Nghề làm lọp tép tại ấp Long Hội, xã Hòa Long, huyện Lai Vung mang lại thu nhập khá cho người dân
Về xã Hòa Long, huyện Lai Vung vào thời điểm này, dễ dàng nhận thấy không khí nhộn nhịp, hối hả của bà con làm nghề lọp tép. Những ngày này, những hộ sản xuất cũng nhận thêm nhiều lao động tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bà Thái Thị Tám ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long có thâm niên trong nghề làm lọp chia sẻ, bà con ở địa phương đã gắn bó với công việc này cách đây hơn 30 năm. Nghề đan lọp tép hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào khoảng cuối tháng 5 đến hết tháng 9 (âm lịch). Năm nay, con nước nổi về sớm nên việc sản xuất được khởi động sớm vì thương lái khắp nơi đặt hàng với số lượng tăng.
Vừa nhanh tay hoàn chỉnh lọp tép giao cho khách, bà Tám nói: “Năm nay, dù nhu cầu thị trường có tăng nhưng tôi cũng không “chạy” theo số lượng, vì chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm là tiêu chí hàng đầu trong hoạt động sản xuất. Nhờ vậy, những năm qua, sản phẩm của gia đình tôi luôn được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện nay, thương lái đặt hàng mỗi đợt hơn 3.000 cái lọp. Chúng tôi cố gắng làm hết công suất nhưng không đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Giá bán mỗi chiếc lọp tép là 13.500 đồng, không tăng so với năm trước, thị trường chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.
Đối với nghề làm lưới cá ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung và xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò thì ngay từ những ngày đầu tháng 6 (âm lịch), khi mùa nước nổi bắt đầu về, thương lái từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến đây đặt và mua hàng, phục vụ cho việc đánh bắt trong mùa nước nổi. Số lượng các đơn hàng từ vài trăm đến vài ngàn sản phẩm lưới. Điều này đã tạo nên sự phấn khởi cho bà con, khi những năm qua, mặt hàng này gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Làng nghề làm lưới cá đang vào mùa sản xuất mạnh
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung, năm nay, con nước về sớm, tình hình mua, bán mặt hàng lưới cá khởi sắc hơn rất nhiều. “Gần đây thương lái đến đặt mua hàng với số lượng lớn, chúng tôi phải tăng ca sản xuất để cung cấp. Mỗi ngày, cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 300 - 400 tay lưới (mỗi tay lưới từ 80 - 100m). Hiện nay, lưới 1 màng giăng cá rô, cá linh được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và tỉnh như: Tiền Giang, Long An, Bến Tre...” - ông Thanh thông tin.
Còn ông Lê Hữu Phước ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò cho biết: “Để đảm bảo phục vụ thị trường, tôi và các thành viên trong gia đình đều tranh thủ dậy sớm chuẩn bị vật tư sản xuất lưới. Những ngày qua, sức mua các loại chài, lưới tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thị trường tiêu thụ khá nên tôi thuê thêm khoảng 20 lao động để kịp sản xuất”.
Qua khảo sát, giá các mặt hàng vẫn giữ mức bình ổn so với các năm trước. Cụ thể, lưới mùng có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg; lưới cao cấp 100.000 - 110.000 đồng/kg; lưới 1 màn loại thường 150.000 - 180.000 đồng/tay; lưới 3 màn 200.000T đồng/tay; lưới Thái 300.000 - 350.000 đồng/tay; lú 80.000 - 300.000 đồng/sản phẩm; chài 260.000 - 450.000 đồng/sản phẩm (tùy loại)...
Việc đan lưới cũng tạo thêm thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Ông Huỳnh Thanh Bình ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Tôi làm nghề gia công lưới hơn 5 năm. Thời điểm này, do hàng bán được nhiều nên tôi phải dậy sớm để đến làm việc cho kịp đơn hàng, từ đó thu nhập cũng tăng. Hiện, mỗi người lao động được trả công từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày”.
Theo NHẬT NAM (Báo Đồng Tháp)