Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ ở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long
Với thế mạnh về diện tích đất nông nghiệp (đứng thứ 3 toàn tỉnh), năm 2014, Tam Nông được tỉnh chọn triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với ngành hàng lúa gạo”. Qua thời gian triển khai thực hiện, nông nghiệp nông thôn huyện Tam Nông đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng gia tăng chuỗi giá trị.
Là một trong những hợp tác xã (HTX) đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, thời gian qua, với nhiều cách làm hay, Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long giúp cho nhiều xã viên tăng lợi nhuận và thu nhập đáng kể trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.
Ông Mai Thanh Liêm - Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thọ cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lợi nhuận nhiều hơn trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất là vấn đề được nông dân rất quan tâm. Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, thời gian qua, HTX tổ chức sản xuất nhiều mô hình sản xuất mới như: sản xuất lúa hữu cơ sinh học, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP... Các mô hình này giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, giá trị hạt gạo được tăng lên nhiều lần, từ đó nhiều doanh nghiệp tìm đến kết nối. Hiện, sản phẩm lúa gạo của HTX đang được doanh nghiệp bao tiêu và bán rộng rãi tại hệ thống các siêu thị trên cả nước. Tôi nghĩ rằng, với nguồn nguyên liệu hiện có là nền tảng quan trọng để HTX phát triển các sản phẩm chế biến sau chuỗi sản xuất, nhằm gia tăng lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân”.
Tam Nông là một trong những huyện có tiềm năng trong phát triển ngành hàng lúa gạo, với tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 71.000ha, sản lượng đạt 441.943 tấn/năm. Do đó, để phát triển ngành hàng này theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, thời gian qua, huyện Tam Nông khuyến cáo nông dân đẩy mạnh thay đổi cơ cấu giống, tăng tỷ lệ sử dụng các giống lúa chất lượng cao thay cho các giống lúa thường.
Để ngành hàng lúa gạo của địa phương phát triển bền vững, huyện Tam Nông đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện trên địa bàn huyện có 31 mã vùng trồng được cấp cho cây lúa, với diện tích trên 6.390ha và hơn 4.221ha lúa của địa phương được cấp cứng nhận VietGAP. Đặc biệt, huyện Tam Nông còn mạnh dạn thực hiện thí điểm thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, được lựa chọn nhân rộng trong toàn tỉnh như: mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”; mô hình “Giảm giá thành sản xuất, kết hợp sử dụng phân bón thông minh”; mô hình “Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái”; mô hình sản xuất chuỗi giá trị từ lúa huyết Rồng; mô hình “Bơm tưới tiết kiệm nước”, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ... Đây là những nền tảng quan trọng để Tam Nông xây dựng và phát triển ngành hàng lúa gạo theo chiều sâu, góp phần thúc đẩy cho ngành công nghiệp chế biến của địa phương phát triển.
Ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, ngành nông nghiệp của địa phương đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nổi bật nhất chính là sự thay đổi lớn về tư duy sản xuất của người nông dân. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất giảm giá thành, chế biến, cung cấp sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn, chất lượng, sạch, an toàn, giá trị kinh tế cao gắn với thị trường. Từ đó, giúp các ngành hàng chủ lực của huyện có sự phát triển mạnh mẽ theo chiều sâu, gia tăng giá trị chuỗi sản xuất. Nhờ đó thu nhập của nông dân được nâng lên.
Trong giai đoạn tới, Tam Nông xác định kinh tế nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, huyện sẽ tập trung nhiều chiến lược nhằm đưa ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương bình quân chung của tỉnh, góp phần vào việc xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ...
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)