghèo khó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nâng chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo Báo Đồng Tháp