Hậu Giang có gì vui?

06/11/2020 - 09:46

Người bạn từ tỉnh Thái Nguyên gọi điện hỏi: “Cuối tuần vào Hậu Giang cổ vũ cho mấy bạn đồng nghiệp chạy marathon quốc tế, Hậu Giang có gì vui không?”. Tôi chẳng cần phân vân, trả lời ngay: “Hậu Giang có nhiều điều vui lắm, nhưng phải khám phá mới thấy hết cái hay”.

Nói là vùng đất trẻ được thành lập năm 2004 sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ nhưng thật ra tên gọi Hậu Giang (lớn) đã có rất lâu đời và ghi đậm dấu ấn lịch sử về một vùng đất “già” trong lịch sử đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài thành phố Vị Thanh, Hậu Giang còn có thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và 5 huyện: Châu Thành, Châu Thành A, Vị Thủy, Phụng Hiệp, Long Mỹ. Với lợi thế giáp ranh thành phố Cần Thơ, nông thôn với những nét quê kiểng đặc trưng, Hậu Giang là điểm đến đáng thăm quan sau khi du khách đã có sự trải nghiệm đủ ở thành phố Cần Thơ.

Cuối tuần này, có hơn 7.000 vận động viên đăng ký tham gia giải chạy quốc tế tại Hậu Giang, trong đó có vài ngàn người là vận động viên và cổ động viên ngoài tỉnh đến với Hậu Giang. Đây là cơ hội để Hậu Giang thực hiện các hoạt động kích cầu du lịch và trên hết là giới thiệu điểm đến Hậu Giang với du khác gần xa. Trong những ngày cuối tuần, du khách, vận động viên, cổ động viên chủ yếu tập trung tại thành phố Vị Thanh. Vậy trước khi biết Hậu Giang có gì vui, phải biết Vị Thanh có gì đặc biệt.

Kênh xáng và bờ kè Xà No là không gian đầy thư thái nhất là thời điểm khi chiều tối

Từ khi thành lập đến nay, Hậu Giang tự hào có bờ kè kênh xáng Xà No độc đáo, nhô ra hai bên bờ kênh xáng được đào từ thời Pháp vào năm 1901, dài đến 39km là những thanh inox sáng choang, thiết kế hài hòa, chạy dài theo hai bên bờ kênh xáng, trở thành biểu tượng của tỉnh. Những ngày nắng ráo, dạo một vòng bờ kè ngay đoạn trung tâm thành phố Vị Thanh sẽ thấy có những nét rất riêng, phù hợp với những ai có tâm hồn thơ ca…

Dọc theo bờ kè và kênh xáng Xà No là những công trình, di tích, một thành phố ven sông khá hiền hòa, mức độ đô thị hóa ngày càng mở rộng nhưng vẫn giữ được nét nhẹ nhàng, không quá xô bồ, thích hợp với những ai chuộng không khí êm đềm, trong lành.

Những điểm đến thăm quan tại khu trung tâm cũng kha khá với Công viên và cụm tượng đài Chiến Thắng; Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch; khu văn hóa Hồ Sen; khu hành chính Tỉnh ủy, UBND tỉnh… thích hợp đi xe máy vòng quanh hoặc đi xe đạp khám phá, tận hưởng không khí trong lành.

Vùng khóm Cầu Đúc rộng bạt ngàn sẽ là trải nghiệm lý thú cho du khách đến Hậu Giang.

Đến Vị Thanh muốn khám phá, nên đến vùng khóm Cầu Đúc, tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cách trung tâm thành phố khoảng 6-7 cây số. Cây khóm là cây trồng “ưu ái” dành riêng cho vùng đất phèn, đất đai không mấy màu mỡ. Khóm không phải là một loại hoa để du khách đến gần chụp ảnh, nâng niu, từ cây đến trái đều có gai. Tuy nhiên, vùng đất trồng khóm bạt ngàn rất thích hợp để mọi người “sống ảo”, đặc biệt là bơi xuồng theo các con kênh nội đồng của vườn khóm xem người dân xắn khóm sẽ là trải nghiệm rất đáng.

Hệ thống chùa chiền, tịnh xá, nhà thờ quanh thành phố Vị Thanh khá nhiều và đa số ở ngay trung tâm, rất tiện lợi cho du khách muốn tìm không gian thư thái, yên bình. Điểm đặc biệt của Hậu Giang là tại nhiều địa phương ở thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy… có nhiều chùa Khmer mang nét đẹp rất riêng giữa vùng quê trù phú, sẽ là điểm “check in” không thể không đến.

Khu Hồ Sen, thành phố Vị Thanh là khung cảnh đầy thi vị, hồ nằm ngay trung tâm thành phố.

Hậu Giang so với những tỉnh, thành khác không thiếu những điểm đến, những di tích, với 9 di tích lịch sử quốc gia, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, đến Hậu Giang du khách phải khám phá mới cảm nhận hết những cái hay riêng.

Từ thành phố Vị Thanh ngược về huyện Vị Thủy du khách có thể thăm quan vườn trầu giữ chút hồn quê, khu du lịch sinh thái rừng tràm Việt – Úc; đi xa hơn chút xuống thị xã Long Mỹ sẽ thăm Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam – một trong số ít thiền viện được xây dựng ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, dọc theo đường về Long Mỹ sẽ đến Đền thờ Bác Hồ ở ấp 3, xã Lương Tâm, thích hợp cho chuyến đi về nguồn, ngược về Phụng Hiệp, điểm đầu tiên là Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (Căn cứ Bà Bái), Phụng Hiệp cũng có những khu du lịch miệt vườn sông nước mang tính trải nghiệm, đến thành phố Ngã Bảy sẽ thăm vườn dâu Thiên Ân và chợ nổi Ngã Bảy…

Có những điểm đặc biệt mà du khách bỏ thời gian đi khám phá mới thấy được. Như trong miền quê ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, có một “vườn tre cổ tích” cả đoạn đường khoảng cây số là hàng tre rợp bóng, là điểm đến rất được lòng du khách, một không gian mênh mông tre xanh, được cắt tỉa gọn  gàng, mát rượi chắc chắn sẽ không uổng công khi đến đây.

“Vườn tre cổ tích” ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa sẽ là điểm checkin đáng được lưu ý.

Du lịch cộng đồng, homestay mới manh nha ở Hậu Giang chưa lâu và chưa có quá nhiều người dân đầu tư thực hiện nên có thể không làm hài lòng du khách, nhưng ở Hậu Giang tất cả di tích, bảo tàng đều vào cửa miễn phí, ngoài một số khu du lịch đã được đầu tư tương đối hoàn thiện, thì những điểm đến khác đa phần không tốn phí tham quan trừ khi du khách sử dụng dịch vụ.

Ở Hậu Giang trừ biển, thì những gì các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có, tỉnh này đều có, tuy không quá hào nhoáng nhưng đáng để trải nghiệm để thấy hết sự độc đáo của vùng đất này…

Theo HOÀNG NGUYÊN (báo Hậu Giang)