Hậu Giang: Thấy gì từ mô hình làng thông minh ?

21/03/2024 - 09:05

Đêm xuống ánh đèn điện sáng rực, đường nông thôn trải nhựa thẳng tắp, xe 4 bánh lưu thông dễ dàng; các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực nhờ mô hình “làng thông minh” để hướng tới sự bình yên, đáng sống và tự hào...

Ông Bảy Những kiểm tra hệ thống quan trắc ở làng thông minh.

Đưa công nghệ số về nông thôn

Mới mờ sáng là lão nông Đặng Văn Những (Bảy Những - 75 tuổi, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) pha bình trà ngồi bàn chuyện sản xuất nông nghiệp với bà con hàng xóm. Tay cầm chiếc điện thoại cảm ứng, ông Bảy Những chỉ cần truy cập vài thao tác của hệ thống quan trắc là hiện các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn… trong ngày, tại khu vực xã Tân Thuận Tây với đầy đủ thông tin; căn cứ vào các chỉ số đó mà nông dân có thể áp dụng vào sản xuất một cách chủ động. “Ngày trước mỗi khi muốn bón phân hay phun thuốc thì phải nhìn bầu trời rồi dự đoán có mưa hay không; còn độ ẩm, độ pH rất khó biết được. Nay nhờ vào hệ thống quan trắc này đã giúp nông dân rất nhiều trong canh tác và hiệu quả mang lại cao hơn…”, ông Bảy Những khoe.

Xã Tân Thuận Tây là vùng chuyên canh xoài lâu năm ở địa phương với diện tích hơn 477ha. Dù vậy, tập quán sản xuất theo phương pháp truyền thống dạng nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết với các doanh nghiệp… vẫn là những hạn chế đeo đẳng. Năm 2017, Tâm Quê là hội quán đầu tiên được thành lập ở xã Tân Thuận Tây nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm”, rồi hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, bởi hội quán là không gian mở, là thiết chế tự nguyện, đa chức năng, đa thành phần; nơi những người dân có cùng ý nguyện, cùng ngành nghề sản xuất ngồi lại với nhau - giúp nhau cùng phát triển…

Bà Phan Thị Kiều Nga (xã Tân Thuận Tây) chia sẻ: “Dù thuộc thành phố Cao Lãnh, nhưng thật ra khu vực này cũng là vùng nông thôn nên việc ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất chưa được như mong muốn. Sau khi có hội quán ra đời và được ngành nông nghiệp cùng các nhà khoa học ở Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ… quan tâm hỗ trợ kỹ thuật mới trong canh tác xoài thông qua các buổi hội thảo đã giúp bà con thay đổi từ nhận thức đến sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng về đây tìm hiểu mô hình trồng xoài của người dân, sau đó liên kết tiêu thụ. Chính sự thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã giúp người dân hạn chế rủi ro, tăng thu nhập bởi sản phẩm làm ra đáp ứng đúng nhu cầu thị trường cần…”.

Gia đình bà Nga canh tác 1,5ha xoài cát chu; giá xoài bình quân khoảng 13.000-20.000 đồng/kg, những lúc hút hàng tăng lên gần 30.000 đồng/kg. Từ khi sản xuất có liên kết đầu ra với các doanh nghiệp, mỗi năm nguồn thu từ vườn xoài của bà Nga được khoảng 400 triệu đồng, tăng khoảng 100 triệu đồng so với cách làm đại trà ngày trước.

Ông Đặng Phụng Đức, ở xã Tân Thuận Tây, cho hay: “Nông dân tụi tui rất bất ngờ với những đổi thay tích cực từ khoa học công nghệ và chuyển đổi số mang lại. Sản xuất xoài bây giờ sạch hơn và hiệu quả hơn, bởi tất cả đều được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, nông dân vui mừng và vinh dự khi được nhiều lãnh đạo Trung ương đến thăm, khen ngợi hội quán đã thổi vào luồng gió mới, chuyển dịch sản xuất căn cơ và bền vững hơn”.

