Hiệu quả mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu ở ÐBSCL

29/11/2023 - 14:36

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, biến đổi khí hậu (BÐKH) đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, bảo tồn sinh thái ở ÐBSCL. Ðặc biệt, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng chịu nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến đời sống… Do đó, công tác ứng phó, hạn chế tác hại do BÐKH, xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dân tìm sinh kế thích nghi BÐKH đang được các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn nỗ lực thực hiện.

Mô hình sinh kế nuôi ong bền vững của gia đình ông Hút được nhà khoa học, ngành chức năng tham quan.

TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL, cho biết: Trước đây ĐBSCL thể hiện rõ đặc điểm của bốn vùng hay còn gọi là bốn "miệt", bao gồm miệt vườn; miệt ruộng; miệt bưng và miệt biển. Do tác động của BĐKH kết hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại vùng ĐBSCL, những đặc điểm của từng vùng sinh thái không còn giữ được như trước đây, mà đã có nhiều thay đổi từ sản xuất đến sinh kế, sinh hoạt của từng vùng. Trước những thay đổi này, trong quy hoạch tích hợp ĐBSCL được công bố vào tháng 2-2022 (Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050) về cơ bản cũng chia ĐBSCL thành bốn "miệt", nhưng miệt bưng và ruộng được nhập lại thành một, cho nên, ĐBSCL hiện còn ba vùng sinh thái, gồm vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

TS Trần Triết, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Do phát triển kinh tế nên vùng sinh thái ĐBSCL có nhiều thay đổi. Trong đó, với miệt bưng, vùng sinh thái này phù sa của sông không đến được. Tuy nhiên, khi kênh rạch được đào khá nhiều, nước chứa phù sa đi rất nhanh vào miệt bưng, làm thay đổi vùng sinh thái, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phát triển theo và cũng xuất hiện tác hại từ môi trường...".

Từ những thay đổi trên, việc xây dựng những mô hình sinh kế bền vững để góp phần ứng phó BĐKH, sự thay đổi của các vùng sinh thái ở ĐBSCL là điều cần thiết. Nhiều năm nay, người dân vùng ven biển đã biết được giá trị cỏ năn tượng tạo thêm thu nhập trong quá trình sinh kế cho hộ dân. Trong vô số loài cây cỏ hoang dại ở vùng đất ngập nước, cỏ năn tượng là nguồn vật liệu từ thiên nhiên phù hợp với mô hình sản xuất mới ở vùng nông thôn. Hơn nữa, đây còn là cây thích ứng với BĐKH, gìn giữ môi trường sinh thái bền vững. Nhiều nhà khoa học và nông dân cho biết ở những vùng cỏ năn tượng tự nhiên sinh sôi ngoài đồng, như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng… thì chúng có khả năng làm sạch nguồn nước, tạo môi sinh tốt cho tôm, cua, cá… một cách phù hợp, tùy theo mô hình nuôi thủy sản của người dân, nhất là phù hợp mô hình nuôi quảng canh hoặc để cải thiện môi sinh.

TS Dương Văn Ni hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ MCF (Mekong Conservancy Foundation), cho biết: MCF cùng với Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã và đang tìm sự đồng thuận trong cộng đồng để ứng dụng mô hình cải thiện sinh kế từ cây cỏ năn tượng.

Bà Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên là người đã tiên phong đưa cây năn tượng về trồng trên 1ha ruộng nhà. Việc làm này cũng gây nhiều nghi ngại đối với người dân địa phương. Bởi, năn tượng là loài cỏ trước kia diệt không hết nhưng nay lại được đem về trồng.

Ông Trần Văn Mật (cha của bà Trần Hồng Ni), cho biết: "Qua nhiều năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đất ruộng nhà trồng lúa và nuôi tôm. Nhưng cũng có khi gặp khó khăn do nước mặn lên trễ giống như đầu năm 2023, nên gặp khó khi thả tôm. Chuyện mới khởi đầu nan, một khi đưa cây trồng vật nuôi mới có thể rủi ro phải chấp nhận. Còn đưa cỏ năn tượng trồng trở lại thì rủi ro được hạn chế, hiệu quả cao...".

Nhiều nông dân trồng năn tượng cũng cho biết, trồng năn tượng không tốn phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ cần canh nước không ngập đọt ngọn cỏ, thu hoạch được 2 tấn tươi/công, phơi khô còn 1 tấn. Mỗi vụ năng tượng trồng 4 tháng sẽ cho thu hoạch và được Công ty Cổ phần MCF Việt Nam (do Quỹ MCF hỗ trợ, tư vấn) thu mua sử dụng làm nguyên liệu đan giỏ (sản phẩm thủ công mỹ nghệ) xuất khẩu.

