Hậu Giang: Để vơi đi nỗi đau da cam

09/08/2024 - 08:49

Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các cấp hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin trên địa bàn tỉnh, theo thời gian, nỗi đau của các nạn nhân da cam đã dần vơi, cuộc sống của họ đang ngày càng khởi sắc hơn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (giữa), luôn ấm lòng với những sự quan tâm, chăm lo dành cho nạn nhân CĐDC.

Chiến tranh đi qua, những nỗi đau để lại

Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở ấp 9, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, lưu giữ trang trọng những bức ảnh về thời thanh xuân nhiệt huyết của mình. Năm 1967, từ một nữ giao liên của xã, bà được phân công lên Trung đoàn 1, thuộc Quân khu 9, hoạt động chủ yếu ở vùng miệt thứ Cà Mau. Khi ấy, bà Hạnh mới 19 tuổi, được giao nhiệm vụ làm y tá, cứu thương cho lực lượng chiến đấu.

Dù không trực tiếp cầm súng, nhưng ở giữa chiến trường, bà Hạnh không thể tránh khỏi mưa bom lửa đạn và những lần rải chất độc hóa học của kẻ thù. Ngày hòa bình, bà trở về quê hương và được xác định là thương binh với tỷ lệ thương tật 57%, cũng là một nạn nhân CĐDC.

Nhiều năm qua, bà luôn tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động của hội cựu chiến binh tại địa phương.

Ở tuổi 76, sức khỏe của bà Hạnh ngày càng suy giảm, với nhiều căn bệnh như tiểu đường, hẹp mạch vành,… Dưới sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin, cuộc sống của bà Hạnh được đảm bảo. “Bây giờ lớn tuổi, không có sức khỏe, không có công việc, nhưng nhờ có tiền trợ cấp hàng tháng mà tôi tự lo được cho mình, không phải dựa vào các con. Được vậy là tôi thấy mừng lắm rồi”, bà Hạnh chia sẻ.

Hậu Giang hiện có 520 nạn nhân CĐDC đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó có 299 nạn nhân là người trực tiếp hoạt động kháng chiến và 221 nạn nhân là con người hoạt động kháng chiến, tất cả đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Với những trường hợp không đủ căn cứ xác nhận là nạn nhân CĐDC sẽ được hưởng bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin còn thường xuyên tổ chức hoạt động thể hiện sự quan tâm, chăm lo để xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn tỉnh.

Đồng hành, chia sẻ để cùng vượt qua nỗi đau da cam

Trong 6 tháng đầu năm, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh đã vận động nguồn lực với tổng giá trị gần 360 triệu đồng để chăm lo cho các nạn nhân CĐDC. Tỉnh hội đã chi 200 triệu đồng để trao 500 phần quà cho nạn nhân CĐDC nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; hỗ trợ sinh kế cho 21 nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn;... Ngoài ra, Hội Người mù - CĐDC - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em của 8 huyện, thị, thành phố còn phối hợp với các xã, phường, thị trấn vận động hơn 11,9 tỉ đồng chăm lo cho các đối tượng, trong đó có nạn nhân CĐDC.

Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024), tỉnh trao 250 phần quà cho các nạn nhân, mỗi phần trị giá 500.000 đồng. Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh trao 2 suất sinh kế, mỗi suất là 5 triệu đồng, cho 2 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các hội cấp huyện còn tích cực vận động để có thêm nguồn lực chăm lo cho các nạn nhân CĐDC trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, cho biết: “Với tinh thần “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm”, hướng về cơ sở vì nạn nhân CĐDC, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực vận động nguồn lực, thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Đẩy mạnh hỗ trợ vốn sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục chuẩn bị tốt công tác thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm, đặc biệt đợt tết sắp tới”. Qua đó, giúp cho nỗi đau da cam trên địa bàn tỉnh ngày càng dần vơi đi.

Kỷ niệm 63 Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam

Ngày 10-8-1961, Không lực Mỹ lần đầu tiên được thực hiện chuyến bay rải chất khai hoang, diệt cỏ tại Việt Nam, mở ra cuộc chiến tranh hóa học kéo dài 10 năm (1961-1971), để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người dân và môi trường. Ngày 25-6-2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định lấy ngày 10-8 hàng năm là Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam. Ngày 10-8 năm nay là ngày kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.

uHậu Giang hiện có 520 nạn nhân CĐDC đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó có 299 nạn nhân là người trực tiếp hoạt động kháng chiến và 221 nạn nhân là con người hoạt động kháng chiến, tất cả đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Với những trường hợp không đủ căn cứ xác nhận là nạn nhân CĐDC sẽ được hưởng bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật.

Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)