Du khách đến vườn dâu Thiên Ân.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch tham quan thành phố Ngã Bảy đều giảm so năm 2019; năm nay, thành phố và các chủ cơ sở du lịch đang có nhiều giải pháp đồng bộ để vừa thực hiện có kết quả nghị quyết 4 trụ cột (trụ thứ tư về du lịch) của Tỉnh ủy và đẩy mũi nhọn công nghiệp không khói của địa phương phát triển nhanh hơn.
Trở lại vườn dâu Thiên Ân
Có lẽ địa điểm này cần nhắc đến khi chủ vườn thông tin đã, đang chuẩn bị nhiều thứ (vệ sinh lối ra vào, chăm sóc cây trái, lên kế hoạch phục vụ ăn uống…) để phục vụ khách thập phương nếu dịch Covid-19 tiếp tục dịu lắng.
Hai năm dịch Covid-19, vườn dâu Thiên Ân thiếu vắng người vào ra thay vì lúc bình thường, cao điểm có từ 300-400 khách, vậy nên đồng nghĩa với lỗ lã khá nặng.
Ông Lê Minh Tâm, chủ vườn dâu Thiên Ân, ở khu vực 7, phường Ngã Bảy, cho biết, vườn cây trên 20 tuổi này rộng hơn 5ha, gồm các loại dâu hạ châu, dâu bòn bon, dâu xiêm… trước dịch bùng phát, mỗi năm doanh thu trên tỉ đồng. Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, sớm khôi phục phát triển, đến nay khối lượng công việc chuẩn bị phục vụ khách đến tham quan khoảng 70%, khoảng giữa tháng 4 và cũng có thể sớm hơn là đầu tháng 4 này sẽ đón khách vào tham quan.
Đến đây, khách chỉ cần trả phí 50.000 đồng với người lớn và trẻ em là 25.000 đồng để tha hồ đi lại, say đắm với từng gốc dâu rộng mát, trĩu quả, thưởng thức từng trái ngọt lành được chủ vườn chiêu đãi…
Thông tin thêm với phóng viên, ông Tâm nói trước đây đâu nghĩ trồng dâu để làm du lịch, nhưng có cầu sẽ có cung. Khách của khu du lịch này đến từ mọi miền của đất nước và có cả nước ngoài; khi khách đặt trước có thể được phục vụ ăn uống. “Tuy không có hướng dẫn viên biết rành ngoại ngữ để phục vụ khách quốc tế nhưng không đáng lo bởi đa số họ đến đây để thưởng ngoạn, giải trí với miệt vườn xanh mát trong lành chứ ít có nhu cầu về giao tiếp”, ông Tâm cho hay.
Nhằm khắc phục hạn chế của các vườn du lịch trái cây chỉ đón khách vào khi chính vụ thì nay vườn dâu Thiên Ân đã có thêm các loại cây ăn trái khác là hồng nhung, măng cụt, chôm chôm… đặc biệt với hàng trăm gốc vú sữa hoàng kim cho trái quanh năm, du khách có thể vào bất cứ thời gian nào để ngắm nghía cây trái, hít thở không khí trong lành.
Không thể không đến Homestay Miệt Vườn
Ra đời và đón khách vào năm rồi, homestay này của biên đạo múa Trần Hạnh, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, nằm ngay trên một nhánh sông bảy ngã, chung đường với làng nghề truyền thống đan cần xé, được đánh giá là lạ, hứa hẹn một lần đến bao lần thương.
Bà Hạnh cho biết đã đầu tư vào đây hơn 2 tỉ đồng trên diện tích 3.000m2 gồm các home (nhà có kết cấu cây lá, sàn cây, nhà tắm cũng bằng sàn cây, trang bị đủ chăn ga gối nệm, tủ lạnh) phục vụ ngủ, nghỉ cho du khách với giá mềm 150.000 đồng/ngày đêm.
Bao nhiêu đó là chưa đủ để có “bao lần thương” mà đến đây, chủ Miệt Vườn này còn tự tay làm các món cá lóc nướng trui, cháo và gỏi gà vườn với chén nước mắm đậm đà, hay lẩu cá đồng canh chua thật không chê vào đâu được. Cảnh sắc của homestay cũng là điều đáng nói khi hoa lá đan nhau, súng sen cá nhảy, chim chóc tìm về… “Đặc biệt hơn là thức uống dừa nước với công thức bí mật có 1 không 2 sẽ làm cho khách thập phương phải nhớ hoài”, biên đạo múa này bật mí.
Bà Hạnh thông tin thêm đó là, những ngày tết, nhiều người từ nơi khác về thành phố bảy ngã không muốn ngủ đêm ở nhà họ hàng đã tìm về đây đón giao thừa và cùng hoài niệm về mùa xuân của “những ngày xưa thân ái”… Điều này sẽ tiếp thêm động lực để bà tiếp tục đầu tư hoàn thiện khu du lịch của mình trong năm nay.
Bình minh của Homestay Miệt Vườn là tiếng gà gáy gọi, xuồng ghe đua nhau ngược xuôi chở nặng nông sản. Ánh nắng ban mai ấm áp xuyên qua từng kẽ lá đánh thức những ai còn đang say giấc.
Homestay Miệt Vườn chia tay du khách bằng những món quà đặc sắc “home” như thúng, cần xé, sàn, nia… hoàn toàn mini cưng thật cưng, được chính các nghệ nhân của làng nghề truyền thống cần xé đan lấy… Nó không có tác dụng như tên gọi nhưng sẽ là bao gợi nhớ về một dòng sông bảy ngã ngọt ngào, mến khách…
Nhiều giải pháp đồng bộ phát triển du lịch
Theo ông Nguyễn Hoài Vũ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Ngã Bảy, ưu thế về du lịch của địa phương là du lịch sinh thái tại các nhà vườn đã và sẽ thu hút nhiều khách du lịch; du lịch Ngã Bảy đã và hứa hẹn nhiều phát triển là do nhận thức của người dân về phát triển du lịch ngày càng được nâng lên.
Quan tâm đến lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Ngã Bảy sẽ tăng cường mời gọi đầu tư, quy hoạch sử dụng đất cho phát triển du lịch sinh thái; xây dựng bản đồ du lịch Ngã Bảy; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường đi vào điểm du lịch sinh thái, kêu gọi đầu tư phát triển mô hình thuyền du lịch; khách sạn 11 tầng; làng du lịch Cái Côn… Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, quầy hàng lưu niệm trưng bày các sản phẩm đặc thù của địa phương để phục vụ du khách.
Ngoài ra là các hoạt động xúc tiến việc giao lưu, liên kết với các công ty du lịch lữ hành xây dựng tua, tuyến. Kết nối các địa điểm du lịch Ngã Bảy với các khu du lịch ngoài địa bàn. Tổ chức quảng bá, xúc tiến và giới thiệu sản phẩm về du lịch Ngã Bảy như: Thành lập website du lịch Ngã Bảy; lập trang mạng cộng đồng facebook, fanpage về du lịch Ngã Bảy; thường xuyên tải thông tin, video clip, hình ảnh về du lịch địa phương lên Youtube; gửi email giới thiệu sản phẩm du lịch đến các đơn vị lữ hành trên cả nước...
Theo Báo Hậu Giang