Theo tính toán, trung bình 7-8kg năn tươi sau khi phơi khô còn 1kg. Giá năn tượng tươi khoảng 600-700 đồng/kg, năn tượng khô 8.000-10.000 đồng/kg; bình quân cho thu nhập 6-8 triệu đồng/công, hằng năm thu hoạch 3 đợt là 18-24 triệu đồng. Tính ra, nông dân đỡ cực công hơn gấp nhiều lần trồng lúa; đồng thời trồng năn tượng còn có nguồn lợi rất lớn về mặt môi trường như làm sạch nước, rong tảo, đất… Từ đó, nông dân có thể thả nuôi tôm, cua hoặc cá.

Hiện nay, Hội Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã tổ chức được 27 tổ hợp tác đan đác, với 15-20 thợ đan/tổ. Nguyên liệu từ cỏ năn tượng đan giỏ thành phẩm cung cấp khoảng 700 sản phẩm/tuần cho Công ty MCF. Giá gia công đan giỏ từ 14.000-31.000 đồng/giỏ, giúp người lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập mỗi ngày.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) với trên 700 lao động nông thôn gia công đan đác. Năm 2022, hợp tác xã đã cung ứng 30.000 sản phẩm; năm 2023, hợp tác xã có kế hoạch triển khai gia công sản phẩm mỹ nghệ từ năn tượng, cung ứng 10.000 sản phẩm/tháng. Sản phẩm giao bán về Trung tâm điều phối của Công ty MCF. Mỗi tháng trung tâm này cung cấp từ 30.000 đến 40.000 sản phẩm (của các hợp tác xã, tổ hợp tác) cho Công ty Housewares (ở Bình Dương) để xuất khẩu 100% sang Mỹ, Úc, Nhật Bản... Mô hình sinh kế bền vững này đang được phát triển tại các địa phương vùng biển ĐBSCL.

Dự án phát triển sinh kế vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông cũng được triển khai thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp. Dự án đã cho người dân vay vốn xây dựng sinh kế bền vững. Gia đình ông Nguyễn Văn Hút, chủ cơ sở mật ong Hút Dẻo (xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông) là một trong những điển hình thoát nghèo từ nguồn vốn vay của dự án. Từ nguồn vốn này, ông phát triển 50 thùng nuôi ong ban đầu lên trên 500 thùng.

Theo ông Hút, mật của cơ sở được sản xuất hoàn toàn tự nhiên do ong hút mật từ hoa cây tràm ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Với hơn 500 thùng nuôi ong hiện nay, mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 1,5-2 tấn mật, doanh thu trên 300 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Thiên Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông, cho biết: "Từ nguồn vốn ban đầu của dự án, gia đình của ông Hút không chỉ thoát nghèo mà còn vượt lên trở thành hộ giàu ở địa phương từ mô hình sinh kế nuôi ong bền vững. Mô hình này cũng được địa phương nhân rộng…".

Đây là một trong những mô hình sinh kế bền vững ở miệt bưng (vùng Đồng Tháp Mười). TS. Dương Văn Ni cho biết: "Sinh kế của hộ gia đình ông Hút đã đáp ứng được 5 yếu tố khi xét về một mô hình sinh kế bền vững trong thời kỳ thích ứng BĐKH. Trong đó bao gồm về môi trường, gia đình, cấu trúc xã hội, văn hóa và hiệu quả kinh tế.

"Cụ thể, tiêu chí về môi trường, tức không làm ô nhiễm đất, nước, không khí, không làm cạn kiệt dinh dưỡng đất, nước và không làm suy thoái về đa dạng sinh học. Thứ hai là bền vững về gia đình khi xét ở mối quan hệ chồng vợ, cha mẹ với con cái, con cái với người già được thắt chặt. Thứ ba, là bền vững về mặt cấu trúc xã hội, tức với sinh kế đó thì quan hệ giữa gia đình với gia đình; giữa hộ với đoàn thể; giữa hộ với thể chế chính quyền nhà nước, tức cấu trúc của xã hội không tạo ra bất ổn. Thứ tư, bền vững về mặt văn hóa, tức ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xóm làng, giữa con người với xã hội cũng không bất ổn. Cuối cùng, mô hình nuôi ong, trồng cỏ năn tượng là hoạt động sinh kế bền vững về hiệu quả kinh tế và đáp ứng các yếu tố nêu trên. Đây là những mô hình cần phát triển, nhân rộng ở vùng nông thôn khi mà BĐKH diễn ra ngày càng gay gắt…" -TS. Dương Văn Ni nói.

Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)