Hậu Giang: Nâng chất đồng bộ, tạo dấu ấn mới

21/02/2022 - 08:55

Những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) được đặc biệt quan tâm, tạo điểm nhấn về chất lượng, được người dân đồng thuận, chung tay thực hiện.

A A

Đường nông thôn Hậu Giang giờ thông thoáng, sạch, đẹp. Ảnh: TRUNG QUÂN

Xây dựng và phát huy nhiều mô hình

Đến chùa Bảo Tịnh (phường VII, thành phố Vị Thanh), không chỉ thấy không gian tĩnh lặng, tìm sự bình an cho tâm hồn, mà còn được thưởng lãm không gian nhiều cây xanh, hoa kiểng được bài trí đẹp. Đây là kết quả của một quá trình đầu tư dài hơi, tâm huyết. Đại đức Thích Quảng Nguyên, Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Trụ trì chùa Bảo Tịnh, chia sẻ: “Sống trong không gian tĩnh lặng ở chùa không có nghĩa là mình không làm đẹp cho khuôn viên này bằng cây xanh, bằng hoa. Tôi nghĩ xây dựng không gian sáng - xanh - sạch - đẹp sẽ làm tâm hồn mình thêm thư thái, tĩnh tâm và có cách xử lý điềm tĩnh trước mọi chuyện. Nhìn cảnh đẹp, tâm hồn mình cũng nhẹ nhàng, thư thái hơn”.

Chùa Bảo Tịnh nhiều lần đạt giải trong cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp và là mô hình văn hóa mới trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Nơi đây được mọi người khắp nơi tìm đến thắp hương kính Phật, sau đó là thưởng ngoạn cảnh đẹp. Đây chính là hiệu quả của việc phát huy mô hình văn hóa.

Mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp là một trong những mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân trong hơn 15 năm qua. Thành công của mô hình là minh chứng cho sự quyết tâm tạo nên dấu ấn mới, tập hợp người dân vào cuộc.

Gian nan lúc đầu đã qua, giờ mỗi năm, Hậu Giang có thêm hàng trăm tuyến đường đẹp, hộ gia đình có cảnh quan đẹp, tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, liên tuyến dân cư thi đua yêu nước kiểu mẫu…

Ông Lê Ngọc Tiếm, cán bộ văn hóa - xã hội UBND phường IV, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “So với thời điểm trước, khi phường triển khai xây dựng phường văn hóa, rồi đến văn minh đô thị, người dân thay đổi nhận thức rất rõ. Nếu như trước, chúng tôi phát động rất khó, cán bộ, công chức, đoàn thanh niên phường phải tập trung toàn lực, mở nhiều đợt ra quân làm cảnh quan, làm hộ luôn trước nhà người dân, thì bây giờ, người dân rất quan tâm. Đời sống vật chất nâng lên, kéo theo nhu cầu về tinh thần cũng cao hơn”.

Tiếp tục tạo dấu ấn và sự đồng thuận

Chất lượng được khẳng định không chỉ bằng những con số, mà bằng sự hài lòng và cùng chung tay thực hiện, cùng cộng đồng trách nhiệm của người dân. Làm được điều này là một quá trình, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, mạnh dạn thử nghiệm xây dựng những mô hình mới, sáng tạo. Điều đó giúp cho Phong trào TDĐKXDĐSVH ở Hậu Giang luôn tạo được dấu ấn riêng.

Là người trực tiếp tham gia nhiều đợt khảo sát để công nhận các danh hiệu văn hóa, ông Đào Văn Nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Ý thức của người dân thể hiện rất rõ qua việc xây dựng và nhân rộng những mô hình mới, qua việc nâng chất các danh hiệu văn hóa. Ngày càng có nhiều gia đình không chỉ vun vén cho mái ấm rộn ràng tiếng cười, nuôi dạy con cháu học hành đàng hoàng, chăm ngoan, hiếu thảo, mà còn tạo không gian sống trong lành, thoáng đãng. Chúng tôi luôn phát hiện, biểu dương kịp thời để động viên, cổ vũ phong trào, tạo điểm nhấn về chất lượng”.

Năm nay, Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh tiếp tục nâng chất các danh hiệu văn hóa, chỉ xây dựng xã Phú Hữu (huyện Châu Thành) và thị trấn Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) lần lượt đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, cho biết: “Không đặt nặng chỉ tiêu và tập trung kiểm tra việc nâng chất danh hiệu của các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để mỗi đơn vị có thể phát huy hết thế mạnh, tập trung giữ vững, nâng chất từng danh hiệu, nhân rộng những mô hình hiệu quả, khuyến khích địa phương xây dựng mô hình mới, gắn với nhu cầu thực tế của người dân”.

 Cùng với đó, là nâng chất các danh hiệu bám sát 5 nội dung của phong trào: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; Xây dựng môi trường văn hóa; Xây dựng thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương, khen thưởng kịp thời, tạo nhiều sân chơi, vừa phát huy thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, vừa tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy và chăm bồi những nhân tố mới làm hạt nhân cho phong trào địa phương.

Hậu Giang đang từng bước nâng chất các danh hiệu lên một bước mới cao hơn, sẽ từng bước xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị theo tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu. Tiếp tục tạo điểm nhấn, nâng cao đời sống người dân lên một bước mới, toàn diện hơn!

Hậu Giang hiện có 519/525 ấp, khu vực văn hóa, 184.161/198.134 hộ gia đình văn hóa, 36/51 xã văn hóa nông thôn mới, 21/24 phường văn minh đô thị.

Theo Báo Hậu Giang