Làng hoa Sa Đéc một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế
Khi giá trị ngành nông nghiệp không dừng lại ở sản lượng
Không chọn lối đi hào nhoáng, người Đồng Tháp chọn hướng phát triển du lịch phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương, dựa trên tiềm năng nông nghiệp. Khoảng 10 năm trước, dù chưa hiểu nhiều về ngành du lịch nhưng nhiều nông dân Làng hoa Sa Đéc, các nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung đã bắt đầu làm quen với việc đón khách phương xa vào thưởng lãm khu vườn canh tác của mình. Từ chỗ chưa quen với việc làm dịch vụ, tiếp đãi du khách thì nay nhiều “hướng dẫn viên nông dân” của Đồng Tháp ngày một chuyên nghiệp hơn với công việc mới.
Thông qua phát triển du lịch giúp tâm thế và tư duy của nông dân tỉnh nhà có nhiều thay đổi tích cực. Bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1952) – chủ điểm du lịch Ông bà Tư ngụ ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười hào hứng nói: “Mặc dù chỉ mới tập tành làm du lịch chưa đầy 1 năm nay nhưng tôi thấy bản thân mình có nhiều thay đổi, tâm lý cởi mở, vui vẻ hơn trước rất nhiều. Không những vậy, công việc đồng áng của gia đình tôi cũng có nhiều đổi thay. Thay vì sử dụng thuốc hóa học thì hiện tại gia đình tôi lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học để phun xịt cho cây trồng. Làm du lịch nông nghiệp mà xịt thuốc sâu nồng nặc thì chắc không du khách nào dám ghé”.
Hiện nay, nhiều nông dân của tỉnh nhà bắt đầu có góc nhìn khác về du lịch. Thông qua việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” giúp nông sản được “xuất khẩu tại chỗ” với giá trị cao hơn. Ngoài ra, nhờ nguồn thu từ phát triển dịch vụ du lịch mà giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất của bà con nông dân được tăng lên rất nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua với việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp nông dân Đồng Tháp cải thiện thu nhập gấp nhiều lần so với chỉ canh tác đơn thuần. Nông dân Đồng Tháp đang từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang mô hình kinh tế nông nghiệp. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, các điểm tham quan vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đón tiếp trên 150 ngàn lượt khách du lịch với tổng doanh thu đạt trên 43 tỷ đồng. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi mới đầy triển vọng, giúp Đồng Tháp nối dài chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Và đây cũng là cơ hội để nông thôn Đất Sen hồng khoác lên mình diện mạo tươi mới hơn.
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Đồng Tháp tại buổi nói chuyện với các cán bộ chủ chốt tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là niềm tự hào quê hương xứ sở. Du lịch không chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận nhiều hơn trên một đơn vị diện tích sản xuất mà thông qua đó còn tạo ra một thế hệ nông dân với tư duy mới hơn. Theo Bí thư Lê Minh Hoan, khi làm du lịch, nông dân sẽ không sử dụng phân thuốc hóa học một cách vô tội vạ, việc sản xuất nông nghiệp an toàn, sạch sẽ được nông dân tự ý thức và tự kiểm soát hơn. Bởi người nông dân hiểu rằng, khi sản xuất nông nghiệp không an toàn thì khách du lịch sẽ không ghé thăm lần nữa. Bên cạnh đó, nhờ làm du lịch mà diện mạo nông thôn được người dân quan tâm nhiều hơn, thôn xóm sẽ được sạch đẹp. Vì vậy, khi phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ ngành du lịch được hưởng lợi mà còn giúp định vị lại ngành nông nghiệp Đồng Tháp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Trải nghiệm, check – in tại các điểm du lịch đang là xu hướng thu hút giới trẻ hiện nay
Để du lịch nông nghiệp không đi vào lối mòn
Các chuyên gia đánh giá, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và triển vọng trong phát triển du lịch nông nghiệp nhưng để có thể “đi đường dài” thì Đồng Tháp cần phải làm nhiều việc. Trước mắt là thay đổi tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp cho người nông dân. Đây được xem là nhân tố quan trọng nhất.
Nhìn nhận từ những rào cản trong phát triển du lịch hiện nay của tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ: “Khi địa phương có nhiều điểm du lịch mới khai trương, bản thân cảm thấy rất vui nhưng đi liền với đó là sự trăn trở. Bởi không phải điểm du lịch nào cũng am hiểu về du lịch để có thể phục vụ chuyên nghiệp. Thông thường bà con tỉnh nhà làm du lịch theo kiểu “bán cái mình có” và chưa quan tâm nhiều đến đến cảm xúc mà du khách cần. Nếu làm du lịch không vì đam mê thì rất khó để phát triển bền vững. Du khách đến với Đất Sen hồng không chỉ để thưởng lãm ngắm hoa mà họ còn muốn thưởng thức bầu không khí bình yên, nét văn hóa mộc mạc chân tình của người dân bản địa”.
Bí thư Lê Minh Hoan cho rằng, để du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng phát triển bền vững đòi hỏi cần có sự tham gia của cả cộng đồng làm du lịch. Điều quan trọng cần ghi nhớ là chúng ta không có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng với du khách. Vì vậy, ngay từ lần đầu tiên phải giúp cho du khách cảm mến sự chân tình của những người con đất Sen hồng để họ còn quay lại Đồng Tháp thêm nhiều lần nữa.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, Giáo sư Phan Văn Trường - Cố vấn thường trực Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trước khi làm du lịch, địa phương và người làm du lịch phải hiểu rõ thế mạnh của mình là gì và phân khúc khách hàng tiềm năng của mình nằm ở đâu. Nếu hiểu được như vậy thì chúng ta sẽ tránh được việc đầu tư sai lầm không cần thiết.
Theo Giáo sư Phan Văn Trường, hiện nay bên cạnh phân khúc khách hàng du lịch muốn tận hưởng những dịch vụ cao cấp thì vẫn còn tiềm năng rất lớn từ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình thích đi du lịch để khám phá và trải nghiệm. Phân khúc khách hàng này, họ lại thích được khám phá văn hóa bản địa, cùng ăn cùng ở với nông dân để trải nghiệm cuộc sống làm nông nghiệp. “Đối với phân khúc khách hàng này, Đồng Tháp không cần phải đầu tư nhiều hạ tầng cao cấp. Tuy nhiên, đổi lại dịch vụ phục vụ phải đảm bảo, đặc biệt phải tạo được tâm lý thoải mái và cảm giác an toàn khi đến thăm và nghỉ dưỡng tại địa phương. Nếu đáp ứng được những nhu cầu cơ bản này của khách du lịch cộng với thái độ phục vụ tốt, hiếu khách, chuyên nghiệp thì chuyện phát triển du lịch nông nghiệp của Đồng Tháp không phải là mục tiêu quá khó khăn”, Giáo sư Phan Văn Trường nhận định.
Có thể thấy, thời gian qua với việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp tư duy của người nông dân và bộ mặt nông thôn Đồng Tháp được cải thiện rất nhiều. Người nông dân bước đầu quen với việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, để phát triển ngành “công nghiệp không khói” theo hướng bền vững, thời gian tới cần có sự định hướng, đồng hành liên tục từ chính quyền địa phương, các đơn vị lữ hành. Bên cạnh đó, bà con nông dân cần tự thay đổi tư duy, từng bước chuyên nghiệp, sáng tạo hơn với mô hình kinh tế mới đầy tiềm năng như du lịch nông nghiệp.
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)