Hậu Giang: Triển vọng mô hình nuôi lươn không bùn xuất khẩu

15/04/2022 - 15:19

Hiện nay, ở Hậu Giang, nuôi lươn không bùn đang dần thay thế cách nuôi truyền thống. Tính hiệu quả của mô hình này là không cần nhiều diện tích, dễ nuôi, cho thu nhập cao; đặc biệt gần đây, một doanh nghiệp đứng ra liên kết cung cấp lươn giống chất lượng, kỹ thuật và thu mua lươn thương phẩm để tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.


Mô hình nuôi lươn không bùn.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh có gần 1.000 hộ nuôi lươn, trong đó có 266 hộ áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, tập trung ở thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh.

Nuôi lươn không bùn chủ yếu trên bể xi-măng, nuôi lươn đồng theo hình thức thâm canh, cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên, nuôi với mật độ khoảng 300-350 con/m2. Mức đầu tư bình quân khoảng 150 triệu đồng/100m2/năm, doanh thu bình quân khoảng 308 triệu đồng/100m2/năm, lợi nhuận khoảng 158 triệu đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi lươn luôn gặp khó về nguồn con giống, giá cả vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ không ổn định. Do nuôi nhỏ lẻ, chất lượng cũng như sản lượng không ổn định, nên đầu ra gặp khó khăn. Gần đây, một doanh nghiệp đứng ra liên kết cung cấp lươn giống chất lượng, kỹ thuật và thu mua lươn thương phẩm để tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây là tín hiệu vui, mở ra hướng đi mới cho người nuôi lươn tăng sản lượng, chất lượng.

Để tìm hiểu về mối liên kết này, chúng tôi tìm đến anh Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Đức, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện mô hình liên kết cung cấp giống và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho người nuôi lươn.

Anh Đức cho biết, do mới thành lập, công ty chỉ mới liên kết được khoảng 300 hộ nuôi, với sản lượng ước khoảng 300 tấn lươn thịt. Hiện nay, công ty có liên kết với một số công ty xuất khẩu ở thành phố Cần Thơ, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu lươn sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường châu Âu, như Hà Lan, Đức, Canada… Năm vừa rồi, công ty thu mua và xuất khẩu được 50 tấn lươn thịt, riêng đầu năm đến nay xuất được 40 tấn.

Chia sẻ về mô hình nuôi lươn không bùn, anh Đức cho rằng, vốn đầu tư không quá cao, nhất là tận dụng tối ưu diện tích sẵn có, diện tích chung quanh vườn, kỹ thuật không quá phức tạp, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, phù hợp với nhiều đối tượng kể cả hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất.

Về thức ăn cho lươn cũng rất phổ biến, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp nên rất thuận tiện trong quản lý thức ăn. Đặc biệt, con lươn có giá trị kinh tế cao, giá bán tương đối ổn định, góp phần giúp nông dân trong việc lựa chọn chuyển đổi phương thức chăn nuôi phù hợp tại hộ gia đình.

“Chỉ cần diện tích khoảng 20m2 để xây bể xi-măng và ngăn ra từ 2 hoặc 3 bể nhỏ có thể thả nuôi 5.000 con lươn giống. Giá thành thả nuôi đến khi xuất bán (từ 10 đến 12 tháng) khoảng 80.000 đồng/kg. Nếu bán nội địa, giá chỉ 105.000 đồng/kg lươn thịt, còn xuất khẩu sẽ có giá 130.000 đồng/kg, với điều kiện trọng lượng lươn đạt từ 150g/con trở lên, không bị trầy, xước và phải nuôi đúng quy trình theo chuỗi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm sạch kháng sinh, vi sinh, ký sinh và không bị nhiễm kim loại nặng. Với kỹ thuật nuôi theo quy trình chuỗi này, tỷ lệ hao hụt rất thấp, bảo đảm người nuôi có lợi nhuận cao”, anh Đức cho biết.

Mới đây, gia đình ông Trần Văn Đệ, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy đã xuất bán 2 bể lươn (5.000 con lươn giống) nuôi theo hình thức không bùn, sau thời gian 12 tháng thả nuôi, năng suất đạt hơn 1 tấn, thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.

Còn anh Lê Thanh Danh ở ấp 2, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy cũng vừa xuất bán cho Công ty Tâm Đức 3 bể nuôi (5.000 con giống) với giá 130.000 đồng/kg, lợi nhuận gần 50 triệu đồng.

Anh Danh, cho biết: “Tôi thấy liên kết với công ty rất tiện lợi và hiệu quả. Vừa được công ty cung cấp giống chất lượng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, có phương tiện đến tận nơi để thu mua. Với mô hình này, ai cũng có thể nuôi được, quy mô ít hay nhiều tùy vào khả năng, nhất là khỏi phải lo đầu ra”.


 Anh Lê Thanh Danh ở ấp 2, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, xuất bán lươn cho Công ty Tâm Đức.

Với mong muốn gắn kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu lươn với sản lượng lớn để xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa, anh Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Đức, cho biết, trên diện tích 1,2ha để sản xuất lươn giống, công ty đã và đang thực hiện khu lươn bố mẹ có diện tích 1ha và khu để ương lươn giống (1.000m2), có hệ thống ao xử lý lắng lọc và tái sử dụng nguồn nước, nhằm bảo đảm mỗi năm cung cấp khoảng 5 triệu con lươn giống chất lượng cho các hộ nuôi.

Ngoài ra, 1.000m2 còn lại, công ty đang xây dựng khu sơ chế phục vụ thị trường nội địa thông qua hệ thống các siêu thị. “Chúng tôi cũng đang tiến hành các bước thủ tục đăng ký thương hiệu lươn Hậu Giang, dự kiến hoàn thành trong năm nay”, anh Đức, thông tin.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Trần Chí Hùng, lươn là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao và rất được ưa chuộng tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... và các nước châu Âu. Từ kết quả bước đầu của mô hình liên kết nuôi lươn không bùn mang lại, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Hiện nay, con lươn cũng được chọn trong nhóm 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh để tập trung đầu tư phát triển cân đối nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thị trường; đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các nông sản chủ lực đủ điều kiện, gắn với xây dựng và nâng cao thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Việc liên kết nuôi lươn xuất khẩu này kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi lươn thương phẩm nói riêng ở Hậu Giang, từng bước đưa các địa phương trong tỉnh thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ vào mô hình nuôi lươn một cách có hiệu quả.

Theo PHÙNG DŨNG (Nhân dân)