Nếu như lúc đầu Tâm Quê hội quán có 46 thành viên thì nay tăng lên 65 thành viên, canh tác hơn 50ha xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… UBND xã Tân Thuận Tây cũng thành lập thêm Thuận Tân hội quán và Nhân Tân hội quán, vừa sản xuất xoài rải vụ, phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng như dỡ chà bắt cá làm cho nhiều du khách phương xa thích thú…

Xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc một đoàn khách nước ngoài ghé thăm vườn xoài hữu cơ ở xã Tân Thuận Tây. Ông Lê Phước Tánh, Chủ nhiệm Thuận Tân hội quán hướng dẫn khách quét mã QR code để biết xoài hữu cơ, xoài VietGAP được canh tác như thế nào, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu… Nhiều du khách còn được dạo quanh các vườn xoài ven sông Tiền mát rượi, tận mắt xem dỡ chà bắt cá, sau đó nghe đờn ca tài tử rất thú vị… Ông Tánh cho biết, hiện nay bà con đang nỗ lực cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện những phần việc của mô hình làng thông minh nhằm xây dựng nông thôn Tân Thuận Tây trở thành vùng quê đáng sống.

Theo ông Nguyễn Phước Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, năm 2020, tỉnh Đồng Tháp chọn xã Tân Thuận Tây là nơi đầu tiên để triển khai xây dựng mô hình “làng thông minh” phát triển từ hội quán nông dân của tỉnh. Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng đến nay đã triển khai xây dựng xong bộ tiêu chí và cấu trúc mô hình làng thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước. Thiết kế kiến trúc tổng thể cho mô hình làng thông minh cũng được thực hiện; phát triển hệ thống lưu trữ và phân tích dữ liệu trung tâm phục vụ hoạt động làng thông minh. Xây dựng cây thông tin hội quán; cổng thông tin điện tử, các ứng dụng trên điện thoại thông minh, hệ cơ sở dữ liệu ứng dụng cho hội quán nông dân. Bên cạnh đó, còn đầu tư hệ thống quan trắc môi trường với 2 thiết bị quan trắc về đất, nước và không khí; hoàn thành hệ thống tưới tự động sử dụng năng lượng mặt trời cho vườn xoài; lắp đặt hàng chục camera giám sát an ninh trật tự; xây hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh với 60 trụ đèn; đầu tư hệ thống giám sát điện, nước thông minh với 50 thiết bị đo chỉ số điện, nước; thiết kế hệ thống sổ tay canh tác điện tử… tất cả đều giúp ích rất nhiều cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày.

Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, bộc bạch: “Từ khi triển khai xây dựng làng thông minh thì nông dân cũng thay đổi nhiều về phương pháp sản xuất. Điển hình như ngày trước bà con thường dùng thuốc hóa học phòng trị sâu bệnh trên vườn xoài, nay được các nhà khoa học hướng dẫn cách dùng sản phẩm thảo dược được làm từ gừng, tỏi và ớt để phòng trị hiệu quả và thân thiện với môi trường; đồng thời ủ chế phẩm sinh học để trồng xoài hữu cơ, VietGAP. Bên cạnh đó, người dân còn được tiếp cận các thông tin về thị trường, giá cả, thời vụ canh tác… được thể hiện thường xuyên qua sự tích hợp công nghệ của làng thông minh mang lại; từ đó sự gắn kết giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ chặt chẽ hơn.

PGS.TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán - Trường Đại học Bách Khoa (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nhìn nhận: “Sáng kiến làng thông minh nhằm mục đích tạo ra các khu vực nông thôn nơi mọi người có thể sống và mong muốn sống, vì các giải pháp sáng tạo cộng với kỹ thuật số giúp cuộc sống trở nên dễ dàng và thoải mái. Mô hình kinh doanh và nền tảng từ nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ là những ví dụ tuyệt vời, có thể được chuyển đến các vùng nông thôn. Đây là hướng đi tất yếu nhằm phát triển nông thôn hiện đại và ngày càng được mở rộng ở nhiều nước trên thế giới. Đối với Đồng Tháp đang phát triển làng thông minh dựa trên hội quán lấy con người làm trung tâm, xây dựng nền sản xuất bền vững, kinh doanh hiện đại, nông thôn bình yên, an toàn, đáng sống…”.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ những kết quả bước đầu mang lại, tới đây sẽ tiếp tục xây dựng quy chế, sổ tay hướng dẫn, tổ chức tập huấn vận hành mô hình làng thông minh một cách bài bản, nghiên cứu tích hợp mô hình lên nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp…

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, xây dựng làng thông minh từ hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Đối với làng thông minh đầu tiên ở xã Tân Thuận Tây được UBND tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đồng chủ trì; được Bộ Khoa học - Công nghệ phê duyệt, với tổng kinh phí gần 16 tỉ đồng. Mục tiêu là kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nông thôn bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương. Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp xây dựng 7 làng thông minh và năm 2030 là 14 làng thông minh. Đây được xem là điểm xuất phát mới, cuộc cách mạng mới ở Đồng Tháp…

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, sẽ đưa tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm...

Theo HƯNG TÂN (Báo Hậu Giang)