Các tiết mục ca múa tại liên hoan có sự đầu tư đồng bộ, rực rỡ sắc màu.
Khắc họa đa dạng cuộc sống người lính
Lâu lắm rồi, những người lính lại có dịp thể hiện khả năng nghệ thuật của mình; khán giả được thưởng thức nhiều ca khúc hào hùng truyền thống, ca ngợi người lính Cụ Hồ với nhiều cung bậc cảm xúc. Từ những ca khúc nổi tiếng, quen thuộc với người nghe như: “Đất nước”, “Màu hoa đỏ”, “Người chiến sĩ ấy”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Người chiến sĩ miền Tây”, “Lính đồng bằng”… đến những ca khúc viết riêng cho những người lính với những công việc đặc thù của họ, như: “Vì anh là lính Tổng Cục hậu cần”, “Bài ca tuổi trẻ Quân đội nhân dân”, “Tự hào hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Đặc biệt là có nhiều sáng tác do những người lính, những nhạc sĩ Hậu Giang viết cũng được các đơn vị chọn thể hiện: “Lính trẻ Hậu Giang”, “Quân dân miền đất Phụng”, “Tâm tình người lính giữ kho”, “Hậu cần vui hát”, “Chiến sĩ Hậu Giang”… Các ca khúc được chọn kỹ, dàn dựng công phu, có sự kết hợp múa minh họa đã làm cho bức tranh về cuộc sống người lính trong chiến tranh cũng như trong thời bình càng thêm gần gũi, chân thực.
Liên hoan lần này khuyến khích các đơn vị xây dựng tiểu phẩm, để thể hiện sâu sắc, soi rọi cuộc sống người lính dưới góc nhìn chân thực, mang đến người xem nhiều cảm xúc. Nếu như các ca khúc thể hiện sự sôi động, lôi cuốn, hân hoan thì các tiểu phẩm mang đến những câu chuyện trong đời sống người lính, sự gắn bó máu thịt giữa quân với dân, ý thức trách nhiệm của thanh niên khi chọn gác lại chuyện học, đi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, nghĩa tình của những người lính từng vào sinh ra tử, giờ sống chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau, hay câu chuyện về những người lính đã không ngại hiểm nguy, đi đầu trong phòng chống dịch Covid-19. Tất cả đã tạo nên những câu chuyện giàu cảm xúc, mang đến nhiều bài học sâu sắc. Trong đó, ghi đậm dấu ấn là các tiểu phẩm: “Ba ơi, con nhập ngũ”, “Tình quân dân”, “Màu áo xanh”, “Tiếp bước hành quân”, “Trái tim hồng”… cùng góp thêm bức tranh về người lính thêm đủ đầy, trọn vẹn.
Chất lượng nghệ thuật được đánh giá cao
Đại tá Võ Văn Phương, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, cho biết: Liên hoan không chỉ là sân chơi để những người lính thể hiện khả năng ca hát, diễn xuất, mà còn là dịp để phát hiện và chăm bồi những hạt nhân mới, làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ. Lần này Ban tổ chức không chỉ bắt buộc các đơn vị phải xây dựng chương trình với đầy đủ thể loại: múa độc lập, đơn ca, song ca, tốp ca và đặc biệt khuyến khích tiểu phẩm, để khắc họa đậm cuộc sống của người lính dưới góc nhìn đa chiều. Dù chỉ gần nửa các đơn vị tham dự là có phần tiểu phẩm, nhưng đã thể hiện được chất lượng bằng sự đầu tư công phu, đồng bộ, chú trọng chất lượng kịch bản lẫn dấu ấn của sự dàn dựng. Tất cả đã làm nên dấu ấn riêng, thể hiện được những phẩm chất quý giá làm nên nét riêng của người lính trong thời chiến cũng như thời bình.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, các đơn vị đã bám sát chủ đề liên hoan, để xây dựng thành chủ đề riêng cho từng chương trình tham gia. Từ đó, các tiết mục bám chặt và làm nổi bật lên chủ đề. Nhiều giọng hát tốt, múa hay, diễn xuất nhập vai, đã góp phần tạo nên chất lượng nghệ thuật, dấu ấn riêng cho liên hoan lần này. Điểm nổi bật còn là đã ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ thêm hình ảnh, bổ trợ, minh họa thêm cho từng tiết mục, gắn với chất liệu thật từ cuộc sống, bố trí tiết mục trong mỗi chương trình có sự hòa quyện.
Các tiết mục múa độc lập đã tạo một dấu ấn rất riêng, góp phần cùng các tiết mục tốp ca múa, song ca, đơn ca, tạo nên những điểm nhấn thú vị. Sự dàn dựng công phu, đầu tư bài bản từ ý tưởng đến âm nhạc, trang phục, đạo cụ, đã tạo nên những tiết mục múa đẹp lung linh, thể hiện được những ý tưởng sâu xa với những câu chuyện dẫn dắt người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc, đúng như nhận xét của những khán giả tại hội trường: Nghe những chiến sĩ hát những giai điệu tự hào, lại thấy hân hoan trên đường đi tới…
Theo Báo Hậu Giang