Đảm bảo chi phí thấp, chất lượng vẫn tăng
Từ ngày 15/3, ngành du lịch cả nước đã chính thức mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh kéo dài, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, kinh tế eo hẹp, nên việc chắt chiu chi phí cho một chuyến đi chơi là không hề dễ dàng.
Khách đến vui chơi tại Làng du lịch sinh thái Ông Đề.
Thực tế, tại nhiều điểm du lịch ở ĐBSCL những ngày qua khá vắng khách. Cộng thêm gần đây dịch bệnh có dấu hiệu bùng trở lại đã khiến du khách thêm dè dặt. Trước tình đó, các điểm du lịch đã lên kế hoạch kích cầu nhằm thu hút du khách.
Ghi nhận tại khu du lịch Lâm viên Núi Cấm (huyện Tịnh Binh, tỉnh An Giang), ông Lý Thanh Sang, Giám đốc đơn vị này cho biết: “Chúng tôi đang có những chương trình giảm giá, nhưng không cắt bớt dịch vụ. Trước đây, khách phải chi nhiều tiền, thì nay, họ chi ít tiền hơn mà vẫn được tham quan, vui chơi giải trí tại đầy đủ các điểm đến”.
Ông Sang lấy ví dụ, trên đỉnh núi Cấm có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, Hồ Thủy Liêm, vồ Bồ Hông, công viên nước Thanh Long… Trong số này, có công viên nước sẽ thu giá vé 100.000 đồng/người lớn và 50.000 đồng/trẻ em. Nếu du khách đã lên tới đỉnh núi Cấm, ghé hồ Thủy Liêm, chùa Phật lớn… mà lại không vào được công viên nước vì… hụt tiền, thì đó sẽ là một điều đáng tiếc và hụt hẫng.
“Chính vì vậy, đơn vị đang có chương trình ưu đãi đặc biệt "Tuần lễ du lịch", trong đó áp dụng khuyến mãi mua vé combo chỉ 250.000 đồng, sẽ bao gồm vé vào cổng, vé cáp treo, và vé công viên nước. Mức giá này thấp hơn gần 100.000 đồng so với bình thường. Bình quân, nếu mỗi đoàn du khách có 10 người sẽ tiết kiệm gần 1 triệu đồng”, ông Sang nói.
Tại Làng du lịch sinh Thái Ông Đề (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), ông Lê Hải Phúc, Giám đốc khu du lịch, cho biết đơn vị cũng đang đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi như: giảm giá vé cho học sinh, giảm tiền thuê áo bà ba…
Theo ông Phúc, để kích cầu du lịch, đơn vị đang giảm giá, nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, mà ngược lại phải tạo cơ hội tốt nhất để du khách lựa chọn dịch vụ. Bởi đó là uy tín, là thương hiệu, để du khách đến một lần còn nhớ mãi.
Liên kết để phát triển
Ngày 18/3 vừa qua, tại Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và phát động "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới".
Cáp treo lên khu du lịch núi Cấm.
Suốt thời gian dài, ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL gần như "đóng băng" do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương đã triển khai mở cửa từng bước, hướng đến mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tại hội nghị, các đại biểu bàn thảo, đề xuất đến Bộ VH-TT&DL sớm phối hợp với các bộ, ngành hữu quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho khu vực ÐBSCL để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng.
Đồng thời, trong quá trình lập Ðề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của ÐBSCL vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển; xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết vùng.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, cho hay tỉnh đã ban hành chương trình "Cà Mau điểm đến năm 2022" nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đến với Cà Mau trong năm 2022, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những trận đua vỏ lãi trên bãi bồi Đất Mũi, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, lễ xác lập kỷ lục đối với tổ ong lớn nhất Việt Nam, thưởng thức các món ăn chế biến từ cua biển ngon nhất miền Tây…
Trong khi đó, ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, thông tin, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, hộ dân, cộng đồng thực hiện chuyển đổi số, phát triển mô hình mới, xây dựng nền tảng hệ thống bản đồ số du lịch tỉnh Đồng Tháp.
Cũng tại hội nghị, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ÐBSCL đề ra phương hướng và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, tập trung vào 5 nội dung chính: quản lý Nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Ông Ðoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đánh giá cao nỗ lực liên kết, hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh, thành; thành lập hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng và triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận liên kết, chương trình hành động và kế hoạch công tác giai đoạn tới.
Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
Theo TRẦN LƯU (Báo Giao Thông)