Hòa Ân: Di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng

29/08/2022 - 09:51

Xã Hòa Ân (huyện Cầu Kè) được công nhận xã NTM vào năm 2018 và xã có trên 75% đồng bào Khmer. Trong quá trình XDNTM, Hòa Ân luôn duy trì và gắn kết giữa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cùng với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư Kinh - Khmer - Hoa trong các lễ hội.

A A

Trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tại Hòa Ân đã hình thành sự giao thoa và gắn kết chặt chẽ giữa 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, với các lễ hội như: Vu Lan thắng hội của người Hoa, Lễ hội Ok - Om - Bok của đồng bào Khmer…

Theo ông Nguyễn Thanh Khiết, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ân: vừa qua, trong phong trào XDNTM, địa phương được huyện định hướng trong triển khai nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình trải nghiệm, du lịch NTM; tăng cường kiểm kê, ghi danh các di sản văn hóa...

Hiện trên địa bàn xã, có 02 điểm thờ tự của đồng bào người Hoa gắn kết với lễ hội cấp huyện như Vạn Ứng Phong Cung, Thiên Đức Cung (ấp Giồng Lớn); riêng Minh Đức Cung (ấp Trà Kháo) được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2019. Đặc biệt, trong cộng đồng đồng bào Khmer, với 05 ngôi chùa Khmer cổ kính, có niên đại từ vài trăm năm đến hơn ngàn năm tuổi, như chùa Samborransi (chùa Sâm Bua, trên 1.200 năm tuổi), chùa Majjhimarama (chùa Cành Đal, ước trên 700 năm tuổi) cùng ở ấp Trà Kháo và cả 02 ngôi chùa trên đều gắn với các hiện vật đang được lưu giữ tại đây.

Cây thị ước trên 700 năm tuổi

Ông Thạch Dương, Trưởng Ban Trị sự chùa Cành Đal bên cây thị ước trên 700 năm tuổi.

Tại ngôi chùa Cành Đal, có thể nói hình ảnh cây thị gắn bó từ giai đoạn hình thành ngôi chùa tới nay vẫn đang “được thắc mắc” đối với các vị Sư nơi đây về tính độ tuổi của cây.

Theo Thượng tọa Thạch Thảo, Sư cả chùa Cành Đal, năm 2017, chùa làm lễ kỷ niệm 700 năm thành lập (năm 1317-2017), từ các vị Sư cả trước đây truyền lại, ngay tại khuôn viên của chùa từ khi hình thành, đã có cây thị và tồn tại qua nhiều đời Sư cả cho đến ngày nay. Từ đó, cho thấy cây thị đã tồn tại với khoảng thời gian ước trên 700 năm.

Ông Thạch Dương (đã ngoài 80 tuổi), Trưởng Ban Trị sự chùa Cành Đal đưa chúng tôi đi xem cây thị ước hơn 700 năm tuổi, cho biết: trong những năm kháng chiến, 01 quả đạn pháo phát nổ ngay gốc cây thị, từ vụ nổ này làm tách đôi thân cây thị ra cho tới ngày hôm nay… Hiện nay, chùa được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện quan tâm và hỗ trợ khôi phục, bảo tồn giá trị của cây thị.

Bia ký có niên đại từ thế kỷ VII-VIII

Ông Thạch Ri bên bia ký bằng đá được lưu giữ tại chùa Samborransi (Cành Đal).

Còn tại ngôi chùa Sâm Bua, qua các di tích cho thấy ngôi chùa được xây dựng vào năm 373, trên khuôn viên rộng 4,2ha, tọa lạc tại ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè.

Sư cả Thạch Vuông, chùa Sâm Bua cho biết: qua các bản dịch và thông tin lưu trữ của chùa đã chứng minh bia ký đang được lưu trữ tại chùa được viết vào thế kỷ thứ VII hoặc VIII (theo phân tích của các ký tự) trước thời Angkor, tương tự như Văn hóa Oc Eo ngày nay (bia ký này đã lưu vào sổ kiểm kê K.419).

Trong giai đoạn hình thành ngôi chùa này, bia ký đã tồn tại song song với ngôi chùa, như vậy khả năng tuổi của ngôi chùa trên 1.200 năm tuổi. Căn cứ vào nội dung của bia đá này thì “một nghìn vị Chúa Rồng đã đến tỏa ánh sáng để quét sạch chất nhơ, bảo vệ toàn bộ Phật tử sống trong khu vực này”, thế nên chùa mới có tên là Chùa Samborransi (tức là Phú Quang).

Hiện nay, tại ngôi chùa này vẫn đang lưu giữ 01 bia ký bằng đá: dài khoảng 1,7m, ngang khoảng 0,48m, có độ dày khoảng 09cm và nặng khoảng nữa tấn, phía 02 đầu bia có 2 mấu dài khoảng 10cm, mặt trên bia đá có 01 hàng chữ Khmer và ý nghĩa chữ trên bia ký đã được dịch sang tiếng Pháp bởi ông George Cedes và được dịch sang tiếng Khmer bởi Giáo sư Ang Julian (được đăng trên tạp chí Bulletin de l'ecole Francaise l'Extrieme Orient XIX, 1919).

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Khiết, qua việc khảo sát và xác định lại các di tích, di sản vật thể, hiện vật cũng như những câu chuyện hình thành nét văn hóa vùng miền, văn hóa hình thành của các ngôi chùa… Từ đó, sẽ giúp xã cùng với huyện, tỉnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh, quê hương vùng đất Hòa Ân trong phát huy, bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của cộng đồng Kinh - Khmer - Hoa gắn kết hình thành chuỗi du lịch trong XDNTM, giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian tới, cần có sự đầu tư tốt hơn đối với các di vật, chứng tích sẽ được bảo tồn và lưu trữ tại nơi khang trang, nhằm để du khách khi đến tham quan chùa có dịp chiêm ngưỡng, nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của vùng đất Hòa Ân, huyện Cầu Kè. Xã cũng được huyện hỗ trợ tổ chức phục dựng lại lễ hội giã cốm dẹp của đồng bào Khmer và sẽ tổ chức trong Lễ hội Ok - Om - Bok hàng năm.

Theo Báo Trà Vinh