Khách du lịch tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Tại Đồng Tháp, dưới ảnh hưởng của dịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận chuyển khách du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; các khu di tích, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có những khoảng thời gian hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, từ tháng 6/2021, các đơn vị đã hoàn toàn dừng hoạt động, thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội. Có hơn 1.000 lao động trực tiếp và hơn 4.000 lao động gián tiếp trong ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người lao động thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tổng lượt khách du lịch đến Đồng Tháp năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1.500.000 lượt khách, giảm 44,53%; tổng thu du lịch ước đạt 600 tỷ đồng, giảm 26,62% so với cùng kỳ năm 2020.
Với phương châm “Phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch covid-19”, du lịch Đồng Tháp đã chủ động vượt khó, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn vừa từng bước phục hồi hoạt động. Nổi bật là Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đồng Tháp năm 2021, với chủ đề “Sa Đéc - Phố và hoa”, đã thu hút trên 200.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, doanh thu du lịch đạt 43 tỷ đồng, sự kiện này là bước ngoặc khởi động lại hoạt động du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020; hội nghị tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá cao, hiệu quả thiết thực; hội nghị chuyên đề du lịch Đồng Tháp thích ứng với đại dịch; đặc biệt, hội nghị tổng kết Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế qua 5 năm thực hiện Đề án. Qua đó, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp đưa du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới.
Trong năm, du lịch tỉnh phát triển thêm 9 điểm du lịch cộng đồng gồm Thiên Phú (huyện Cao Lãnh), Trải Nghiệm Xưa (TP Cao Lãnh), Điểm dừng chân cánh đồng Hoa Hồng, Sa Nhiên Garden, Sinh thái Hương Quê, Ẩm thực Hoa Hồng Thi Thơ (TP Sa Đéc), Du lịch sinh Thái Tiên Định (huyện Hồng Ngự), Du lịch sinh thái Hòa Đồng (Tháp Mười), Homestay Hoàng Anh (Tam Nông), trong đó có 5 điểm du lịch được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là điểm du lịch: Vườn kiểng Ngọc Lan, du lịch Hoa kiểng Sa Đéc, Cánh đồng hoa hồng Sa Đéc, Sa Nhiên Garden, Vườn hồng Tư Tôn (đều thuộc địa bàn TP Sa Đéc). Đồng thời, các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm tăng cường các dịch vụ sẵn có, xây dựng thêm các dịch vụ mới phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch như: Khu du lịch Tràm Chim chuẩn bị các phương tiện tàu máy, xuồng kéo, xe điện; dịch vụ giải khát, quà lưu niệm, đặc sản; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng bổ sung các dịch vụ mới như cho cá bú bình, dỡ chà chuột, chơi bắt vịt trên sông; Khu du lịch văn hóa Phương Nam mở rộng hồ bơi đu dây cáp trượt nước và hồ Massa; TP Sa Đéc khai trương và đi vào hoạt động Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn; huyện Lai Vung có 7 điểm tham quan vườn cây ăn trái mở cửa phục vụ khách.
Tỉnh phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương xây dựng và đưa vào khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên” (TP HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến -Trải nghiệm vùng Đồng Tháp Mười”.
Điểm du lịch cộng đồng Thiên Phú huyện Cao Lãnh
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng thực hiện. Phối hợp VNPT vận hành, quản trị Cổng thông tin du lịch tỉnh, app Dong Thap Tourism, bản đồ số du lịch. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp ghi hình đưa tin các điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sản phẩm dịch vụ mới phát sóng trong Chương trình Tạp chí du lịch xanh... Cùng với đó, Sở tập trung vào xây dựng các văn bản, tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các kế hoạch, cơ chế về quản lý, phát triển du lịch.
Hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tích cực tham gia, trong năm, thẩm định trình UBND tỉnh hỗ trợ chi phí đầu tư Nhà hàng ăn uống kết hợp bán hàng đặc sản cho 6 điểm du lịch cộng đồng với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch đối với hoạt động du lịch và tổ chức thẩm định, công bố rộng rãi các cơ sở đạt chuẩn phục vụ du khách. Cùng với đó, kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh, đến nay đã hỗ trợ cho 44 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền trên 163 triệu đồng; giảm giá điện trên 600 triệu đồng cho 105 cơ sở lưu trú; hỗ trợ chi phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho 6 điểm du lịch cộng đồng giúp các cơ sở khắc phục khó khăn, sớm khôi phục hoạt động.
Với phương châm hành động trong năm mới “Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế - Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”, du lịch Đồng Tháp đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong năm 2022, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách và người dân. Phấn đấu năm 2022, đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương. Năm 2022 và đến năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đóng góp từ 5 - 6% tổng giá trị GRDP của tỉnh. Thu hút trên 5 triệu lượt khách, doanh thu 1.700 tỷ đồng, giữ vững vị trí nhóm 3 trong khu vực.
Theo Báo Đồng Tháp