Khu du lịch sinh thái Việt - Úc sắp hoàn thành, hứa hẹn là sản phẩm du lịch thú vị của Hậu Giang tới đây. Ảnh: TRUNG QUÂN
Sản phẩm du lịch đặc trưng - Mục tiêu sống còn của du lịch
Du lịch đang được quan tâm và đầu tư đúng hướng bằng những quyết sách có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, trong mắt những chuyên gia du lịch, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế. Trong đó, đầu tiên phải nói đến sản phẩm du lịch ít, mờ nhạt. Hệ thống dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông chưa gắn với phát triển du lịch, thiếu đồng bộ. Đội ngũ lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đi vào chiều sâu, thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Việc mời gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh chưa thu hút, quan trọng hơn, trước nay, không có nhiều dự án đang kêu gọi đầu tư được nhà đầu tư chưa quan tâm, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược…
Trong những khó khăn đó, việc chưa có sản phẩm du lịch là quan trọng nhất, bởi muốn có khách, phải có điểm đến. Hậu Giang phát triển du lịch sau, nên ngoài lợi thế là rút kinh nghiệm từ những sản phẩm của các tỉnh, thành khác, cần đến sự đột phá trong việc xây dựng sản phẩm, để tránh sự nhàn nhạt, giống sản phẩm đã được định hình và thu hút khách ở các tỉnh, thành khác. Việc tạo ra sự độc đáo, khác biệt là sự sống còn cho một sản phẩm du lịch. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Viettravel chi nhánh Cần Thơ, từng nhiều lần đến Hậu Giang, chia sẻ: “Là đơn vị kinh doanh lữ hành, chúng tôi mừng khi có sản phẩm du lịch mới có thể kết nối tua, tuyến. Hiện tại, Hậu Giang chưa nằm trong danh mục tua tuyến trong các tua của Vietravel, bởi chưa có sản phẩm nào thật sự thu hút, có thể kết nối để làm điểm dừng chân được”.
Xây dựng sản phẩm du lịch chính là khó khăn và thách thức với Hậu Giang, dù rằng địa phương cũng đang định hình và từng bước xây dựng những sản phẩm từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Song song đó, nhiều đơn vị cũng mong muốn có nhiều chính sách khuyến khích nhà đầu tư ở lĩnh vực này. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng, Hậu Giang cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch; tăng cường liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch, thị trường du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, hình thành các khu du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí… Từ sự mở hướng bằng nhiều cách, các dự án đầu tư du lịch sẽ được quan tâm. Có nhà đầu tư, thì có sản phẩm du lịch là điều tất yếu…
Những điểm sáng mang kỳ vọng mới cho du lịch tỉnh nhà
Hơn 10 năm trước, Công ty TNHH Việt - Úc Hậu Giang tiên phong đầu tư, cải tạo đất, môi trường để dần hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Đến thời điểm này, khu du lịch sinh thái đã nên vóc, nên hình với khu vườn cây ăn trái, khu rừng tràm, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ phục vụ du lịch, vườn chim nhân tạo… Ông Tào Thanh Tùng, Phó Giám đốc điều hành Công ty, chia sẻ: “Hơn 10 năm qua là cả một quá trình khó khăn và thử thách. Gian nan nhất là giai đoạn đầu, phải xử lý đất nhiễm phèn nặng. Chúng tôi đã mất 10 năm với một khoản chi phí khá lớn chỉ riêng cho công tác cải tạo đất phèn để thành đất trồng cây ăn trái màu mỡ như hiện nay. Với quyết tâm cao, chúng tôi quyết tâm mang đến một sản phẩm du lịch lấy thiên nhiên làm nền tảng, xây dựng cảnh quan đặc trưng đồng thời bảo tồn, gìn giữ hệ sinh thái động thực vật đa dạng, để du khách có những trải nghiệm thú vị khi đến điểm này”.
Những người tiên phong đã khó, những doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch trong thời gian gần đây cũng không hề đơn giản. Để Tàu du lịch Xà No đưa vào khai thác hồi đầu năm, là một sự nỗ lực của tỉnh, quyết tâm của doanh nghiệp. Bà Dương Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vạn Phát, chia sẻ: “Nếu xác định làm để có lời, thì chúng tôi đã không đầu tư vào đây. Bởi lẽ, vốn ban đầu bỏ ra khá nhiều. Trong khi đó, phải xác định ít nhất 3 năm đầu sẽ bù lỗ. Thế nhưng, bằng nghĩa tình với quê hương Hậu Giang, chúng tôi đã về đây, góp chút công sức để thúc đẩy du lịch Hậu Giang phát triển. Chúng tôi rất vui vì những khó khăn đã được tỉnh quan tâm, từng bước gỡ khó, để doanh nghiệp có thêm sức mạnh bước tiếp trên hành trình không hề trải hoa hồng này”.
Đến thời điểm hiện tại, dù có nhiều nỗ lực, nhưng du lịch Hậu Giang vẫn còn mờ nhạt, chưa có điểm đến thu hút khách. Nên việc liên kết tua, tuyến, tổ chức cho các đơn vị lữ hành khảo sát… cũng chỉ là sự khởi đầu. Tuy nhiên, bằng sự quan tâm đến du lịch, Hậu Giang đã có nhiều động thái, từ việc tổ chức những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch trong và ngoài khu vực; tổ chức hội thảo, tọa đàm về phát triển du lịch, đầu tư, phát triển du lịch, đến việc định hướng phát triển bằng nghị quyết, kế hoạch, đề án… đã từng bước tạo nên những điểm sáng mới.
Là người tìm hiểu nhiều và có những tư vấn hỗ trợ Hậu Giang phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt; Giám đốc Công ty Tư vấn TM DV DL Cộng đồng Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh: “Làm du lịch là làm kinh tế, cần đoạn tuyệt với tư duy lễ hội miễn phí, chạy theo số lượng. Du lịch là phải luu trú. Bên cạnh các khách sạn, resort cần có các gardenstay thoáng sạch, tiện nghi giữa không gian vườn, kênh rạch; xây dựng các điểm dừng đạt chuẩn trong các vườn cây ăn trái để du khách trải nghiệm; tạo lợi thế cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt, độc đáo”.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch: Muốn du lịch Hậu Giang phát triển xứng tầm, vẫn cần thời gian và tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư có định hướng bằng những giải pháp cụ thể. Hậu Giang vẫn cần tiếp tục có sự đột phá về cách nghĩ, cách làm và gợi mở những cơ hội thông thoáng, đơn giản về thủ tục để thu hút nhà đầu tư. Phải xác định làm du lịch là làm kinh tế. Cần phải có góc nhìn mới, tư duy thoáng, hướng đến du lịch thông minh như một xu thế tất yếu. “Cần biến thành chương trình hành động cụ thể, từ quy hoạch đến xúc tiến, quảng bá mang tính khả thi, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp với quảng bá bằng hình thức mới. Về phía nhà đầu tư, cần có ý tưởng sáng tạo, những dự án cụ thể, sản phẩm, công trình du lịch mới bắt kịp xu thế du lịch hiện đại. Chú ý gắn với nét du lịch sông nước miệt vườn và tìm được nét riêng của Hậu Giang để xây dựng sản phẩm. Người dân cần có sự vào cuộc, xem du lịch là sinh kế mới bên cạnh nông nghiệp, cùng hợp sức, đồng lòng khai thác tài nguyên du lịch, tạo nên nhiều sự trải nghiệm mới mẻ…”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu gợi ý...
Theo Báo Hậu Giang