Xã Mỹ Long có gần 100ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Tháng 8/2022, xã Mỹ Long là một trong những địa phương của huyện Cao Lãnh có gần 93ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây được xem là tín hiệu tích cực đánh dấu sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ của nhà vườn xã Mỹ Long trong việc thay đổi tập quán sản xuất, thích ứng với qui định gắt gao của các thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Văn Dũng - Bí thư chi bộ Ấp 3, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh và cũng là một trong những nhà vườn có diện tích canh tác sầu riêng lớn của xã Mỹ Long chia sẻ: “Hiện nay, phần lớn sản lượng sầu riêng của Việt Nam đều được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu lớn này đang có nhiều thay đổi về chính sách nhập khẩu hàng nông sản. Do đó, để có thể xuất khẩu bền vững thì bắt buộc người nông dân phải tuân thủ “luật chơi” của thị trường Trung Quốc. Trong đó, xây dựng và được cấp chứng nhận mã số vùng trồng, đảm bảo các qui định về kiểm dịch thực vật, đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19... là những tiêu chí bắt buộc nông dân cần phải thực hiện nghiêm nếu muốn xuất khẩu ổn định... Mặc dù, so với phương thức sản xuất truyền thống trước đây thì quy trình sản xuất hiện tại có nhiều quy tắc khó khăn hơn, nhưng không vì khó mà nông dân không làm. Tôi nghĩ rằng, thay vì ngồi đó than khó, lo lắng về tương lai thì ngay từ bây giờ phải tìm giải pháp để vượt khó”.
Suy nghĩ của ông Lê Văn Dũng cũng là suy nghĩ chung của nhiều nông dân trồng sầu riêng xã Mỹ Long hiện nay. Để chủ động đáp ứng các quy định của thị trường xuất khẩu, các nhà vườn trồng sầu riêng của xã Mỹ Long đã chủ động tham gia vào các tổ chức như: tổ hợp tác, hội quán, hợp tác xã... Thông qua các tổ chức này, nông dân được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, thị trường cũng như có cơ hội trong việc tiếp thị nông sản với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Chí Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Trước đây, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, việc tiêu thụ sầu riêng của nhà vườn thường rất bấp bênh. Tuy nhiên, sau khi được cấp mã số vùng trồng, việc tiêu thụ sầu riêng của bà con được thuận lợi hơn rất nhiều. Sầu riêng được sản xuất theo qui trình bài bản nên sản phẩm sầu riêng Mỹ Long đang được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm và kết nối thu mua”.
Mặc dù hiện nay toàn xã Mỹ Long đã có hơn 70% diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Song, cũng như nhiều địa phương khác, địa phương đang gặp khó khăn khi nông dân liên tục tăng “nóng” diện tích trồng sầu riêng. Vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng bị động về thị trường tiêu thụ khi sầu riêng vào vụ mùa, hiện ngành nông nghiệp của huyện Cao Lãnh và xã Mỹ Long đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập huấn kỹ thuật canh tác, hướng dẫn nhà vườn thực hiện rải vụ, tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục tham gia vào các tổ chức đoàn thể để có thêm nhiều cơ hội được cập nhật các kiến thức mới về sản xuất, thị trường, chế biến đối với sầu riêng...
Ông Nguyễn Văn Chí Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Long cho biết thêm, bên cạnh việc định hướng nông dân sản xuất đáp ứng thị trường xuất khẩu thì việc sản xuất đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sầu riêng Mỹ Long... nhằm phục vụ thị trường nội địa là một trong những giải pháp được xã đẩy mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh như hiện nay, xã Mỹ Long cũng định hướng xây dựng một trang website dành riêng cho việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thế mạnh của Mỹ Long để người tiêu dùng số có thể dễ dàng tiếp cận.
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)