Hậu Giang: Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch nổi bật

22/05/2023 - 09:39

Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực văn hóa, du lịch có nhiều hoạt động nổi bật, tạo đà cho chuỗi hoạt động chào mừng Hậu Giang 20 tuổi.

A A

Vùng khóm Cầu Đúc được kỳ vọng là sản phẩm du lịch thu hút, kết hợp phát triển kinh tế tại thành phố Vị Thanh. Ảnh: TRUNG QUÂN

Ấn tượng lĩnh vực nghệ thuật

Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc xây dựng những chương trình nghệ thuật, tổ chức hội thi hội diễn vừa phục vụ các sự kiện quan trọng, vừa tham gia hội thi, hội diễn khu vực, toàn quốc đạt những kết quả tốt. Nổi bật là Hội thi Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng năm 2023, diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại Vĩnh Phúc, đã đạt 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc; 1 nghệ nhân làm bánh dân gian chọn vào tốp 30 nghệ nhân xuất sắc, 1 giải tập thể xuất sắc, cá nhân xuất sắc tại Hội thi bánh dân gian Nam bộ tại thành phố Cần Thơ... Đội ngũ diễn viên, ca sĩ không chuyên đang tham gia hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc, hứa hẹn tiếp tục mang về những thành tích mới.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể, văn hóa đặc trưng các dân tộc, như tiếp tục xây dựng Đề án phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, đề xuất xây dựng nghị quyết chính sách đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; xây dựng kế hoạch thực hiện phim tư liệu bảo tồn và phát huy giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer: Lễ dâng y cà sa.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Để tạo sức lan tỏa, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa tỉnh phát huy nền tảng mạng xã hội để quảng bá các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Hậu Giang, những hiện vật quý, sách quý, sách hay đến rộng rãi với công chúng. Đặc biệt, bắt buộc các đơn vị khi tham gia hội thi, hội diễn, phải đăng tải trên trang fanpage của các trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thanh cấp huyện, tính điểm vào nội dung thi diễn. Các hội thi, hội diễn toàn quốc, cũng tận dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, truyền tải trọn vẹn thông điệp từng chương trình mà chúng tôi gởi gắm”.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ được nâng chất, đi vào chiều sâu, tạo được sự đa dạng, lan tỏa.

Nhiều động thái từ du lịch

4 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón 162.110 lượt khách tham quan du lịch, trong đó có 8.640 khách quốc tế. Riêng đợt nghỉ 5 ngày dịp 30-4, 1-5 vừa qua, Hậu Giang đón khoảng 37.490 lượt khách tham quan du lịch, tăng 226% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch gần 14,9 tỉ đồng, tăng trên 200% so với cùng kỳ. Đây là điều chứng tỏ du lịch Hậu Giang đang từng bước phục hồi, đáp ứng nhu cầu của du khách. Hậu Giang cũng đang xúc tiến nhiều giải pháp để hoàn thiện sản phẩm tàu du lịch Xà No, để kịp đưa vào phục vụ khách du lịch vào tháng 7 tới, thời điểm diễn ra nhiều sự kiện lớn, thu hút đông đảo du khách đến Hậu Giang. Trong đó, nổi bật là Giải Mekong delta marathon tỉnh Hậu Giang năm 2023 gắn với Đại hội Thể dục thể thao ĐBSCL lần thứ IX năm 2023. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang hoàn thiện các đề án: Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kế hoạch phát triển du lịch đường thủy...

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc các đơn vị đang tiến hành các thủ tục sử dụng tàu du lịch Xà No cũng như tìm kiếm doanh nghiệp đóng tàu để đánh giá năng lực trong việc chọn đóng tàu du lịch mới. Ông nhấn mạnh: Ngành cần chủ động, khẩn trương, để sản phẩm du lịch này được hoàn thiện sớm. Cùng với đó là phải có phương án khai thác. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kế hoạch riêng, báo cáo hàng tuần về tiến độ thực hiện, có phân công, phân nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát và khó khăn phải báo ngay để có hướng xử lý, giải quyết kịp thời. Phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm để nắm bắt cơ hội, tạo đà cho du lịch phát triển từ sản phẩm du lịch đặc trưng này.

Nếu nhìn nhận ở mặt bằng chung trong 4 trụ cột Hậu Giang đã xây dựng Nghị quyết để tập trung phát triển, du lịch có thể xem là gặp nhiều khó khăn. Đây là điều dễ hiểu, bởi xuất phát điểm thấp, chưa có sản phẩm du lịch hút khác, chưa có nhiều nhà đầu tư tiềm năng chính thức nhập cuộc. Các sản phẩm du lịch hiện có nhỏ lẻ, đa phần tự phát, trong khi các dự án kêu gọi đầu tư vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy khó khăn là vậy, nhưng có thể nói chưa bao giờ du lịch có thời cơ và lợi thế như hiện tại, khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ với nhiều giải pháp vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế, vừa tháo gỡ dần những khó khăn, hạn chế, để từng bước định hình, đưa du lịch phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Theo VĨNH TRÀ (Hậu Giang)